Ngày 14/9, hơn 300 học viên của Trung tâm Giáo dục lao động xã hội Hải Phòng (viết tắt là Trung tâm Gia Minh), đóng trên địa bàn xã Gia Minh, huyện Thủy Nguyên (TP.Hải Phòng) đã trốn trại. Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra việc học viên cai nghiện trốn trại ở trung tâm này nói riêng và TP.Hải Phòng nói chung.
Liên tục bỏ trốn
22h ngày 14.9, UBND TP.Hải Phòng đã tổ chức cuộc họp báo để thông tin về tình hình vụ việc. Và nguyên nhân dẫn đến việc hơn 300 học viên bỏ trốn là những mâu thuẫn âm ỷ giữa hai nhóm đối tượng thuộc đội 6 của trung tâm. Đến ngày 13.9, hai nhóm tiếp tục xô xát. Sáng 14.9, có 3 học viên thuộc nhóm xô xát bỏ trốn, đến chiều cùng ngày, khoảng chục đối tượng đã kích động các học viên trong trung tâm, đồng loạt bỏ khỏi nơi cai nghiện.
Theo ông Nguyễn Quang Toàn - GĐ Trung tâm - nguyên nhân dẫn đến việc học viên bỏ trốn là nhóm học viên quản lý theo quy định của Nghị định 94 (nhóm học viên sau 2 năm cai nghiện nhưng ý thức kém, nên tiếp tục phải cai nghiện thêm từ 1 - 2 năm) không đồng tình với quy định mới.
Nguyên nhân vì môi trường lao động hà khắc?
Thêm vào đó là việc chế độ cho người cai nghiện theo Nghị định 94 chỉ được hưởng 360 ngàn đồng/người/tháng, thấp hơn so với nhóm cai nghiện bình thường là 90 ngàn đồng, dẫn đến việc chế độ ăn kém hơn.
Còn theo một số học viên bỏ về phản ánh, các học viên bị bắt buộc lao động hà khắc, làm việc trong môi trường độc hại, chế độ ăn kham khổ nên khi bị kích động, các học viên đã bỏ trốn.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Quang Toàn khẳng định: Việc học viên phải lao động là trong liệu trình điều trị, nhưng không phải lao động quá vất vả.
Việc học viên bỏ trốn khỏi các trung tâm cai nghiện ở Hải Phòng đã từng xảy ra tại nhiều trung tâm. Cụ thể, sự việc tương tự đã xảy ra tại: Trung tâm Gia Minh vào năm 2005; Trung tâm lao động số 2 (ở xã Đại Thắng, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng) vào tháng 5.2010; Trung tâm phục hồi chức năng (quận Hải An, Hải Phòng) vào năm 2012... Các lực lượng chức năng sau đó phải mất nhiều tháng để vận động học viên trở lại trung tâm.
Nhiều lần vi phạm
Tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Quang Toàn khẳng định không có việc Trung tâm tổ chức khai thác đá và tổ chức đốt rác thải. Tuy nhiên, từ những tài liệu chúng tôi có được đã chứng minh ngược lại.
Tháng 11/2012, Công ty Xi măng Chinfon Hải Phòng đã có công văn gửi các cơ quan chức năng của Hải Phòng “tố cáo” việc Trung tâm Gia Minh liên tục nổ mìn trái phép để khai thác đá, xây dựng xưởng chế hóa dầu đun nấu cao su phế thải, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất của công ty.
Ngày 31/1/2013, UBND TP Hải Phòng đã có công văn gửi các sở ngành, yêu cầu Tổng đội TNXP Hải Phòng chỉ đạo Trung tâm Gia Minh dừng ngay việc hoạt động không phép, có biện pháp ngăn chặn hoạt động khai thác trái phép…
Do Trung tâm không chấp hành, nên ngày 29/3/2013, đoàn công tác của UBND huyện Thủy Nguyên trong quá trình kiểm tra đã phát hiện tại dãy núi Cổ Ngựa có hoạt động khai thác khoáng sản không phép trên diện tích khoảng 10 ha. Trung tâm còn xây dựng và hoạt động lò ép dầu từ lốp xe ô tô cũ không phép tại chân núi Chín Đèn. Biên bản đã yêu cầu Trung tâm phải dừng ngày các hoạt động trái phép.
Ngày 6/7/2013, UBND huyện Thủy Nguyên tiếp tục lập biên bản về việc đốt chất thải da giày không qua xử lý ở diện tích chứa khoảng 300 m2. Tại Trung tâm còn khoảng 2.000 m3 rác thải da giày bốc mùi hôi thối…
Việc xử lý chưa xong thì ngày 10/4/2014, đoàn kiểm tra của Thành phố có buổi làm việc tại Trung tâm, đã phát hiện tại đây có hoạt động khai thác đá không phép trong diện tích lớn và yêu cầu Trung tâm chấm dứt ngay hoạt động này. Gần đây, ngày 19/8/2014, sở TNMT Hải Phòng có công văn gửi UBND TP báo cáo về việc Trung tâm Gia Minh phải thi hành quyết định của Thanh tra sở về việc vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường, nếu không chấp hành sẽ bị cưỡng chế theo quy định.
Cuối ngày 15/9, đã có 70 học viên quay trở lại Trung tâm để được tiếp tục cai nghiện.
Theo LĐO