Năm 2021 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm đầu triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2020-2025 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025). Năm nay chúng ta cũng tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026. Mặt khác, chúng ta cũng phải đối mặt với sự bùng phát của đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 trong phạm vi cả nước và trên địa bàn tỉnh với nhiều tác động, ảnh hưởng trực tiếp vào tất cả các lĩnh vực đời sống, xã hội.
Trước tình hình đó, Sở Lao động- TB và XH đã chủ động quán triệt, tham mưu các văn bản, chính sách mới về lĩnh vực Lao động, Người có công và Xã hội. Kịp thời tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh các giải pháp trọng tâm, trọng điểm, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực công tác của ngành, nổi bật là: Tham mưu UBND tỉnh trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy thông qua chủ trương triển khai xây dựng công trình ghi công liệt sĩ tỉnh Nghệ An, thông qua Đề án đào tạo, phát triển nhân lực có kỹ năng nghề giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030, ban hành Chỉ thị về công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
Trình HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết Quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội và chính sách hỗ trợ đối với một số đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Tham mưu UBND tỉnh ban hành 02 Đề án, 27 Quyết định, 20 Kế hoạch, Chương trình và các văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo công tác Lao động, Người có công và Xã hội trên địa bàn tỉnh, như: Đề án giải quyết việc làm cho người lao động giai đoạn 2021- 2025; Đề án vận động nguồn lực xã hội hỗ trợ trẻ em giai đoạn 2021- 2025; các Kế hoạch giai đoạn 2021- 2025 đối với công tác trẻ em, bình đẳng giới, an toàn vệ sinh lao động; Kế hoạch tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo đầu kỳ; tham mưu Kế hoạch, phương án và tổ chức đón công dân Nghệ An từ vùng dịch trở về quê; triển khai chính sách hỗ trợ khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết của Chính phủ...
Đặc biệt, ngay sau khi Trung ương ban hành quy định một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Sở Lao động - TB và XH đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 386/KH-UBND ngày 15/7/2021; Quyết định số 22/2021/QĐ-UBND ngày 09/8/2021; Kế hoạch 770/KH-UBND sửa đổi, bổ sung Kế hoạch 386 để thực hiện Nghị quyết 126/NQ-CP, Quyết định 33/2021/QĐ-TTg và nhiều văn bản đôn đốc, chỉ đạo thực hiện; đề nghị Chính phủ cấp gạo từ nguồn dự trữ quốc gia để hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19; triển khai hỗ trợ trẻ em là con của sản phụ bị nhiễm Covid-19, trẻ mồ côi do ảnh hưởng đại dịch Covid-19.
Đến ngày 26/11/2021, 12/12 chính sách theo Nghị quyết 68 NĐ – CP của Chính phủ về hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch đều đã được triển khai thực hiện và đạt nhiều kết quả; được Đoàn kiểm tra của Bộ Lao động - TB và XH đánh giá cao.
P.V: Vấn đề việc làm cho lao động hồi hương là vấn đề nóng được xã hội và nhân dân quan tâm, cũng là vấn đề nóng trong nghị trường ở kỳ họp thứ 4, HĐND khóa XVIII vừa qua. Ông hãy thông tin rõ hơn về những nỗ lực của ngành.
Từ đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 đến tháng 10/2021, số lượng lao động Nghệ An từ các vùng có dịch Covid-19 về quê rất lớn, tỉnh đã đón hơn 99.957 công dân. Sở Lao động - TB và XH đã tích cực phối hợp các sở, ngành, địa phương để tổ chức đón, cách ly y tế công dân từ các vùng dịch trở về đảm bảo an toàn. Cùng với đó là sự vào cuộc, nỗ lực rất lớn của toàn ngành trong việc thực hiện tốt công tác đảm bảo an sinh xã hội và giải quyết việc làm cho người lao động.
Sở đã tập trung chỉ đạo nắm chắc tình hình diễn biến lao động, việc làm, nhất là lao động từ các vùng dịch trở về địa phương, lao động Nghệ An ở nước ngoài về. Tham mưu nhiều giải pháp đồng bộ tập trung giải quyết việc làm cho người lao động; tăng cường tổ chức các hội chợ việc làm, phiên giao dịch việc làm tại cơ sở... Chỉ đạo rà soát số lao động ngoại tỉnh đang làm trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; lao động Nghệ An đang làm việc trong các khu công nghiệp, doanh nghiệp tại các vùng có dịch Covid-19; tăng cường công tác quản lý lao động người nước ngoài; triển khai kế hoạch thu thập, cập nhật thông tin thị trường lao động.
Trong số 45.292 người về quê tránh dịch có nhu cầu giải quyết việc làm; đã có 9.518 người đã được nhận vào làm việc trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; 9.323 người trở lại làm việc tại các doanh nghiệp cũ (ngoại tỉnh); số lao động còn lại tự tạo việc làm tại địa phương trong trang trại, hợp tác xã, hộ kinh doanh, hộ gia đình sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt...
