(Baonghean) - Đóng quân ở vùng biên giới phía Tây xứ Nghệ, đồn biên phòng Hạnh Dịch được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ đoạn biên giới dài hơn 20km thuộc 2 xã Hạnh Dịch, Nậm Giải, huyện Quế Phong, tiếp giáp với nước bạn Lào. Trong những năm qua, cán bộ, chiến sỹ đồn không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới mà còn để lại dấu ấn sâu đậm trong đời sống 2 xã vùng biên này.
Xã Hạnh Dịch chỉ cách Thị trấn Kim Sơn, trung tâm huyện lỵ vùng cao Quế Phong chừng 12 km đường bộ. Mấy năm gần đây, được sự đầu tư của Nhà nước, bộ mặt bản làng thay đổi nhiều. Đường nhựa rộng rãi chạy đến trung tâm xã, đường liên thôn, liên bản đang được bê tông hóa theo chương trình nông thôn mới. Các công trình phúc lợi xã hội cũng đã được đầu tư, cơ bản đáp ứng được nhu cầu của nhân dân địa phương.
Năm 2012 là năm đánh dấu bước tiến vượt bậc trong công tác xóa đói giảm nghèo. Tất cả những sự thay đổi đó ở Hạnh Dịch đều có một phần đóng góp của những người lính mang quân hàm xanh ở Đồn Biên phòng Hạnh Dịch. Theo chân Thiếu úy Nguyễn Văn Hợi, tôi được đi xem mô hình nuôi cá lồng tại bản Chiếng. Trên sông Nậm Việc, năm 2012, Đồn Biên phòng Hạnh Dịch đã nuôi thí điểm cá trắm lồng. Gia đình chị Lô Thị Hương được Đồn giao 2 lồng cá để chăm sóc sau khi tận tình hướng dẫn toàn bộ kỹ thuật nuôi cá lồng. “Lúc đầu gia đình mình không biết cách nuôi cá lồng như thế nào, nhưng được bộ đội hướng dẫn giờ nắm vững rồi. Mỗi ngày cho cá ăn 3 lần, thức ăn chủ yếu là rau, cỏ, lá chuối nên cũng dễ kiếm. Bây giờ cá đang tăng trưởng khá, mỗi con cũng được hơn 1kg”, chị Hương bộc bạch. Thấy mô hình nuôi cá lồng của bộ đội hiệu quả, người dân trong xã mạnh dạn làm theo và một số hộ đã có thu nhập từ nuôi cá lồng.
Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Hạnh Dịch hướng dẫn bà con nuôi cá lồng trên sông Nậm Việc.
Một dấu ấn khác của các chiến sỹ biên phòng Đồn Hạnh Dịch với địa phương trong phong trào phát triển kinh tế chính là việc giúp nhân dân trồng keo. Đại úy Ngô Đức Hậu - đảng viên tăng cường sinh hoạt tạm thời tại bản Na Xai, đã lặn lội về xuôi mua hạt giống, rồi tận tình hướng dẫn kỹ thuật ươm 50.000 bầu keo cho bà con địa phương. Nay, tuy Đại úy Hậu đã chuyển công tác về đơn vị mới nhưng người dân bản vẫn nhớ đến anh như một ân nhân của bản làng, bởi cả ngàn gốc keo đang phát triển xanh tốt trên những triển đất khô cằn nơi vùng biên, mở ra hướng thoát nghèo mới cho địa phương.
Trên đây chỉ là một trong rất nhiều công việc mà người lính biên phòng đóng chốt ở vùng biên Hạnh Dịch, Nậm Giải trợ giúp địa phương. Bởi, trong nhiều năm qua, đơn vị đã trực tiếp chủ động tham mưu, phối hợp với chính quyền địa phương tập trung củng cố, kiện toàn các chi bộ yếu kém, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức quần chúng, đồng thời phát huy có hiệu quả vai trò của 2 cán bộ tăng cường về làm phó Bí thư Đảng ủy xã Hạnh Dịch, Nậm Giải và mô hình chuyển đảng viên về sinh hoạt tại các thôn, bản yếu kém.
Thiếu tá Nguyễn Bá Kiệm – người có thâm niêm gần 20 năm gắn bó với các địa bàn vùng cao phía Tây Nghệ An, được tăng cường về làm Phó Bí thư Đảng ủy xã Hạnh Dịch từ năm 2010, qua 3 năm trên cương vị mới, anh đã cùng tập thể đảng viên trong Đảng ủy xã xây dựng, củng cố tổ chức Đảng phát triển vững mạnh, góp phần xây dựng Đảng bộ xã trong sạch vững mạnh tiêu biểu của huyện trong suốt 2 năm liền. Bên cạnh đó, anh cùng các đồng chí lãnh đạo xã cố gắng tranh thủ nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, kết hợp với đồn biên phòng tìm tòi xây dựng các mô hình hướng dẫn nhân dân phát triển kinh tế. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo của Hạnh Dịch năm sau đều giảm ở mức hai con số so với năm trước. Kết thúc năm 2012, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 58,5%, giảm hơn 10% so với năm 2011. “Dẫu sao Hạnh Dịch vẫn là xã nghèo của 1 trong 62 huyện nghèo nhất nước, cho nên, trước mắt còn rất nhiều việc phải làm để phát triển kinh tế địa phương. Trong quá trình đó, chúng tôi xác định vai trò của các đảng viên phải phát huy tính tiên phong, gương mẫu đi đầu để nhân dân thấy mà học tập làm theo”, anh Kiệm cho biết.
Thượng tá Nguyễn Công Lực – Đồn trưởng Đồn Biên phòng Hạnh Dịch, cho biết: “Bên cạnh hoàn thành tốt nhiệm vụ đảm bảo chủ quyền, thực hiện các chuyên án trong đấu tranh phòng, chống tội phạm và xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh thì giúp dân phát triển kinh tế cũng được xem là nhiệm vụ thường xuyên của cán bộ, chiến sỹ của đồn. Từ các mô hình như nuôi cá lồng, trồng keo, chúng tôi sẽ cùng địa phương nhân rộng diện tích ra các bản trong thời gian tới. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng chủ động tham gia xây dựng nông thôn mới ở địa phương như giúp nhân dân các bản làm đường bê tông…”. Với những kết quả đó, trong 3 năm liền, Đồn Biên phòng Hạnh Dịch liên tục đạt danh hiệu Đơn vị Quyết thắng.
Vùng biên xanh màu áo lính
Thành Duy