Ông Nguyễn Tiến Nam là một trong 6 người gửi tiền tại Phòng giao dịch Eximbank Đô Lương (Nghệ An), liên quan đến vụ nữ kiểm ngân Nguyễn Thị Lam chiếm đoạt hơn 50 tỷ đồng trong các sổ tiết kiệm. Ông Nam gửi 13 sổ tiết kiệm với số tiền hơn 28 tỷ đồng nhưng Lam đã rút hơn 27,8 tỷ đồng, chỉ còn lại hơn 195,9 triệu đồng vào năm 2016.

Ngày 12/3 vừa qua, ông là một trong số 6 khách hàng nêu trên đã ủy quyền cho luật sư đến Hội sở Eximbank làm việc để yêu cầu ngân hàng này giải quyết việc tất toán sổ tiết kiệm trước khi tòa xét xử vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" vào tháng 4 tới. 

135007-1.jpgKhách mất 28 tỷ đồng trong sổ tiết kiệm, ngân hàng đề nghị tạm ứng 1,55 tỷ đồng.

Tại buổi làm việc này, phía ngân hàng hứa trả lời bằng văn bản trong tuần nhưng đến ngày 20/3, đại diện Eximbank đến làm việc trực tiếp với ông Nam và luật sư tại Đô Lương đề nghị sẽ tạm ứng cho ông Nam số tiền 1,55 tỷ đồng, kèm theo các điều khoản do Eximbank soạn sẵn, số tiền còn lại phải chờ phán quyết của tòa án.

Trước đề nghị này, ông Nam không đồng ý và cho rằng đã có kết luận của cơ quan điều tra, và ở đây ông không phải đi xin hay phía ngân hàng làm từ thiện mà đây là tiền của ông gửi vào nên không có chuyện thương hoàn cảnh và cho tạm ứng. 

Cũng theo ông Nam, việc đưa đề nghị tạm ứng 1,55 tỷ như vậy là "sự xúc phạm của Eximbank đối với bản thân ông". Mặc khác, điều này gián tiếp nghi ngờ khách hàng thông đồng với cán bộ của mình để chiếm đoạt tiền của Eximbank khi không tin vào kết quả điều tra của cơ quan công an mặc dù ngân hàng không khiếu nại kết luận đó. 

Vị khách hàng này phân tích thêm, việc xét xử của tòa án sắp tới là xét xử hành vi phạm tội của 16 cán bộ của Eximbank phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Cố ý làm trái các quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, tài sản bị chiếm đoạt là của Eximbank. Về hình sự, tòa án sẽ tuyên phạt mức án cụ thể đối với các bị cáo, về dân sự tòa án sẽ tuyên các bị cáo phải bồi thường cho Eximbank bao nhiêu tiền.

"Do vậy, tôi không có lý do gì, nói cách khác không có quy định bắt buộc tôi phải chờ phán quyết của tòa án rồi mới được phép đưa sổ tiết kiệm đến Eximbank để rút tiền", ông nhấn mạnh và cho biết không chấp nhận đề nghị của phía ngân hàng tạm ứng mà vẫn tiếp tục yêu cầu Eximbank trả tiền 28 tỷ trước lúc Tòa xử.

Tại công văn mới nhất của Eximbank trả lời ông Nam vào ngày 23/3, nhà băng này tiếp tục thể hiện quan điểm rằng, hiện nay Cơ quan điều tra đã ban hành kết luận điều tra, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An đã ban hành cáo trạng và Tòa án vẫn đang quá trình xem xét giải quyết, vẫn chưa có bất kỳ bản án có hiệu lực pháp luật nào được ban hành.

Vì thế, Eximbank cho rằng mọi ý kiến nêu trong kết luận điều tra hay bản cáo trạng mới chỉ là ý kiến từ phía Cơ quan điều tra hay Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An, chưa phải là quyết định cuối cùng và có hiệu lực pháp luật phải thi hành. Do đó các ý kiến của ông Nam yêu cầu Eximbank phải ngay lập tức thanh toán, Eximbank chưa thể thực hiện.

Mặc khác, ngân hàng này cho rằng chưa khiếu nại đối với Kết luận điều tra và bản cáo trạng không có nghĩa là Eximbank đã đồng ý với các tài liệu này. Ngân hàng cho biết phải chờ bản án có hiệu lực của Tòa. 

Trước đó, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An đề nghị Eximbank giải quyết những đề nghị của 6 khách hàng gửi tiền tiết kiệm và buộc Nguyễn Thị Lam bồi thường lại toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt của Eximbank. Ngoài ra, tại bản Cáo trạng số 34 ngày 08/2/2018 của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An tiếp tục khẳng định những thông tin trên.

Ngoài vụ mất 50 tỷ đồng trên, liên quan vụ bà Chu Thị Bình bị mất 245 tỷ đồng trong sổ tiết kiệm tại Eximbank, nhà băng này cũng từng đề xuất tạm ứng cho bà Bình hơn 14,8 tỷ đồng - là số tiền trên giấy ủy nhiệm chi mà Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an (C44) xác định là chữ ký của chủ tài khoản lẫn người được ủy quyền đều bị làm giả. Còn những khoản khác, ngân hàng sẽ chờ ra tòa.

Hôm đó, bà Bình cho biết sẽ cân nhắc lại việc nhận số tiền tạm ứng này nhưng phải xem trước bản thảo của biên bản thỏa thuận mới quyết định đồng ý hay không. 

Tuy nhiên, sau khi cân nhắc, bà Chu Thị Bình đã từ chối nhận tạm ứng. Trao đổi với VnExpress ngày 2/3, bà Bình cho biết khi làm việc với Eximbank, bà và ngân hàng không thể tìm thấy sự đồng thuận trong các điều khoản. Ngân hàng chưa giải thích rõ ràng, chỉ nói chung chung là tiền hỗ trợ bà giải quyết khó khăn trong khi đó khoản bị mất của bà không được đề cập.

"Thậm chí, ngân hàng còn đưa ra điều khoản bảo mật thông tin để giữ uy tín cho ngân hàng, nên tôi không chấp nhận. Tôi đòi tiền của mình một cách minh bạch thì sao phải bảo mật", bà Bình nói.

Đến nay, phía Eximbank vẫn chưa có phương án giải quyết nào mới đối với bà Bình.