(Baonghean) - Chỉ còn 1 ngày nữa là hết thời hạn cho các nước nộp đơn xin đăng ký làm thành viên sáng lập Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) - định chế tài chính do Trung Quốc sáng lập. Cho đến thời điểm này, đã có 30 quốc gia tuyên bố gia nhập AIIB, mới nhất là Nga và Australia. Điều đáng nói là trong danh sách này, xuất hiện rất nhiều cái tên là những đồng minh thân cận nhất của Mỹ, từ châu Âu như Anh, Pháp, Italia, tới châu Á như Hàn Quốc, Australia... Vậy là dù đã cố hết sức để níu kéo, nhưng Mỹ đã không thể ngăn các đồng minh “đi theo tiếng gọi của lợi ích”.
Phớt lờ Mỹ, các đồng minh “lũ lượt” gia nhập AIIB
Theo thông báo từ phía Trung Quốc, sau thời hạn chót để nộp đơn xin đăng ký làm thành viên sáng lập AIIB là 31/3, các nước sáng lập sẽ tiến hành nhiều vòng thảo luận để tháng 6/2015 có thể cùng nhau ký kết Điều lệ AIIB. Sau khi hoàn thành các trình tự này, AIIB có thể chính thức được thành lập và bắt đầu hoạt động vào cuối năm 2015. Ngay từ cuối năm 2014, khi Trung Quốc cùng 20 quốc gia khác đứng ra thành lập AIIB, Mỹ đã cố gắng khuyên các đồng minh của mình nên thận trọng trong việc quyết định AIIB với lý do các nước cần có thời gian để đánh giá về chuẩn mực quản trị và môi trường của AIIB. Tất nhiên, đằng sau lý do này, người ta có thể thấy mối quan ngại lớn hơn của Mỹ đối với thể chế tài chính được coi là “Worldbank của Trung Quốc” này. Đó là khả năng gia tăng “quyền lực mềm” của Trung Quốc ở châu Á – Thái Bình Dương, nơi mà Mỹ đang thực hiện chiến lược xoay trục, sự cạnh tranh của AIIB với hai thể chế khác mà Mỹ nắm giữ vai trò quan trọng là Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).... Thế nhưng, lời kêu gọi của Mỹ tỏ ra chẳng mấy tác dụng khi càng sát đến thời hạn này, hàng loạt nước đồng minh đã vượt qua sự “can gián” của Mỹ để trở thành thành viên sáng lập của AIIB. Sau Anh, Đức, Pháp, Italia, Luxembourg, Thụy Sỹ, Hàn Quốc, một đồng minh quan trọng khác của Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương là Australia cuối cùng cũng quyết định “gia nhập cuộc chơi”. Như vậy, sau khi “điểm mặt anh tài”, cuối cùng thì hầu hết những “gương mặt sáng giá” nhất của nền kinh tế thế giới đều đã xếp hàng vào AIIB. Trong nhóm G7, chỉ còn thiếu hai cái tên là Mỹ và Nhật Bản. Tuy nhiên, ngay cả Nhật Bản cũng đang cân nhắc việc gia nhập AIIB nếu Trung Quốc đảm bảo tính bền vững của việc vay nợ, lường trước những tác động của AIIB đối với môi trường và xã hội.
Sức hút khó cưỡng của định chế tài chính mới
Việc các đồng minh và bạn bè “phớt lờ” Mỹ để gia nhập AIIB đã cho thấy sức hấp dẫn khó cưỡng của ngân hàng này. Từ khi đưa ra ý tưởng, Trung Quốc đã thuyết phục các nước cùng tham gia thành lập rằng AIIB sẽ thúc đẩy sự phát triển của khu vực châu Á, không chỉ giúp nhiều người thoát nghèo, mà còn có thể làm gia tăng tầng lớp trung lưu ở khu vực này, tạo ra thị trường tiêu thụ cực lớn cho nền kinh tế khác bên ngoài châu lục. Sự cần thiết của AIIB được lập luận dựa trên nhu cầu rất lớn của khu vực để xây dựng hạ tầng, bao gồm phát triển các tuyến đường bộ, đường sắt và cáp quang với nguồn vốn đầu tư cả chục nghìn tỷ USD. Một số dự báo cho thấy, chi tiêu cho cơ sở hạ tầng trong giai đoạn 2014 - 2025 ước khoảng 78.000 tỷ USD, với 60% nhu cầu vốn đến từ khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Trong khi đó, ADB thường quan tâm nhiều hơn đến các dự án xóa đói, giảm nghèo. Đối với các nước châu Á, không có lý do gì để đứng ngoài một định chế tài chính liên quan đến các dự án cơ sở hạ tầng – vốn được cho là nền tảng cho sự phát triển như vậy. Còn với châu Âu, nhiều nhà lãnh đạo của Lục Địa già, bao gồm cả các nước đồng minh của Mỹ đã thẳng thắn tuyên bố rằng, nếu không trở thành một thành viên của định chế mới này, các nước châu Âu có nguy cơ bỏ qua một trong những khu vực có tốc độ tăng trưởng kinh tế, phát triển cơ sở hạ tầng và ảnh hưởng địa chính trị mạnh nhất thế giới.
