(Baonghean) - Theo phản ánh của các hộ dân sống tại xã Hiến Sơn (Đô Lương), mặc dù trước đây các hộ dân đã nộp tiền lệ phí cấp đất ở, nhưng gần 20 năm nay vẫn phải sống trên những thửa đất chưa được cấp giấy chứng nhận QSD đất. Điều này gây khó khăn cho người dân trong việc chuyển nhượng, thế chấp vay vốn ngân hàng...
 
images981226_4a.jpgNgôi nhà của ông Lê Văn Hợi đang xây dở trên mảnh đất chưa được cấp giấy chứng nhận QSD đất.
 
Tìm về xã Hiến Sơn, gặp các hộ dân mua đất do xã bán trước đây, ai nấy đều kêu khó. Ông Lê Văn Hợi, trú tại xóm Hòa Thọ, cho biết: “Năm 1997, bố tôi là Lê Văn Cốc có đơn xin mua đất cho vợ chồng tôi ra ở riêng, có giấy xác nhận của cơ sở xóm, đồng thời nộp tiền với lý do mua đất vườn tổng thể 1.500.000 đồng, hiện còn hóa đơn có chữ ký của kế toán thời kỳ đó. Tuy nhiên, mãi đến nay, gia đình vẫn không được cấp sổ đỏ. Vì vậy, mặc dù vẫn xây dựng nhà ở nhưng không thể thế chấp vay vốn ngân hàng. Ông Hợi cho biết thêm: “Nhà tôi hiện đang xây dở, thiếu tiền hoàn thiện nhưng không có sổ đỏ để thế chấp ngân hàng vay tiền, chưa nói cần tiền để mua trâu bò chăn nuôi phát triển sản xuất, vì vậy rất khó khăn”. Ông Trần Đăng Tường ở xóm Hòa Long, cho biết: Ngày 15/7/1999, ông lên xã nộp tiền mua đất. Đích thân ông Nguyễn Chương Huynh, lúc đó là chủ tịch UBND xã viết phiếu thu, ký tên, nhận tiền. Đinh ninh tiền mua đất đã được nộp vào ngân sách, ông ra về và từ đó đến nay, gia đình vẫn tiếp tục sử dụng thửa đất trên. Tuy nhiên, năm lần bảy lượt ông lên xã yêu cầu làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đều không được... 
 
Tìm hiểu được biết, tại xã Hiến Sơn, rơi vào cảnh ngộ như ông Hợi, ông Tường không phải là ít. Bởi giai đoạn 1994 - 1999, lãnh đạo xã Hiến Sơn đã bán gần 300 lô đất trái thẩm quyền. Các hộ mua đất đều đã nộp tiền, có phiếu thu hoặc được đóng dấu hoặc không. Gần 20 năm nay, hàng trăm hộ dân đã sử dụng, xây nhà trên các thửa đất do UBND xã Hiến Sơn bán nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đương nhiên, muốn chuyển nhượng, cầm cố để vay ngân hàng phát triển kinh tế đều không thể.  Sau khi việc làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của hàng trăm hộ dân không thực hiện được, người dân đã viết đơn khiếu nại, tố cáo. Sau đó, Thanh tra UBND huyện Đô Lương, Thanh tra tỉnh đã vào cuộc. Tại Thông báo của UBND tỉnh số 143 TB/UB.KT, ngày 24/5/2001 về việc giải quyết đơn của công dân xã Hiến Sơn nêu rõ “...Trong 5 năm (1994 - 1999), đã cấp bán đất sai thẩm quyền là 275 suất đất. Thu tiền đất không nộp kho bạc theo chế độ số tiền là: 554.146.000 đồng. Trách nhiệm này thuộc tập thể lãnh đạo xã Hiến Sơn nhưng trách nhiệm chính thuộc về ông chủ tịch UBND xã, ông cán bộ địa chính xã, ông kế toán ngân sách xã”.
 
Sau khi có Thông báo kết luận, những cán bộ có liên quan đã phải nhận hình thức kỷ luật đích đáng nhưng hậu quả gây ra phần thiệt vẫn là người dân. Ông Nguyễn Đình Công, cán bộ địa chính xã Hiến Sơn hiện nay cho biết: Nhiều hộ, dù đã nộp tiền cho cán bộ xã nhưng do tiền chưa nộp vào ngân sách, do phiếu thu không được đóng dấu, vì vậy không làm được thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Hơn nữa, năm 2000, tại địa phương xảy ra một vụ cháy khiến toàn bộ hồ sơ, sổ sách được lưu giữ trước đây không còn. Nhiều hộ dân không lưu được chứng từ gốc, vì vậy khó khăn trong việc làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. 
 
Ông Trần Đăng Tuấn - Phó Chủ tịch UBND xã Hiến Sơn, cho biết thêm: Trước hậu quả để lại, không chỉ khó khăn cho người dân, mà ngay chính quyền cũng gặp khó. Hiện nay xã đã thông báo rà soát và tổ chức kê khai những trường hợp trước đây mua đất trái thẩm quyền, kết quả hiện nay đã có 228 hộ khai báo và kê khai đăng ký quyền sử dụng đất tại UBND xã. Danh sách này xã đã chuyển cho UBND huyện, phòng TN - MT để xin hướng xử lý.
 
Việc tự ý bán đất trái thẩm quyền ở Hiến Sơn là bài học cho các địa phương trong vấn đề quản lý đất đai. Vấn đề hiện nay là UBND huyện Đô Lương cần sớm vào cuộc, tìm giải pháp xử lý một cách thấu tình, đạt lý cho từng trường hợp cụ thể, tránh trường hợp khiếu kiện kéo dài. 
 
 
Quảng An