Với hơn 70 hộ dân, nằm ở vùng đồi núi đất đai cằn cỗi, diện tích đất trồng lúa ít nên trước đây xóm Tiền Phong là một trong số những xóm nghèo nhất xã Nam Hưng nói riêng và huyện Nam Đàn nói chung. Phần lớn thanh niên xóm Tiền Phong trưởng thành đều phải khăn gói rời quê tìm kiếm công ăn việc làm. Bà con ở nhà đã nhiều lần đưa các loại cây trồng vào thử nghiệm như: chè, sắn cao sản, v.v… nhưng không hiệu quả.

images1719655_gi_ng_nam_h_ng298568_2532018.jpgCây riềng đã được trồng nhiều ở Nam Hưng. Ảnh: Thu Hương
Khi thương lái bắt đầu tìm đến thu mua củ riềng, một loại cây vốn mọc tự nhiên rất nhiều ở vùng đất này, bà con xem cây riềng như một loại cây không có nhiều giá trị. Thế nhưng khi thấy thương lái sẵn sàng mua số lượng lớn với giá khá cao, ban đầu người dân Tiền Phong đua nhau đi đào củ riềng mọc tự nhiên đem bán, sau đó họ bắt đầu chuyển sang trồng riềng trong vườn, trên đồi.

Với đặc tính dễ trồng, thậm chí không cần phân bón, hầu như không có sâu bệnh, không mất nhiều công chăm sóc và đặc biệt là điều kiện thổ nhưỡng tự nhiên phù hợp nên cây riềng nhanh chóng phát triển mạnh ở Nam Hưng và trở thành cứu cánh cho bà con xóm Tiền Phong.

Hiện nay bình quân mỗi hộ trồng được khoảng 5 - 6 sào với mức thu nhập từ 40 - 50 triệu đồng/sào/năm. Nhiều gia đình ở Tiền Phong đã thoát nghèo, thậm chí trở thành triệu phú nhờ trồng riềng.

Các thành viên tổ hợp tác đang chế biến riềng trước khi đi tiêu thụ. Ảnh: Hoàng Hảo
Năm 2016 lại nay, để giúp nghề trồng riềng ở Tiền Phong phát triển bền vững, huyện Nam Đàn đã chỉ đạo Chi hội phụ nữ, nông dân xóm Tiền Phong thành lập Tổ hợp tác, tạo sự liên kết, hỗ trợ nhau nâng cao hiệu quả sản xuất, đồng thời hỗ trợ việc tìm kiếm đầu ra ổn định.

Tổ hợp tác sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ riềng xóm Tiền Phong ra đời với gần 200 hộ tham gia, chia thành 10 tổ. Được vay vốn theo các chương trình, chính sách hỗ trợ của nhà nước, các thành viên Tổ hợp tác riềng Tiền Phong tiếp tục mở rộng diện tích trồng, đầu tư phương tiện phục vụ sản xuất như máy bơm, máy xịt rửa, ô tô tải chuyên chở…

Củ riềng sau khi thu hoạch được các hộ dân tập trung về một chỗ rửa sạch và các tổ viên cùng nhau cắt rễ, sau đó đóng vào bao tải đưa lên ô tô chở đi phân phối cho các địa phương.

Chị Nguyễn Thị Hằng - xóm Tiền Phong chia sẻ: “Từ khi tổ hợp tác ra đời, không những giá cả ổn định và thống nhất hơn mà việc liên kết hỗ trợ nhau còn giúp các gia đình tiết kiệm chi phí mua phương tiện. Ví dụ thay vì mỗi gia đình phải tự đầu tư và thực hiện các công đoạn từ trồng trọt đến thu hoạch và chở đi bán thì nay chỉ cần thu hoạch xong gom về một chỗ trong xóm rồi mọi người cùng xử lý sạch sẽ để nhanh chóng đưa lên ô tô chở đi phân phối ngay trong ngày. Ngoài ra các tổ viên trong Tổ hợp tác luân phiên trồng và thu hoạch chứ không thu hoạch đại trà để tránh tình trạng dư cung. Bên cạnh việc hỗ trợ nhau sản xuất, hàng tháng Tổ hợp tác còn tổ chức sinh hoạt đều đặn, đóng góp tiền gây quỹ và tổ chức các hoạt động văn nghệ”.

Chị Nguyễn Thị Quỳnh Hoa - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Nam Đàn cho biết: “Mô hình Tổ hợp tác sản xuất, thu mua và tiêu thụ riềng xóm Tiền Phong, xã Nam Hưng là một  mô hình tổ hợp tác, tổ liên kết đầu tiên hiệu quả của Nam Đàn. Không những mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt mà còn tạo ra tinh thần đoàn kết, môi trường sinh hoạt cộng đồng lành mạnh và thu nhập cao cho bà con”./.