Phát biểu tại Hà Nội ngày 1/3, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) Kuroda cho biết Việt Nam đã nhanh chóng giảm nghèo và cải thiện mức sống trong suốt hai thập kỷ qua và tiến tới trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, đồng thời khẳng định Ngân hàng Phát triển Châu Á hoàn toàn ủng hộ nỗ lực phát triển bền vững của Việt Nam nhằm mang lại lợi ích cho tất cả mọi người.

Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất ở Châu Á trong 20 năm qua nhờ vào xuất khẩu, đầu tư nước ngoài và một khu vực tư nhân đang lớn mạnh. Mức nghèo đã giảm từ trên 58% năm 1993 xuống khoảng 10% vào cuối năm 2010. Việt Nam nhanh chóng vươn lên từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu do áp dụng những biện pháp kích thích kịp thời.

763706_small_60948.jpg

Trong tương lai, việc Việt Nam trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình phát đi những tín hiệu của một tương lai tươi sáng, tuy nhiên trong ngắn hạn, Việt Nam vẫn còn phải đối mặt với nhiều thử thách về ổn định kinh tế vĩ mô, ví dụ như lạm phát cao. Ông Kuroda nói rằng vấn đề này đòi hỏi phải có một số điều chỉnh về chính sách, chứ không chỉ là những cải cách kinh tế, chẳng hạn như những cải cách được thực hiện trong khu vực doanh nghiệp nhà nước. Những điều chỉnh này cũng rất cần thiết đối với việc đảm bảo phát triển toàn diện dài hạn.
 
Ông Kuroda phát biểu sau 3 ngày tới thăm Việt Nam trước thềm Hội nghị Thường niên Hội đồng Thống đốc của ADB sẽ diễn ra từ ngày 3 đến 6/5. Đây là lần đầu tiên sự kiện này được tổ chức tại Việt Nam.
Ông Kuroda phát biểu: Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong Chương trình Hợp tác Kinh tế Tiểu vùng Mê Kông Mở rộng (GMS) do ADB hỗ trợ. Là một trong hai quốc gia thuộc nhóm 6 nước GMS có tham gia vào cả ba hành lang kinh tế theo chương trình GMS, Việt Nam đã giúp đẩy mạnh thương mại, du lịch và đầu tư trong toàn khu vực.
 
“Chương trình GMS trở thành một ví dụ cho hợp tác khu vực và Việt Nam là một đối tác tích cực” - ông Kurada cho biết.


Theo VOV