Một báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng chính phủ các nước châu Âu cần chia sẻ ý kiến chuyên môn tích cực hơn về tính hiệu quả của việc chi tiền cho các loại dược phẩm mới nhằm đối phó với tình hình căng thẳng tài chính do giá các loại tân dược đắt đỏ.
Hiện rất ít quốc gia châu Âu thực hiện cơ chế đánh giá xem liệu giá trị sử dụng của các loại thuốc có phù hợp và tương xứng với mức giá do nhà sản xuất đưa ra hay không.
Ngoài ra, nguồn cung và giá thuốc thường được ấn định thông qua các thỏa thuận thiếu rõ ràng giữa chính phủ và các nhà sản xuất, gây khó khăn cho việc làm tăng tính minh bạch để hạ giá thuốc.
Lời kêu gọi trên của WHO được đưa ra trong bối cảnh những tranh cãi xung quanh giá trị của các loại thuộc mới đang gia tăng. Trong khi đó, việc đánh giá lợi ích kinh tế của các loại thuốc lại nằm ngoài trách nhiệm của các cơ quan giấy cấp phép như Cơ quan dược phẩm châu Âu.
Giám đốc WHO phụ trách khu vực châu Âu Zsuzsanna Jakab nhấn mạnh: "Mục tiêu quan trọng là bảo vệ lợi ích của bệnh nhân và đảm bảo rằng các loại thuốc mới không chào bán với giá quá đắt mà chỉ giúp rất ít hoặc không cải thiện đáng kể sức khỏe của người sử dụng."
Ngành dược phẩm thế giới hiện đang bước vào thời kỳ phát triển mạnh nhờ những thành tựu lớn từ công tác nghiên cứu, với nhiều pháp đồ điều trị bằng thuốc mới được áp dụng.
Tuy nhiên, giá của một số dòng thuốc lại tăng bất hợp lý, ảnh hưởng tới cơ hội tiếp cận nguồn dược phẩm của người dân, nhất là ở những nước có thu nhập thấp và trung bình. Giá các loại thuốc mới đang là chủ đề "nóng" không chỉ trong giới bác sỹ, các nhà chính trị, mà còn đối với cả các nhà đầu tư.
Giá thuốc tăng cao có thể đem lại lợi nhuận cho nhiều nhà sản xuất, đặc biệt là các công ty công nghệ sinh học, song nhiều nhà đầu tư lo ngại rằng xu hướng này sẽ bị chặn lại do các cơ quan y tế có thể xem xét lại và hợp lý hóa kế hoạch chi tiêu.
Theo Vietnam+