Từ chuyện ở trường học...
Cuối năm 2016, cả xã hội xôn xao vụ việc tại trường Tiểu học Nam Trung Yên Hà Nội. Xe taxi chở hiệu trưởng nhà trường vào sân trường gây tai nạn cho một cháu học sinh. Tư duy bình thường là nhận lỗi, nhận trách nhiệm, nhưng không.
Trước hết cứ là chối đã rồi tính tiếp. Rồi mới đây, cô giáo phạt trò bằng cách bắt trò uống nước giặt giẻ lau bảng. Khoan nói đến kỹ năng và nghiệp vụ sư phạm mà trước hết cô cũng là một con người. Tình người ở đâu, đạo đức ở đâu khi cô hành xử như vậy?
Rất nhiều người nghĩ như tôi không biết nếu cô giáo đó có con, có cháu mắc khuyết điểm bị buộc uống thứ nước như vậy thì cô nghĩ gì, phản ứng ra sao? Rồi cô giáo 3 tháng liền không nói với trò trong lớp học.
Một kỷ lục không chỉ của riêng ta, mà có lẽ của cả thế giới. Mà trò cũng lạ, 3 tháng cứ vậy cũng không ai nói năng gì. Đến lúc có trò nói ra thì có vẻ như bị cô lập, vì như vậy đã làm ảnh hưởng đến thành tích của nhà trường khi cấp trên xem xét.
Không thể hiểu nổi. Rồi chuyện cô phạt, bắt trò quỳ thì bố trò đến bắt cô quỳ. Trò đánh thầy, đâm thủng bụng thầy để trả thù. Phụ huynh vào hẳn trường học hành hung giáo viên... Đấy là chuyện ở trường học.
...Chuyện trong bệnh viện
Trong bệnh viện cũng không ít chuyện. Bệnh nhân, người nhà bệnh nhân đánh nhân viên y tế. Thầy giáo và thầy thuốc từ xa xưa vốn là những người được dân ta kính trọng nhất. Không thầy đố mày làm nên. Lương y như từ mẫu.
Giờ đây, quan niệm đó hình như bị lung lay đáng kể. Nhiều giá trị xã hội, nhiều chuẩn mực đạo đức xã hội bị đảo ngược. Nếu như thầy đúng là thầy, bác sỹ đúng là bác sỹ thì có chuyện gì xảy ra không?
Thầy giáo và bác sĩ giờ đây có vẻ không còn nguyên vẹn như xưa. Trò lại càng quá trớn vượt qua làn ranh giữa trò và thầy. Và đặc biệt là người dân, rất dễ bất bình, rất dễ manh động đánh đấm khi không hài lòng.
Đến tướng công an và cả chuyện phong giáo sư?
Khoan nói đến vi phạm pháp luật nghiêm trọng, thì ở đây sự đảo lộn giá trị xã hội, chuẩn mực đạo đức càng mãnh liệt hơn.
Về cơ bản, trong con mắt người dân, lực lượng công an phải là mẫu mực. Mẫu mực để bảo vệ pháp luật, bảo vệ dân.
Đôi khi, cũng có khuyết điểm, cũng có tỳ vết, nhưng vẫn có thể tha thứ, chấp nhận. Nhưng đến mức như vậy thì quả là quá nghiêm trọng. Câu hỏi vẫn cứ là sao lại thế nhỉ?
Rồi chuyện phong giáo sư nữa chứ. Cả một hội đồng quốc gia làm cái việc này bao năm qua, qua bao tầng nấc xét duyệt, riêng năm nay lại bị khơi ra chính thức. Mà khơi ra mới thấy nhiều cái sai, cái lố. Khoan bàn đến trách nhiệm các cơ quan nhà nước có liên quan, mà hãy xem những người vào cuộc phong hàm. Rất nhiều người xứng đáng. Có một số ít cũng rất xứng đáng nhưng không biết sao vẫn bị loại. Và có những người tìm mọi cách để lọt, cho dù không đáp ứng tiêu chuẩn.
Trộm nghĩ, mình không xứng giáo sư, tiến sĩ, nhưng bằng mọi cách đạt được, để rồi đi đâu cũng trưng ra thì cái liêm sỉ tối thiểu phải có đã biến sạch trơn. Cũng chả cần đạo đức cao xa gì, miễn đạt giáo sư là ok hết.
Đạo đức con người đang có vấn đề
Rồi chuyện... Vẫn biết, con người ta không phải là “thánh”, không thể không nhiễm bụi trần, nhưng cái bụi trần nhiễm đến mức như vậy thì quả là đáng lo ngại. Đạo đức con người đang có vấn đề, đang xuống cấp nghiêm trọng.
Đạo đức không phải cứ áp đặt bằng được là ra, không phải cứ qua các câu khẩu hiệu hoành tráng là đi vào lòng người. Đạo đức phải được chăm chút xây dựng trong từng gia đình, rồi từ gia đình đến trường học, rồi đến xã hội.
Quá trình này vừa tự nhiên thẩm thấu vào mỗi con người, vừa không hẳn tự nhiên theo nghĩa mọi người phải tuân thủ những cái chung của xã hội, những cái được xã hội coi là chuẩn, là đúng mực. Đạo đức xã hội là thước đo giá trị con người, không ngoại lệ, cho người bình thường nhất cho đến những người có trọng trách cao nhất trong xã hội.
Với những gì đang diễn ra trong xã hội ta, nghĩ cũng tốt, cứ để nó bung ra mọi khuyết tật, mọi cái gọi là tiêu cực liên quan tới phạm trù đạo đức để xem ta đang ở đâu may ra còn có cách giải quyết phù hợp. Cái này mà không nhận ra thì coi như bó tay chấm com.