P.V: Dù có một lượng công việc lớn về giải quyết hậu Covid-19, chiếm nhiều thị phần thời gian trong năm nhưng công tác thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng vẫn được chúng ta chăm lo.
Thực hiện tốt công tác quản lý chi trả chế độ trợ cấp ưu đãi thường xuyên cho gần 70 nghìn người, bình quân trên 130 tỷ đồng/ tháng và giải quyết kịp thời chế độ ưu đãi đối với người có công, thân nhân người có công với cách mạng đảm bảo đúng quy định cho 11.202 trường hợp. Tiếp nhận và trình cấp có thẩm quyền thực hiện cấp, cấp đổi Bằng Tổ quốc ghi công cho 452 trường hợp. Đặc biệt, đã phối hợp với UBND huyện Nam Đàn và các ngành liên quan thực hiện chi trả chế độ trợ cấp mai táng cho 392 trường hợp thân nhân người có công giúp đỡ cách mạng được tặng thưởng Huy chương Kháng chiến, với số tiền hơn 3,2 tỷ đồng (là sự việc tồn đọng hàng chục năm nay). Phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" được xã hội hóa sâu rộng; toàn tỉnh có 29.505 lượt người có công và thân nhân người có công với cách mạng được thăm, tặng quà, với số tiền là trên 75,6 tỷ đồng; thu Quỹ Đền ơn đáp nghĩa: 16,8/16,3 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
P.V. Công tác giáo dục nghềnghiệp được xác định là một trong những đột phá chiến lược để tỉnh ta phát triển trong thời gian tới, giúp nền kinh tế không những nhanh chóng thoát khỏi suy thoái mà còn đồng thời đi vào tăng trưởng theo chiều sâu, bền vững. Vậy, ngành Lao động, TB&XH đã làm gì để đạt được chỉ đạo này của Tỉnh ủy và UBND tỉnh?
Sở đã tham mưu trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đề án “Đào tạo, phát triển nhân lực có kỹ năng nghề trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030”. UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản quan trọng chỉ đạo triển khai thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ giáo dục nghề nghiệp. Tổ chức và tham gia Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc theo hình thức trực tuyến đạt kết quả cao: 14/14 nhà giáo tham gia đạt giải (02 giải Nhất, 3 giải Nhì, 4 giải Ba, 5 giải Khuyến khích) và đạt giải Nhì toàn đoàn. Hỗ trợ học nghề theo chính sách của Quyết định 46/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là 5.540 người, góp phần nâng tỷ lệ đào tạo lên 66,4%, Tỷ lệ học sinh, sinh viên tốt nghiệp đạt gần 90%; có việc làm và thu nhập ổn định sau tốt nghiệp đạt 80,5%.
P.V: Bên cạnh đó là công tác chăm sóc trẻ em được đặc biệt quan tâm nhất là những trẻ có hoàn cảnh khó khăn và trẻ bị nhiễm Covid – 19, ông có thể thông tin rõ hơn?
Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác trẻ em; các quyết định, chương trình, kế hoạch, đề án giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 về công tác trẻ em. Chỉ đạo làm tốt công tác truyền thông; xây dựng nhân rộng các mô hình về bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại, mua bán trẻ em. Tổ chức vận động nguồn lực hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trong đó có số lượng lớn trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (F0, F1, trẻ em hồi hương, con bố mẹ tuyến đầu, trẻ con phụ sản, mồ côi do dịch Covid-19).
Triển khai chính sách hỗ trợ trẻ em là con của sản phụ bị nhiễm Covid-19 theo Quyết định 1013/QĐ-LĐTBXH của Bộ Lao động - TB và XH và chính sách hỗ trợ trẻ mồ côi do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 của Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam.
Thực hiện có hiệu quả công tác huy động nguồn lực; trong năm 2021, đã vận động được hơn 17 tỷ đồng (bao gồm cả tiền mặt, hiện vật và chuyên môn kỹ thuật); tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được bảo vệ, chăm sóc đạt 95%.
P.V: Có được kết quả này, tập thể lãnh đạo Sở, cấp ủy, người đứng đầu thường xuyên quan tâm quán triệt, tổ chức thực hiện tốt các nguyên tắc, quy định về tập trung dân chủ; coi trọng việc mở rộng dân chủ trong thảo luận, phát huy trí tuệ của tập thể lãnh đạo, cấp ủy trong việc chỉ đạo, thực hiện các chủ trương, phương hướng, nhiệm vụ của ngành đã tạo được sự đồng thuận, thống nhất cao trong tập thể lãnh đạo?
Đúng vậy, chúng tôi nhất quán theo chủ trương tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; thường xuyên thống nhất phân công quy định trách nhiệm rõ ràng cho từng cá nhân lãnh đạo phụ trách từng lĩnh vực công việc của ngành. Trách nhiệm của người đứng đầu được thể hiện rõ nét trên tất cả các lĩnh vực quản lý Nhà nước của ngành. Vấn đề nêu gương luôn được chúng tôi chú trọng, có như thế mới có được kết quả trong năm vừa qua.
P.V: Xin cảm ơn ông!