Giá đường cao, giá mía cao, nhưng mía thiếu, không đáp ứng hết công suất của các nhà máy, bên cạnh đó, bệnh chồi cỏ và nhiều bệnh khác đang tàn phá mía... khiến cho vùng nguyên liệu mía rộng lớn của tỉnh ta đang bị thu hẹp...

Quốc lộ 48 đoạn qua Nhà máy đường NAT&L xuôi ngược những xe chở mía về nhà máy. Nhà máy đang vào cuối vụ ép, nhưng không khí làm việc khẩn trương, tốc độ. Bên cổng phụ hàng trăm xe chở mía đang chờ tới lượt nhập.

Hiện, giá đường bán tại Nhà máy là 20.000 đồng/ kg. Đường đang cầu lớn hơn cung trên thị trường thế giới, và đường của Nhà máy NAT & L càng đắt giá bởi chất lượng cao, mạng lưới thương mại rộng rãi. Đến nay nhà máy đã ép được 385.000 tấn mía, càng ép được càng thấy tiếc bởi giá đường cao mà mía thiếu, công suất đạt khoảng 1/2.

Vụ ép 2009-2010, diện tích mía 14.661 ha, sản lượng mía nhập về nhà máy đạt 783.350 tấn, vụ ép năm nay sản lượng mía ước đạt 435.500 tấn mía. Sản lượng 1 triệu tấn mía của nhà máy (đã đạt từ 2007) cứ tụt dần, tụt dần. Mía đã ít còn bị tranh mua, nên số lượng nhập về nhà máy càng bị giảm.

763691_small_60932.jpgCán bộ Sở NN&PTNT kiểm tra tình hình bệnh chồi cỏ mía ở Quỳ Hợp.

Ông Ngô Vân Tú - Giám đốc Nông vụ Nhà máy đường NAT &L cho biết: Diện tích mía những năm gần đây không ngừng giảm xuống, một phần bởi 3000 ha đưa vào qui hoạch trồng cỏ, một phần bị cạnh tranh bởi cây sắn, nhưng nan giải nhất ở vùng Phủ Quì là bệnh chồi cỏ-một bệnh do vi rút đến nay vẫn chưa chữa được, khiến mía thịt và cả mía giống thiếu trầm trọng. Nếu thu hoạch mía bán cho nhà máy hết thì không còn giống để trồng, nếu dùng mía là giống thì mía sản phẩm lại ít. Đó là trăn trở của không ít nông dân.

Anh Lê Văn Sáng- xóm trưởng xóm Đồng Tầm- Nghĩa Liên- Nghĩa Đàn vừa thu hoạch mía vừa cho biết: "Xóm Đồng Tầm có 50 hộ trồng mía, năm 2008 có 32 ha mía, năm 2009 có 28 ha, còn vụ ép năm nay xóm còn 24 ha. Đồng Tầm đã trồng mía hàng chục năm nay, nhưng diện tích mía giảm là bởi bà con chuyển sang trồng sắn.

Vùng nguyên liệu mía thuộc Công ty CP mía đường Sông Lam được tỉnh quy hoạch có tính cả luân canh là 1700 ha, trong đó mía đứng hàng năm là 1300 ha. Diện tích mía tập trung chủ yếu trên địa bàn huyện Anh Sơn 1000ha gồm: vùng Thành-Bình-Thọ, xã Hoa Sơn, Xí nghiệp chè tháng 10, vùng Con Cuông khoảng 300 ha.

Đặc biệt một số cơ chế năng động như đầu tư cho không phân và giống với những vùng mía năng suất 75 tấn trở lên và những vùng đất lúa cao cưỡng, nay bà con mạnh dạn chuyển sang trồng mía, chính sách hỗ trợ 100% giống mía cho những hộ trồng mới ở những vùng đặc biệt khó khăn của xí nghiệp chè tháng 10, hỗ trợ 4,3 triệu đồng cho 1 ha trông mới. Tại một số địa bàn trọng điểm như Thành - Bình - Thọ (Anh Sơn), bà con đã năng động chuyển đổi diện tích trồng lạc, đậu và lúa kém hiệu quả sang trồng mía. Riêng Thành Sơn và Bình Sơn, quỹ đất cho trồng mía đã gần như cơ bản, xã Bình Sơn, Thọ Sơn bà con đưa diện tích mía nguyên liệu lên trên 500 ha.


