(Baonghean) - Hồi bé, mình mê tít những câu chuyện phiêu lưu, khám phá những vùng đất lạ vòng quanh thế giới. Trong đó, nhớ nhất vẫn là quyển sách viết về vùng biển “Tam Giác Quỷ Bermuda” - hố đen trên địa cầu, nơi xảy ra những vụ biến mất cùa tàu thuyền, máy bay một cách bí ẩn. Hoặc lại cũng có chuyện kể về những người sau khi đi qua vùng biển này, bỗng nhiên già đi… 20 tuổi. Có người thì quả quyết rằng,Tam Giác Quỷ Bermuda là một… cánh cửa thông hành xuyên không gian và thời gian, ở bên kia cánh cửa ấy là thời đại nào và địa điểm nào, chỉ có người đã đi qua mới biết!
Rồi một hôm, mình nghe lỏm thấy bà và mẹ nói chuyện với nhau như thế này:
- Tí nữa con chở Bim ra chỗ Tam Giác Quỷ, hỏi xem sao…
- Mẹ cũng nghĩ ở đó đông người, tiện cho việc tìm người nhất…
Mình hoảng quá khóc oà lên, nằng nặc: “Bim không đi Tam Giác Quỷ Bermuda đâu, lỡ Bim bị già đi 20 tuổi hoặc bị “hút” về quá khứ thì làm sao?”. Mẹ phì cười bế mình lên, dỗ cho nín khóc rồi mới thủ thỉ: “Ai bảo đưa Bim đi Tam Giác Quỷ Bermuda hồi nào? Tam Giác Quỷ ở đây là vườn hoa Vòi phun Cửa Bắc, ở giữa đoạn giao cắt nhau của ba con đường Minh Khai, Lê Lợi, Quang Trung. Ở đó là chợ lao động, mình đi ra đấy tìm người về sửa nhà, sửa phòng đẹp cho Bim nhé!”
Đến bây giờ, mỗi lần đi qua công viên Cửa Bắc, hay còn gọi là công viên Vòi phun, hay thậm chí vẫn có người gọi là Tam Giác Quỷ, mình lại nhớ về cô bé năm xưa, thoáng cười. Một vườn hoa xinh đẹp giữa trung tâm thành phố, giao lộ của ba con đường chính, lại mang cái tên nghe đượm màu ma quái, quả thật có chút kỳ lạ.
Một buổi tối nọ, mình ngồi chờ đón bạn về bến xe Vinh, tạt vào hàng xôi khuya ngay dọc đường Minh Khai đoạn nhìn sang công viên Cửa Bắc, thuận miệng hỏi bà bán xôi - một trong những người đầu tiên mở quán rong đêm trên mặt đường này:
- Tại sao lại gọi là Tam Giác Quỷ bà nhỉ?
- Ngày xưa, khu vực này làm gì đông đúc, nhộn nhịp như bây giờ. Thành phố nhỏ còn heo hút người. Người ta tập trung ở mạn chợ Vinh, hoặc ở mạn bến xe này, hoặc mạn Ngã Sáu. Lúc ấy hồ Tây Sâm là một cái hồ rộng, xung quanh không có ai sinh sống, chỉ là một bãi đất phẳng trải dài từ trước bến xe đến giáp vườn hoa này. Rộng rãi như thế nên ban ngày, nơi đây hình thành một chợ lao động tự phát, tập trung nhiều người ở trong, ngoài thành phố đổ về. Nhưng tối đến, khu vực này lại thành nơi trú ngụ của những người cù bơ cù bất. Trong đó có cả những đối tượng thanh niên hư hỏng tụ tập hút xách, bài bạc, rượu chè. “Cái rốn” tệ nạn cứ thế mà tự nhiên hình thành. Nào ma tuý, nào mại dâm, nào phường trộm cướp, thôi thì đủ cả! Buổi tối đi qua khu vực này khác gì đi vào Tam Giác Quỷ đâu!
Mình ồ lên một cái, thắc mắc bấy lâu cuối cùng cũng được giải đáp. Lại nhớ vào thời kỳ cuối thập niên 90, trên đường phố không thiếu những bức áp phích, biểu ngữ cổ động, tuyên truyền phòng chống ma tuý. Một trong những nỗi ám ảnh còn theo mình mãi đến tận bây giờ là hình ảnh những cây xi ranh bị vứt trong bãi cỏ, bụi hoa hay thậm chí là trước một hiên nhà, miễn là nơi đâu có ánh sáng vào buổi tối. Cũng vì thế mà mặc dù mang tiếng là công viên nhưng mình nhớ hầu như chẳng có mấy ai đến công viên Cửa Bắc dạo chơi, hóng mát cả. Người ta mặc định suy nghĩ “Công viên công cộng toàn những kẻ nghiện hút lui tới, tụ tập”. Kể cũng buồn!
Sau này, khi thành phố bước qua giai đoạn “điểm đen” về tệ nạn ma tuý, cũng là lúc ý thức và nhận thức của người dân ngày một cao hơn. Tệ nạn ma tuý không ngang nhiên và tràn lan nữa, mà chỉ dám âm ỉ, lén lút ở những góc khuất của thành phố. Công viên Cửa Bắc cũng được quy hoạch lại thoáng đãng, sạch đẹp hơn, hàng rào ngăn khuôn viên với ba mặt đường được dỡ bỏ. Trở về thành phố sau mấy năm đi học xa, không khỏi ngỡ ngàng trước cảnh quen mà như lạ. Chắc có lẽ vì từ bao lâu nay, Công viên Cửa Bắc đi liền với cái tên Tam Giác Quỷ và những câu chuyện tối - sáng, méo - tròn đã gieo vào lòng người một chút gì định kiến, e ngại, khiến người ta lảng tránh nên giờ khi được “phơi bày” dưới ánh sáng mới, những gì mộc mạc, giản dị nhất cũng hoá mới mẻ, lạ lùng!
