(Baonghean) - Những quả bóng đá da, mi mắt giả, tất tay len, sợi… là những sản phẩm được làm từ những đôi tay khéo léo của các phạm nhân đang chịu án phạt tù tại Trại giam số 6 (Bộ Công an). Nhờ những nghề học được trong trại giam mà nẻo về tái hòa nhập cộng đồng rộng mở hơn đối với những người một thời lầm lỡ…
Thấy tôi để ý đến bức ảnh chụp một bé gái chừng 5, 6 tuổi được lồng khung dựng trên chiếc bàn gỗ nhỏ trước mặt, phạm nhân Lê Quang Hưng, nhà ở phố Hàng Buồm (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) để quả bóng khâu dở sang một bên, nói như khoe “Con gái em đấy. Cháu vừa lên 6 tuổi. Em nhờ người chụp khi hai mẹ con từ Hà Nội vào đây thăm cách đây mấy tháng đấy. Thấy nó em phát khóc”... Trắng trẻo, cao ráo lại có gương mặt sáng sủa, nhìn bề ngoài ít ai nghĩ gã trai chưa đến tuổi 30 này từng phạm tội giết người. Hưng kể: Học chưa hết phổ thông thì em bỏ, suốt ngày đàn đúm với đám bạn lêu lổng. Giữa năm 2007, vừa mới cưới vợ được 2 tháng thì phạm tội nghiêm trọng và ra đầu thú...
Trước đó, do mâu thuẫn cá nhân, Hưng rủ thêm 5 “đệ tử” tổ chức truy sát đối thủ để “dằn mặt”. Hậu quả là một người chết, 2 người bị thương nặng. Hơn 2 năm trong buồng giam với án tử hình, gã day dứt, ân hận về tội ác do mình gây ra và thấm thía nỗi nhớ thương người vợ trẻ và đứa con gái chưa biết mặt. Trong lúc đang tuyệt vọng chờ ngày ra pháp trường thì một ngày cuối tháng 10/2010, Hưng được cán bộ trại thông báo, đơn xin hưởng lượng khoan hồng của pháp luật của gã được Chủ tịch nước chấp nhận. Quên cả phép tắc, gã tử tù ôm lấy cán bộ quản giáo mà lắc, mà khóc nức nở. Trong niềm vui không thể tả, gã hứa với cán bộ, cũng là hứa với mình sẽ làm lại cuộc đời.
Xưởng gia công đồ thủ công mỹ nghệ của Trại giam số 6 (Bộ Công an). Từ Nhà giam Hỏa Lò (Hà Nội) gã được chuyển đến thụ án ở Trại giam số 6. Sau ít tháng lao động phổ thông, Hưng được vào học nghề tại Trung tâm dạy nghề của trại. Vốn là một thanh niên vô công rồi nghề, lại thuộc diện ngang ngược ngoài đời, nên chỉ riêng việc cầm kim tập khâu quả bóng, đôi găng tay mà Hưng cũng trì trật mãi. Bỡ ngỡ, khó khăn nhưng anh vẫn không nản, lại được cán bộ quản giáo động viên, hướng dẫn tận tình nên anh cũng dần quen với cây kim, mũi chỉ. Sau 3 năm thụ án ở trại giam này, Hưng thành thợ khâu giày có hạng. Anh khoe “mỗi ngày em làm được từ quả rưỡi đến 2 quả. Tháng nào em cũng được cán bộ biểu dương vượt chỉ tiêu đấy”. Ước mong của Hưng là làm sao cải tạo thật tốt để được giảm án, sớm trở về với vợ con. “Và biết đâu, được trở về với đời em cũng tiếp tục làm nghề khâu bóng này”, vừa nói Hưng vừa nhìn vào tấm ảnh con gái mình với vẻ mặt đầy xúc cảm.
Cùng tâm trạng tương tự, nữ phạm nhân Cao Thị Hiền (45 tuổi) ở xưởng làm mi mắt giả, dù bản thân đang mang mức án 18 năm tù vì tội buôn bán trái phép ma túy cũng lạc quan bày tỏ: Khi được về nhà còn tinh mắt, nhanh tay, em sẽ tiếp tục làm nghề này”. Quê ở Quỳnh Ngọc (Quỳnh Lưu) lấy chồng về phường Đội Cung (TP Vinh), năm 2007, khi Cao Thị Hiền bị công an bắt vì tham gia vào một đường dây ma túy lớn, hai cô con gái cùng người chồng đang làm việc ở Quế Phong cứ ngớ người ra vì kinh ngạc. Sau đó, Hiền được chuyển đến đây và được học làm mi mắt giả. Với quyết tâm cải tạo tốt để sớm được về với xã hội, Hiền đã chăm chỉ học và bây giờ là một trong những “thợ” lành nghề nhất. Ngoài phần việc của mình, nữ phạm nhân này còn được phân công hỗ trợ cán bộ quản giáo dạy cho những chị em mới vào. Những người đồng cảnh như Vũ Thị Hòa, Nguyễn Thị Bé cứ tấm tắc: Chị Hiền hướng dẫn, chúng tôi dễ tiếp thu và mau “lên tay” lắm. Thiếu úy Lê Thị Thủy- cán bộ quản giáo cho biết, qua các kỳ bình xét cộng lại, phạm nhân Cao Thị Hiền đã được giảm án 12 tháng. Được giảm án là phần thưởng lớn nhất đối với phạm nhân.
Theo Đại tá Nguyễn Viết Hoàn - Giám thị Trại giam số 6, ở đây có hàng nghìn phạm nhân đủ mọi thành phần bất hảo trong xã hội “quy tụ” về. Bởi thế, cùng với công tác quản lý, giam giữ, giáo dục thì một việc rất quan trọng là dạy nghề cho phạm nhân. Với người bình thường, rèn luyện để có tay nghề vững vàng là điều không dễ, huống hồ là với những người từng quen làm ăn phi pháp, sống buông thả, lêu lổng, nghiện ngập, bệnh tật.. càng khó gấp bội. Tuy nhiên, nhiều năm qua, trại đặc biệt quan tâm đến việc dạy nghề cho phạm nhân và coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của đơn vị. Đầu năm 2014 này, Trại đã liên hệ thêm được một số doanh nghiệp ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Vĩnh Phúc nhận hàng gia công tạo nghề và việc làm cho phạm nhân. Thông qua lao động để giáo dục phạm nhân; góp phần tạo sản phẩm cho xã hội. Và, quan trọng hơn là khi ra trại họ có nghề trong tay để hòa nhập cộng đồng.
Thực tế, có những phạm nhân sau khi chấp hành xong án phạt tù đã quyết tâm làm lại cuộc đời. Như trường hợp của ông Tăng Minh Hiếu ở xã Diễn Hạnh (Diễn Châu) – chủ nhân của một trang trại chăn nuôi trù phú, từng là cựu phạm nhân Trại giam số 6. Ông Hiếu cho rằng, nếu không có những ngày bị chấp hành án phạt tù để quen với lao động sản xuất và chiêm nghiệm cuộc đời thì chắc vợ chồng ông không có cơ ngơi như ngày nay. Còn ông Phạm Thế Thanh hiện là một doanh nhân mỹ nghệ có tiếng ở huyện Quảng Ninh (Quảng Bình), trong một bức thư gửi dến Ban Giám thị trại 6 đã cho rằng chính nhờ nghề mộc học được trong những năm tháng thụ án ở trại giam này là “bảo bối” để ông vững bước trở lại với đời…
Việt Long