(Baonghean) - Hiện tại huyện Quỳ Hợp có 18 công trình phục vụ dân sinh như:  khu tái định cư, khu xử lý rác thải, đường giao thông, thủy lợi... đang chậm tiến độ. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự “lỗi hẹn” này là do thiếu vốn và để khắc phục được tình trạng này cũng là bài toán khó giải...

Ở Quỳ Hợp đang thiếu các khu xử lý rác tập trung. Vẫn biết xử lý rác thải, đảm bảo vệ sinh môi trường là 1 trong những tiêu chí quan trọng trong mục tiêu xây dựng nông thôn mới, nhưng huyện vẫn đang “loay hoay” khi mà có quá nhiều “điểm nóng” về rác thải tập trung trên địa bàn. Cầu Dinh, cầu tràn Trường Lái, cầu làng Mùng… là những điểm tập kết rác thải tự phát gây ô nhiễm môi trường, làm mất mỹ quan và gây phản cảm cho người đi đường. Mặc dù nhiều biện pháp đã được đề ra như thành lập đội thu gom rác thải dọc các tuyến đường chính, tuyên truyền, vận động nhân dân đào, xây hố rác gia đình nhưng xem ra vẫn không thực sự hiệu quả. Để giải quyết bài toán khó này, huyện đã phê duyệt dự án xây dựng khu xử lý rác thải thị trấn và các xã phụ cận vào năm 2011. Tuy nhiên, đến nay công trình này vẫn còn là niềm mong mỏi của người dân nơi đây. 
 
images1390666_t_i_xu_ng.jpgKhu xử lý rác thải thị trấn và các xã phụ cận huyện Quỳ Hợp mới hoàn thành hệ thống đường giao thông và điện lưới.
 
Anh Hoàng Văn Minh (khối 15, thị trấn Quỳ Hợp) cho biết: “Lâu nay rác thải của gia đình tôi cũng như các hộ dân ở đây được thu gom vào cuối ngày và đổ tại diện tích đất phía trên Khu công nghiệp Trung Khuộc. Khu đổ rác này nằm ở đầu thị trấn trong khi rác thải lại chất đống nên ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sống của người dân trong vùng cũng như làm mất mỹ quan của thị trấn. Khi được biết huyện tiến hành xây dựng khu xử lý rác thì người dân chúng tôi rất vui mừng, nhưng chờ đợi đã gần 5 năm qua mà công trình vẫn chưa được đưa vào sử dụng.  Mong rằng dự án sẽ sớm hoàn thành để người dân được thỏa mong chờ”.
 
Được biết, Khu xử lý rác thải thị trấn và các xã phụ cận được xây dựng tại xóm Thung Khẳng, xã Thọ Hợp với tổng mức đầu tư hơn 36,6 tỷ đồng. Công trình trên khởi công từ năm 2011 và theo kế hoạch sẽ hoàn thành vào cuối tháng 12/2013. Tuy nhiên, sau đó xin gia hạn đến tháng 6/2015 và cho đến giờ vẫn chưa được hoàn thiện. Đến nay dự án đã giải ngân được 17,5 tỷ đồng, trong đó ngân sách huyện là 3,6 tỷ đồng và hoàn thành gần 80% công trình. Do ngân sách huyện khó khăn nên hiện tại vẫn đang đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ 7 tỷ đồng để thi công  những hạng mục cuối cùng.  
 
Bên cạnh khu xử lý rác thải thì công trình đập Đồng Chùa tại xã Minh Hợp cũng đang là nỗi niềm mong mỏi của nhiều người dân nơi đây.  Công trình được khởi công từ tháng 3/2010, theo kế hoạch sẽ hoàn thành vào tháng 3/2012 với tổng kinh phí gần 11 tỷ đồng. Tuy nhiên hiện tại dự án mới chỉ giải ngân được gần một nửa tổng số tiền. Sau một thời gian dang dở, công trình này đã phải điều chỉnh từ hồ chứa trở thành đập tràn. Theo thiết kế ban đầu thì hồ chứa sẽ cũng cấp nước tưới cho 100 ha lúa và màu cho xã nhưng hiện tại, nếu thay đổi thành tràn dài với độ dài 47m thì hiệu quả của công trình sẽ chỉ cung cấp được 52 ha lúa. Mặt khác, vào mùa mưa lũ thì việc đảm bảo an toàn cho người dân tại các đập tràn cũng là vấn đề đáng lo ngại, bởi dòng chảy tại đây sẽ rất mạnh và độ trơn trượt rất cao.
 
Ngoài hai công trình dang dở trên thì hiện tại Quỳ Hợp vẫn còn nhiều dự án “khẩn cấp” nhưng tiến độ “rùa bò”. Tiêu biểu như khu tái định cư cho 42 hộ dân thuộc 8 bản của xã Châu Tiến và 32 hộ của xã Liên Hợp  ra khỏi vùng thiên tai sạt lở đất đến nay vẫn chưa hoàn thành mặc dù mùa mưa lũ đã cận kề.  5 năm trôi qua nhưng những hộ dân nơi đây vẫn chưa thể an cư lạc nghiệp, ổn định cuộc sống. Hay dự án Hồ chứa nước Bản Mồng đã khởi công vào năm 2010, tuy nhiên chỉ mới thi công được hơn 1 năm thì tạm ngừng cho đến tháng 6 năm nay gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của nhiều hộ dân trong vùng. Đến đầu tháng 7 vừa qua thì dự án mới được tái triển khai.
 
Đem những trăn trở trên trao đổi với ông Trương Văn Nam, Phó phòng Công thương, chúng tôi được ông cho biết: “Hiện tại huyện đang cố gắng hoàn thành sớm các công trình, dự án đang dở dang. Tuy nhiên, do nguồn ngân sách hạn hẹp nên phải cần thêm một thời gian để huy động vốn cũng như nhận được sự hỗ trợ của tỉnh để sớm đảm bảo cuộc sống cho người dân.” 
 
Thanh Quỳnh