Tuy nhiên, tại vùng nguyên liệu mía đường Sông Lam là diện tích và sản lượng mía hàng năm giảm so với kế hoạch và chỉ tiêu. Theo báo cáo của nhà máy thì từ niên vụ 2008-2009 đến nay, mía vào ép chỉ đạt 2/3 công suất thiết kế. Năng suất mía trước đó đạt 51-53 tấn/ ha, từ niên vụ 2008 trở đi giảm còn 50 tấn/ha, Hiện tại niên vụ ép 2010-2011 năng suất mía đạt 43 tấn/ha.

Hiện nay, nhân công chặt mía, giá vật tư, giá giống trồng mía cao ngất, là những khó khăn cản trở nông dân trồng mía. Theo anh Lê Văn Sáng- xóm Đồng Tầm, xã Nghĩa Liên, Nghĩa Đàn thì mặc dù mía giá cao, nhà máy mua 9 triệu đồng/tấn tại ruộng, nhưng tiền lãi một ha cũng chỉ khoảng 25 triệu đồng nếu năng suất đạt 60 tấn/ ha.

Năng suất 70 tấn/ ha được khoảng 30- 32 triệu đồng/ ha. Hiện giá cao su đang được nhất (90 triệu đồng/ 1 tấn crep (cao su đã sơ chế), một ha cao su cũng cho thu nhập gần 1 tấn crep/năm. Sự năng động của bà con, trong đa dạng cây trồng, vật nuôi, chủ động trong tiêu thụ sản phẩm cũng là một khó khăn cho Nhà máy đường NAT&L.

Một hộ khác phản ánh: Mặc dù nhà máy cho nông dân vay vốn đầu tư chăm sóc mía, nhưng rồi cùng phải trả lãi, vì vậy chẳng được là bao. Nhà máy đường NAT &L lại mua giá mía thấp hơn nhà máy khác nên bà con bán ra ngoài vùng cũng không ít. Như ở Nghĩa Đàn, mía về Nhà máy đường Sông Con vụ ép này hơn 20%.

Nhà máy đường Sông Con đã không bỏ lỡ dịp, mua mía cao hơn cho vùng Phủ Quì là 10,5 triệu đồng/tấn, được thì chưa bàn nhưng cũng gây náo loạn đáng kể nơi vùng nguyên liệu này.Tình trạng này cũng đã xẩy ra từ lâu, dẫn đến việc mặc dù nhiều xã, nhiều hộ ký hợp đồng với NAT &L, nhưng chỉ ký cung cấp lượng mía nhất định. Ví dụ: họ ký 50 tấn/ ha, nhưng kỳ thực họ sản xuất được 60 đến 80 tấn/ ha, phần thừa ra họ lại bán cho nhà máy đường khác ăn chênh lệch. Đây là bài toán chưa có lời giải của NAT & L.

Đã bao năm qua, mặc dù nông dân được hưởng lợi nhiều từ mía, song chưa tương xứng với phần lợi nhuanạ kếch xù của các nhà máy. Tình trạng đó, khiến cho nạn trồng mía rồi chặt vẫn tiếp tục. Người nông dân Phủ Quì, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ... vẫn thủy chung với mía nhưng như anh Sáng ở Nghĩa Liên cho biết: "Người không thuỷ chung thì có lợi hơn, vì bán mía ra ngoài cao hơn, còn chúng tôi làm đúng hợp đồng thì bị thiệt".

Giải quyết tận gốc bệnh chồi cỏ, thực hiện cơ chế thu mua và giá cả hợp lý, linh động, chính sách bao quát hết tất cả các hộ trồng mía ( lâu nay các chính sách mới chỉ quan tâm đến chủ hợp đồng lớn), đội ngũ nông vụ gắn bó với đồng ruộng, với bà con trồng mía... là những giải pháp luôn cần thiết để mía đường trở thành thương hiệu mạnh ở Nghệ An.
Châu Lan - Lương Mai