Vụ Trịnh Xuân Thanh, Formosa đều đúng qui trình. "Qui trình" có lỗi gì mà hậu quả lại nghiêm trọng đến vậy?
Thời gian qua, nước ta xuất hiện nhiều vụ việc “động trời” được dư luận quan tâm và các cơ quan, ban ngành chức năng đều đã vào cuộc. Có những vụ việc như vụ việc liên quan đến Phó Chủ tịch Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh, đích thân Tổng Bí thư phải có tới 2 lần ra chỉ thị yêu cầu xử lý nghiêm.
Vụ việc “nóng” hiện nay liên quan đến ông Trịnh Xuân Thanh trước đó được khẳng định là luân chuyển, bổ nhiệm đúng qui trình, nhưng rồi sau đó “soi” kỹ lại thấy có những điểm chưa đúng qui trình, đi tắt đón đầu… Thế mới có chuyện, Trịnh Xuân Thanh, người đã có "thành tích" đưa một doanh nghiệp Nhà nước từ “có lãi chút đỉnh” đến thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng nhưng bản thân vẫn được hưởng mức lương khủng, vẫn được cất nhắc, đề bạt, khen thưởng rầm rộ.
Còn vụ Formosa gây thảm họa môi trường nghiêm trọng từ tháng 4 đến nay, người dân chưa một lần được nghe người có cái tên được nhắc khá nhiều là ông Võ Kim Cự lên tiếng về vụ việc. Khi nhân vật được cho là “trung tâm của mọi vấn đề” – ông Võ Kim Cự - nguyên Bí thư, nguyên Chủ tịch, nguyên trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh lên tiếng thì cũng có một câu trả lời rất an toàn là “Cấp phép đầu tư cho Formosa là đúng qui trình, thủ tục pháp luật của Việt Nam”. Ông Võ Kim Cự lại mới trúng cử Đại biểu Quốc hội, được bầu là Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và Ủy viên ủy ban Kinh tế của Quốc hội!
Hay như vụ việc nguyên Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng bổ nhiệm con trai về làm lãnh đạo một doanh nghiệp do Bộ mình quản lý cũng đúng qui trình đấy thôi. Sau đó, lần giở luật pháp Việt Nam mới thấy, “pháp luật cấm việc bố bổ nhiệm con trong các DNNN”.
Gần đây nhất, lại phát hiện ra vụ ông Trịnh Xuân Thanh có con trai sinh năm 92, vừa đi làm được vài tháng đã được bổ nhiệm làm lãnh đạo ở Halico.
Còn nhớ, vụ Dương Chí Dũng, đến thời điểm ngồi khám rồi mà những người liên quan vẫn khẳng định bổ nhiệm Dương Chí Dũng "hoàn toàn đúng qui trình".
Thử hỏi, trong khi chúng ta có rất nhiều công cụ giám sát, thẩm định nhưng tại sao những cái lỗi to như con voi ấy vẫn chui lọt lỗ kim? Và còn biết bao nhiêu vụ việc nữa làm đúng qui trình nhưng vẫn sai... mà chưa bị lộ?
Chúng ta đã có rất nhiều loại qui trình (qui trình bổ nhiệm cán bộ, qui trình cấp phép đầu tư, xây dựng…) thế nhưng những con người vận dụng những qui trình ấy thường đặt lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm lên trên hết nên mới dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng như hôm nay. Điều quan trọng là chúng ta đã nghiên cứu ra các qui trình chặt chẽ, khoa học rồi nhưng người tham gia thực hiện qui trình ấy có cảm thấy trách nhiệm của mình không?
Đến lúc này thì thực sự dư luận không hiểu qui trình là cái gì mà nó lại là chỗ dựa vững chắc để những kẻ làm sai gây hậu quả nghiêm trọng dựa vào đó để chối tội, trốn tránh trách nhiệm? Qui trình là cái gì mà người ta cứ "đổ tội" cho qui trình mãi vậy?. Nếu qui trình sai thì nên bỏ qui trình đó đi chứ không thể mãi đổ tại qui trình. Qui trình không có tội, không sai, nhưng những người tham gia vào qui trình đó cố tình làm sai qui trình.
Hàng loạt sai phạm của cán bộ, đảng viên trong thời gian qua cho thấy, trong công tác cán bộ khâu đánh giá cán bộ đang có nhiều vấn đề, chưa chính xác, minh bạch. Thế mới có chuyện, đảng viên như ông Trịnh Xuân Thanh, Dương Chí Dũng… gây thua lỗ ở một đơn vị này lại được điều chuyển, cất nhắc ở một đơn vị khác.
Cán bộ và công tác cán bộ luôn luôn chiếm vị trí quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến sự thành bại đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nếu chúng ta vẫn sử dụng những cán bộ luôn làm đúng qui trình theo ý muốn cá nhân họ thì những vụ việc như Formosa, Trịnh Xuân Thanh hay Dương Chí Dũng… không phải là chuyện hiếm trong tương lai.
Theo VOV