(Baonghean) - Vua là người đứng đầu nhà nước phong kiến ngày xưa có quyền lực rất lớn và hầu như không chịu sự chi phối của pháp luật. Cho nên, vua là bất khả xâm phạm, muốn làm gì cũng được, không mấy người dám bạo gan can thiệp. Ngày nay, khái niệm “vua” theo nghĩa đó được người đời dùng để ám chỉ những người, vật có quyền uy tương tự.
 
Như mới đây, trong chiến dịch chống xe quá khổ, quá tải, xuất hiện khái niệm “xe vua” dùng để chỉ những chiếc xe tải cớ lớn được một số vị “tai to, mặt lớn” trong bộ máy công quyền “chống lưng” hay còn gọi là “bảo kê” nên “coi trời bằng vung”, chở quá tải trọng cho phép khá nhiều, nhưng đi lại rất nghênh ngang và có thể vượt trạm cân và vào, ra bất cứ nơi đâu mà không bị lực lượng chức năng tuýt còi. Chính xác là không ai dám thổi “tu huýt” với loại xe đó. Vì thế mà, cho dù ông Bộ trưởng Giao thông Vận tải đích thân ra đường chỉ huy công cuộc chống xe quá tải, nhưng trên không ít cung đường ở các địa phương, những chiếc xe chở nặng lặc lè vẫn chạy thành đoàn. Đúng là “xe vua” có khác.
 
Thật ra, khái niệm đó đã lặng lẽ lan truyền theo cửa miệng trong dân gian từ lâu rồi (có nơi còn gọi là “xe bùa” vì đã có “lá bùa hộ mệnh” là tên tuổi của một vị chức sắc nào đó). Nhưng nay mới chính thức hiện diện trên các phương tiện thông tin đại chúng và trong các văn bản chính thống với tư cách một khái niệm mới, sau khi ông Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam đăng đàn khẳng định: Hầu như địa phương nào cũng có đoàn “xe vua” được bảo kê bởi một số quan chức địa phương. Có sự hình thành những nhóm lợi ích tìm cách đối phó với chủ trương siết chặt xe quá tải. Và nhờ có khái niệm này, người ta mới cắt nghĩa được nguyên nhân của hiện tượng rất khó hiểu là tại sao việc siết xe quá tải được tiến hành một cách ráo riết, liên tục suốt cả mấy tháng nay, vậy mà xe “khủng” vẫn xuất hiện hàng đoàn ở không ít địa phương. 
 
Cũng từ khái niệm này, suy rộng ra, không chỉ có “xe vua” mà còn có các “ngành vua”. Đó là những ngành muốn làm gì thì làm hầu như không phụ thuộc, không chịu sự chi phối, điều chỉnh của bất cứ ai cả. Cụ thể như là xăng dầu, điện và một số ngành độc quyền khác nữa. Ngành xăng dầu ở ta hoạt động theo cảm tính, thích tăng thì tăng, thích giảm là giảm. Có điều khi tăng thì tăng nhanh, tăng nhiều. Khi giảm thì giảm chậm, giảm ít. Nên giá xăng dầu ở một nước trung bình như Việt Nam có thu nhập bình quân đầu người xấp xỉ 2 nghìn USD lại cao hơn nước Mỹ có mức thu nhập tính theo đầu người là hơn 47 nghìn USD. Có mỗi chuyện công khai minh bạch cách tính giá toàn dân và đến cả Thủ tướng đích thân yêu cầu công bố mà ngành xăng dầu cũng chưa thèm có động thái đáp ứng. Rõ là họ chẳng sợ ai và cũng chẳng coi ai ra gì. Lợi ích quốc gia, dân tộc cũng chẳng bằng lợi ích của chính ngành nghề của họ. Tuyên bố một đằng, làm một nẻo đã không bị ai điều chỉnh, răn đe mà lại còn được không ít chức sắc xông ra thanh minh, bênh vực. Ngành Điện đầu tư ra ngoài ngành làm dịch vụ viễn thông, xây sân gôn, biệt thự, kinh doanh bất động sản… thua lỗ nhiều nghìn tỷ đồng không những không ai phải chịu trách nhiệm đền bù mà còn được tạo điều kiện cho tăng giá liên tục để bù lỗ và nhanh chóng có lãi. Tiền dân làm ra được bao nhiêu, đều phải dành phần lớn để chi trả cho xăng dầu, điện. Cung cách làm ăn kiểu đó chẳng khác nào các ông vua độc tài, bạo chúa ngày xưa vơ vét, bòn rút tiền bạc của dân về xây lâu đài, cung điện phục vụ cho cuộc sống xa hoa, phè phỡn của mình. Mặc cho cuộc sống của dân điêu đứng, các doanh nghiệp thi nhau phá sản, đóng cửa vì hàng họ ế ẩm, do giá thành làm ra cao hơn hàng nhập khẩu vì phải dùng xăng giá cao, điện giá cao. 
 
Mới đây, lại có thêm một ngành nữa lăm le nhòm ngó vào túi tiền còm của dân để bòn rút. Đó là khi nhà máy đạm Ninh Bình và một số nhà máy phân bón khác làm ăn kém cỏi, hàng của họ ế ẩm, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) liền “dâng sớ” lên bộ chủ quản kiến nghị tăng thuế nhập khẩu một số loại phân bón lên thêm 6% nữa để giúp cho ngành phân bón của họ bán được hàng và thoát hiểm. Nếu kiến nghị này được chấp thuận, hàng triệu nông dân lại phải móc túi ra trả tiền cho cái chỗ tăng thêm 6% đó. Cuộc sống của nông phu vốn dĩ đã rất khốn khó rồi, nếu lại gặp cơn tăng giá phân bón nữa, không biết rồi sẽ ra sao? Các doanh nghiệp nhà nước hễ cứ làm ăn thua lỗ là lại nghĩ cách lấy tiền dân bù vào, chẳng khác nào những ông vua ngày trước. Họ thật sự là những ông vua không ngai!
 
Một khi còn có những đoàn “xe vua”, những “ngành vua” là còn lợi ích nhóm. Mà còn lợi ích nhóm thì lợi ích của quốc gia, dân tộc tiếp tục bị xem nhẹ, bị coi thường. Cuộc sống của dân chúng sẽ còn gặp nhiều khó khăn. Cho nên, nhất thiết phải có cách để xử lý những “vua không ngai” đó.
 
Duy Hương