Tất nhiên, các nước đăng ký thành viên sáng lập của AIIB cũng không “ngù ngờ” đến mức bỏ ngoài tai hoàn toàn lời cảnh báo của Mỹ về cơ chế ra quyết định của AIIB, hay nói cách khác là khả năng Trung Quốc thâu tóm định chế này. Các nước này lập luận rằng, một khi đã xác định không bỏ lỡ những cơ hội đầu tư trong tương lai, thì việc tham gia ngay từ đầu sẽ càng có lợi trong việc hạn chế sự nổi trội của Trung Quốc trong ngân hàng. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng muốn “lùi một bước, tiến hai bước” khi chủ động từ bỏ quyền phủ quyết tại AIIB, dù vẫn muốn đóng góp 49% số vốn. Ông Kim Lập Quần, Trưởng Ban Thư ký AIIB mới đây đã tuyên bố: Trung Quốc sẽ không “bắt nạt” các thành viên khác, và “địa vị là cổ đông lớn nhất AIIB của Trung Quốc không phải là đặc quyền, mà là trách nhiệm và sự đảm đương”. Có lẽ, các nước cũng cảm thấy khá hồ hởi khi được làm việc trong một định chế mà không có bất cứ quốc gia đơn lẻ nào có thể chi phối quyền quyết định như AIIB – khác xa so với cách làm xưa nay ở IMF và WB, nơi Mỹ vẫn giữ quyền chi phối.
Mỹ “ngậm bồ hòn làm ngọt”
Cho đến trước khi các nước thành viên sáng lập ký kết được Điều lệ AIIB, vẫn chưa thể biết Trung Quốc sẽ thực hiện đến đâu cam kết “mở rộng cửa, toàn diện, minh bạch và có trách nhiệm” của mình. Thế nhưng, một điều khá chắc chắn rằng Mỹ đã thất bại trong việc níu kéo các đồng minh của mình. Bởi vậy, Mỹ không còn cách nào khác hơn là phải “dịu giọng” với thể chế mới, thể hiện qua tuyên bố của Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Nathan Sheets rằng “Mỹ hoan nghênh sự ra đời của các tổ chức tài chính đa phương, góp phần củng cố sức mạnh của hệ thống tài chính thế giới”. Khi Trung Quốc bắt đầu tiến trình thành lập AIIB, giới phân tích đã tiên liệu 3 khả năng hành động của Mỹ. Một là, gây áp lực để các đồng minh của họ không tham gia AIIB cho đến khi các thủ tục quản lý ngân hàng này được đảm bảo; Hai là, tham gia vào AIIB và cuối cùng; Ba là, quay lưng lại đối với vấn đề này. Như vậy đến thời điểm này, khả năng thứ nhất đã hòan toàn được loại bỏ, và con đường trước mắt của Mỹ sẽ chỉ còn lại hai ngả. Mặc dù việc tham gia AIIB có thể là một ý tưởng khiến Mỹ “bẽ mặt”, nhưng đổi lại Mỹ sẽ có khá nhiều lợi ích như có một vị trí chính thức để theo sát được hoạt động của cả Trung Quốc và các nước đồng minh, giúp các công ty Mỹ có cơ hội tiếp cận một cách công bằng với các dự án của AIIB. Tuy nhiên, hiện nay Mỹ vẫn chưa có động thái nào cho thấy sẽ rẽ theo ngả đánh số 2 hay ngả đánh số 3, hay thậm chí sẽ tự khai phá thêm một ngả mới nằm ngòai dự đoán của các nhà phân tích. Hiện nay, điểm số đang là 1-0 nghiêng về Trung Quốc với nước cờ AIIB, và dư luận đang chờ đợi liệu Mỹ có thể cân bằng điểm số hay không.
Thúy Ngọc