Ngày 19/5, khóa họp lần thứ 67 Đại hội đồng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khai mạc tại Geneva, Thụy Sĩ.
Tại khóa họp dự kiến kéo dài đến ngày 24/5 này, các đại biểu tập trung thảo luận 14 chủ đề chính, tuy nhiên phòng chống hai căn bệnh lao phổi và viêm gan là những ưu tiên hàng đầu.
Theo kế hoạch, tại khóa họp, WHO sẽ đưa ra dự thảo Chiến lược và mục tiêu toàn cầu trong lĩnh vực phòng chống, chữa trị bệnh lao phổi giai đoạn sau năm 2015.
Theo số liệu của WHO, hàng năm trên thế giới có từ 8,6 đến 9 triệu người nhiễm lao phổi, trong đó gần 3 triệu bệnh nhân không được chữa trị, cùng khoảng 500.000 bệnh nhân lao kháng thuốc.
Bệnh lao cũng khiến gần 1,4 triệu người trên thế giới tử vong, biến nó trở thành nguyên nhân gây tử vong thứ hai sau căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS.
Mục tiêu chính của chiến lược trên là ngăn chặn đại dịch lao phổi trên phạm vi toàn cầu, giảm 75% tỷ lệ bệnh nhân tử vong vì căn bệnh này đến năm 2025 và 95% đến năm 2035, trong khi tỷ lệ mắc bệnh giảm tương ứng là 50% và 90%.
Liên quan đến viêm gan, Ai Cập hiện là quốc gia có tỷ lệ người mắc bệnh gan cao nhất thế giới.
Theo số liệu của WHO, năm loại virus khác nhau gây bệnh viêm gan hàng năm cướp đi sinh mạng của gần 1,4 triệu người trên thế giới, trong đó, gần 800.000 người tử vong do nhiễm virus viêm gan B và gần 500.000 do nhiễm virus viêm gan C.
Các chuyên gia ước tính trên thế giới có 240 triệu người nhiễm virus viêm gan B mãn tính và 150 triệu người bị nhiễm virus viêm gan C mãn tính.
WHO khẳng định bệnh nhân bị nhiễm mãn tính virus viêm gan là rất nguy hiểm, song căn bệnh này hiện chưa được công nhận một cách đầy đủ như là vấn đề y tế cộng đồng toàn cầu.
Theo Vietnam+