Có lẽ điều quen thuộc, cũ kỹ cuối cùng còn sót lại ở địa danh “nức tiếng” một thời này là những bóng người mặc áo xanh lao động vẫn bền bỉ ngồi dưới tầng lá xanh, nhìn ra phía mặt đường với cái nhìn đợi chờ, hy vọng. Đó là những người đàn bà với nước da rám nắng và đôi bàn tay chai sạn, quen với những việc nặng nhọc, với đất đá, gánh gồng. Sáng sáng, họ tất tả đạp chiếc xe cà tàng đến tụ hội ở Công viên Cửa Bắc này từ khi trời còn chưa hửng nắng. Dưới những bóng cây, họ chụm đầu kể chuyện nhỏ to. Nỗi lo về thùng gạo ở nhà đã gần thấy đáy, chuyện về đứa con út năm nay bắt đầu đi học, chuyện về người chồng đi làm ăn xa gửi nỗi vất vả, nhọc nhằn và lo toan về trong những đồng tiền được vuốt, gấp phẳng phiu vẫn còn nguyên mùi mồ hôi mặn đắng… Khi đã tạm chán những chuyện đời, chuyện người thời nay, họ lại kể cho nhau nghe về những tháng ngày thanh xuân đã qua. Có người đi làm ở đây, ở kia, cũng có người gắn bó với “chợ lao động” Cửa Bắc này từ lâu thật là lâu. Hồi tưởng và quá khứ như những giọt mồ hôi tuôn rơi trên những vầng trán xạm đi vì nắng, gió…
Thi thoảng, thấy vài ba người đàn ông chạy xe ôm, xích lô tấp vào vỉa hè công viên, dựng xe ngồi góp chuyện với cánh phụ nữ. Họ chia nhau từng cốc nước chè xanh - được nấu ở nhà, rót vào chai, vào phích mang đi, từng hơi thuốc lào, thỉnh thoảng cao hứng thì bày vài ván cờ tướng giết thời gian. Nhưng những thú vui nho nhỏ ấy sẽ nhanh chóng bị gác lại nếu có người đến hỏi thuê lao động. Lúc ấy, tất cả sẽ túm tụm lại xung quanh “nhà tuyển dụng”, không cần thương lượng gì nhiều mà chỉ cần biết công việc là gì, ở đâu, cần bao nhiêu người,… những vấn đề khác để sau hẵng tính. Bởi hơn ai hết, họ cần công việc, cần những đồng lương dù ít ỏi nhưng là hy vọng cho bữa ăn của gia đình họ hôm nay, ngày mai…
Công viên Cửa Bắc bây giờ đã thành chốn lui tới yêu thích của đông đảo người dân thành phố, từ già trẻ cho đến gái trai. Buổi sáng, các cụ già tản bộ, tập dưỡng sinh, hít thở không khí trong lành dưới bóng cây xanh - những khoảng không gian quý giá giữa lòng thành phố đang ngày càng hiện đại. Buổi chiều, thanh thiếu niên đến vui chơi, vừa đi dạo mát trò chuyện vừa nhìn đường phố giờ tấp nập. Chập tối về đêm là lúc những quán hàng nhỏ xinh dọn bàn, ghế, buôn bán trên vỉa hè, “dựa lưng” vào công viên tĩnh lặng và hướng về đường phố náo nức lên đèn. Giới trẻ thích ngồi tụ tập, gặp gỡ bạn bè ở khu vực này vì vừa nằm ở trung tâm thành phố, vừa có không gian thoáng đãng, thoải mái. Nhìn cuộc sống về đêm nô nức, tấp nập nhưng hiền hoà, êm ả này, không ai ngờ cách đây vài chục năm, nơi đây từng là cái rốn tệ nạn của thành phố khi đêm xuống?
“Tam Giác Quỷ”, cái tên gắn liền với sự e sợ và xa lánh, bây giờ đã lùi dần vào hồi ức của người dân thành phố. Thế hệ sau này nếu có biết đến cái tên này, hầu như cũng chỉ là nghe từ thói quen gọi tên của những người lớn và cũng chỉ loáng thoáng liên tưởng đến vị trí nằm ở giao lộ của ba con đường lớn tạo thành hình tam giác mà thôi. Một địa danh “đen” nức tiếng một thời, qua năm tháng lấp bồi và sự phát triển của xã hội, đã đổi màu, thay áo mới. Không còn bóng tối nữa, chỉ có ánh sáng và sự bình yên. Nhưng với những lớp người đã đi qua “Tam Giác Quỷ” một thời, có lẽ khó tránh khỏi những thoáng se người khi nghĩ về những mảnh đời, những con người trong “vùng đất cấm” năm xưa. Một cái tên gắn với những câu chuyện buồn của thành phố mà chắc hẳn khi hướng về ngày mai tươi sáng, người ta sẽ muốn quên đi mà nghĩ đến những gì bình yên…
Hải Triều