Ngay sau khi Đội Quản lý thị trường số 14 (Hà Nội) phối hợp các lực lượng chức năng đang xuống kiểm tra cửa hàng Khaisilk tại địa chỉ 113 Hàng Gai (Hoàn Kiếm), ông Trần Hùng - Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) có cuộc trao đổi với báo chí về vụ việc.
Vụ việc khăn lụa Khaisilk mang hai nhãn mác vừa "made in China", vừa "Khaisilk made in Vietnam" và sự thừa nhận của ông chủ Hoàng Khải đang gây rúng động dư luận, sụp đổ niềm tin của nhiều người yêu hàng Việt. Dưới góc độ của một nhà quản lý, ông có nhận định gì về hiện tượng trên?
Đây là môt hiện tượng rúng động bởi Khaisilk là một thương hiệu rất uy tín, nổi tiếng từ nhiều năm nay, có thể coi là một thương hiệu lớn của quốc gia.
Tình trạng khăn lụa có hai nhãn mác như trên của Khaisilk có dấu hiệu gian lận thương mại, hàng giả nguồn gốc xuất xứ. Ngay trong ngày hôm nay Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã có công văn hoả tốc gửi Cục Quản lý thị trường yêu cầu kiểm tra, xác minh, làm rõ các dấu hiệu làm giả nguồn gốc xuất xứ của Khaisilk.
Thực hiện chỉ đạo, cơ quan quản lý thị trường đã vào cuộc xác minh ngay, chúng tôi sẽ làm việc hết sức mình, đảm bảo không có vùng cấm nào.
Sau kiểm tra sẽ có kết quả chi tiết, dựa trên kết quả vi phạm nếu nặng có thể truy tố hình sự, nhẹ thì phạt hành chính.
Đó là ở góc độ quản lý, còn ở góc độ quyền lợi người tiêu dùng khi mua phải khăn lụa Khaisilk bị làm giả nguồn gốc xuất xứ thì sao, thưa ông?
Ông Hoàng Khải đã thừa nhận trên báo chí là giả xuất xứ rồi và xin lỗi và sẵn sàng bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Ông rất hối hận, ăn năn vì để xảy ra sự việc đáng tiếc đó, hứa sẽ thu hồi và bồi hoàn toàn bộ thiệt hại cho người dùng.
Phải nói là tôi rất buồn, cái mất lớn nhất ở đây không phải giá trị vật chất. Khaisilk gần được coi là sản phẩm biểu tượng cho quốc gia, nói đến lụa tơ tằm là nói đến Khaisilk. Tất cả các dịp lễ tết, khánh tiết, các đoàn ngoại giao đã luôn đặt niềm tin vào những thương hiệu như lụa tơ tằm Khaisilk, gốm sứ Minh Long, Bát Tràng…
Xảy ra chuyện như này rất buồn, rất đáng trách, gây giảm sút niềm tin của nhân dân với thương hiệu Việt. Đó mới là cái tổn hại nhất.
Hiện tượng mua hàng/nguyên liệu Trung Quốc "hô biến" thành hàng Việt là hiện tượng phổ biến từ lâu, không phải đến Khaisilk mới có. Hàng rào thuế quan giữa Việt Nam với các nước đang dần được xoá bỏ, chênh lệch lợi nhuận được xoá nhoà, theo ông, liệu có làm bùng nổ những cách làm ăn như Khaisilk không?
Tôi mới thôi việc tại Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Hồi còn làm ở đây, tôi đã nhiều lần kiến nghị về việc Việt Nam đang ngày càng tham gia sâu rộng vào các hiệp định thương mại tự do, theo đó hàng rào thuế quan sẽ dần được xoá bỏ. Việc xoá bỏ thuế quan sẽ xoá bỏ chênh lệch lợi nhuận từ chênh lệch thuế.
Do đó, các đối tượng sẽ lợi dụng nhập hàng từ nước ngoài về để giả xuất xứ hàng hoá, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Với xu hướng hội nhập, tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do của Việt Nam, hiện tượng này sẽ gia tăng mạnh trong thời gian tới. Đặc biệt, các đối tượng sẽ nhập hàng từ Trung Quốc - công xưởng của thế giới để làm giả xuất xứ, trục lợi người tiêu dùng.
Do đó, lực lượng chức năng cần có biện pháp hữu hiệu hơn để ngăn chặn, răn đe tình trạng này. Với Chính phủ, cần có các chính sách, văn bản pháp luật quản lý chặt chẽ, xử phạt nghiêm minh với những kẻ vi phạm.
Theo VnEconomy