(Baonghean) Có thể nhận thấy sự chuyển biến trong mỗi tổ chức cơ sở đảng, mỗi cán bộ, đảng viên về nhận thức, ý nghĩa, tầm quan trọng của Nghị quyết TƯ 4 sau khi đã được tất cả các chi bộ Đảng tổ chức học tập và quán triệt. Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật 3 vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng mà Nghị quyết TƯ 4 đã nhận định bước tiếp theo là hội nghị các cấp uỷ triển khai lấy ý kiến đóng góp đối với tập thể, cá nhân chủ trì cấp ủy, để chuẩn bị cho việc tự kiểm điểm phê bình và phê bình.

Đánh giá suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống là rất khó, nhưng trong tình hình hiện nay không được chủ quan. Thực tế lâu nay trong sinh hoạt Đảng, hiện tượng vi phạm nguyên tắc, thủ tục sinh hoạt Đảng cái lớn thì chưa có, nhưng đó đây còn xem nhẹ sinh hoạt chi bộ, hoặc làm tắt, hoặc bỏ qua thủ tục sinh hoạt đã quy định. Chỉ cần vài ba lần làm tắt thì việc sinh hoạt Đảng trở nên hình thức, dần dần mất sức chiến đấu của chi bộ, khiến đảng viên dần xem nhẹ ngay ở chi bộ của mình. Nếu nói một đảng viên hay một tổ chức đảng cụ thể nào đó suy thoái về tư tưởng, chính trị thì nghe rất nặng, nhưng những biểu hiện nêu trên có thê nhận thấy được. Về đạo đức lối sống, có thể thấy rõ hơn như xa rời quần chúng, quan liêu, gia trưởng, độc đoán, bất hợp tác... hoặc ở một số cán bộ có chức quyền, khi tiếp xúc với nhân dân, có lời nói, việc làm chưa phù hợp với yêu cầu về tư cách đảng viên, chưa tận tâm, tận lực với công việc, nói không đi đôi với làm, thấy đúng không dám công khai bảo vệ, thấy sai không giám đấu tranh, còn nhũng nhiễu gây phiền hà, vô cảm trước những đề xuất kiến nghị chính đáng của người dân.

Suy thoái về chính trị, tư tưởng là nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự suy thoái về đạo đức, lối sống và lối sống buông thả, đua đòi, ích kỷ… cũng dẫn đến sự suy thoái về tư tưởng, chính trị. Khi chuẩn bị tự kiểm điểm cần tập trung giải quyết cả hai vấn đề, trong đó suy thoái về đạo đức, lối sống là đáng chú ý hơn, vì nó rõ ràng hơn, tác động trực tiếp hơn đến hành vi ứng xử của cán bộ, đảng viên đối với quần chúng nhân dân. Trong kiểm điểm cần tiến hành đồng bộ, nhưng ưu tiên khắc phục biểu hiện vi phạm về đạo đức, lối sống, thực hiện việc này không cần chờ kế hoạch, càng không phân biệt cấp nào làm trước, từng cán bộ chủ trì tự kiểm điểm xem trong tư tưởng, chính trị và đạo đức, lối sống, mình còn điều gì chưa được để rồi tự điều chỉnh, không để chi bộ phải nhắc nhở.

Nhưng, nếu chỉ chờ vào sự tự giác của đảng viên thì sẽ không thấy hết được khuyết điểm. Xây dựng Đảng không chỉ dựa vào tự kiểm điểm của đảng viên, muốn đảng viên tự giác nhận khuyết điểm cần có nhiều cách, nhưng trước hết phải nhấn mạnh sự nêu gương của người đứng đầu bằng chính sự tự phê bình của các đồng chí trong Ban Thường vụ - chủ trì cấp ủy. Nếu tự phê bình mà không nghiêm túc, coi như thực hiện Nghị quyết TƯ 4 chưa thành công. Bởi vậy, tự kiểm điểm của tập thể, cá nhân chủ trì cấp ủy cần được gửi đến tất cả các cấp ủy đảng trực thuộc để xin ý kiến, sau khi tổ chức tự phê bình xong gửi kết quả xuống cơ sở và phúc đáp những vấn đề đã được góp ý.

Để việc tự phê bình và phê bình đi vào thực chất, cơ quan UBKT và cơ quan giúp cấp uỷ trong việc kiểm tra, giám sát chuẩn bị tự phê bình của các tập thể, chủ trì cấp ủy cần nêu cao trách nhiệm; Cần có sự ủng hộ của quần chúng nhân dân gắn với phát huy vai trò của các đoàn thể tham gia xây dựng Đảng, góp ý cho đảng viên, tổ chức đảng một cách tự giác, không khiên cưỡng.

Để tạo được hiệu quả trong lấy ý kiến góp ý chuẩn bị tự kiểm điểm,  thiết nghĩ đồng chí chủ trì cấp ủy cần nêu gương làm trước, làm đúng tinh thần Nghị quyết TƯ4.


Hoàng Tùng