(Baonghean) - Qua vụ 13 cây pơ mu tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống bị đốn hạ cho thấy ở Quế Phong và các địa bàn có rừng thì câu chuyện phá rừng vẫn luôn nhức nhối.

 » 13 cây Pơ mu quý hiếm ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống bị lâm tặc đốn hạ
 

1509416304438.jpgMột trong những gốc pơ mu bị lâm tặc đốn hạ tại tiểu khu 148.

Nóng những vụ việc

Trạm bảo vệ rừng Cắm Muộn (Khu BTTN Pù Huống) là đơn vị phát hiện vụ việc, đồng thời chụp ảnh, và quay được clip những hình ảnh lâm tặc đang thực hiện hành vi cắt hạ cây. Một thành viên của trạm tham gia vây bắt lâm tặc là Võ Minh Nghĩa kể, quá trình thực hiện tuần tra tại khoảnh 9 và 13 (Tiểu khu 148) thì nghe có tiếng cưa xăng. Biết rừng đang bị các đối tượng khai thác trái phép, nên các thành viên bí mật luồn rừng tìm kiếm và đã phát hiện có hai nhóm đang hạ cây pơ mu; một nhóm có 2 đối tượng, còn một nhóm có 4 đối tượng. 

Vì lực lượng mỏng (nhóm tuần tra chỉ có 3 người), nên các anh xác định phải áp sát để ghi lại bằng chứng bằng hình ảnh, clip để phục vụ công tác điều tra làm rõ. Sau khi lấy được bằng chứng, nhóm ập vào bắt giữ được một đối tượng, thu giữ được một máy cưa xăng. Tại hiện trường, có 3 cây gỗ (xác định là pơ mu) đã bị hạ. Các cây bị hạ có đường kính 70, 50 và 35 cm. Đối tượng bị bắt giữ khai nhận tên là Lô Văn Phương, trú tại bản Cắm Cáng, xã Cắm Muộn, huyện Quế Phong.

Ở vị trí thứ hai, tọa độ GSP 0504620 - 2149034, có 4 đối tượng tham gia dùng cưa xăng cắt cây. Sau khi bí mật chụp ảnh, quay clip làm bằng chứng, nhóm đã ập vào vây bắt. Tuy nhiên, các đối tượng đã bỏ trốn, bỏ lại hiện trường một máy cưa xăng và 5 cây gỗ đã bị cắt hạ; trong đó có 2 cây còn nguyên, 3 cây đã bị xẻ còn tươi. Qua đo đếm, các cây có đường kính từ 40 đến 60cm.

Bởi tính chất phức tạp của vụ việc, để tránh tình trạng các đối tượng tổ chức lực lượng quay trở lại cướp lại vật chứng, nhóm tuần tra đã khẩn trương liên lạc với Ban quản lý bảo vệ rừng xã Quang Phong và Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, đề nghị bố trí lực lượng lên hiện trường để hỗ trợ, bảo vệ vật chứng.

Một trong 13 gốc cây pơ mu bị lâm tặc đốn hạ tại Tiểu khu 148 được phát hiện vào ngày 10/9.

Chiều ngày 10/9/2017, cùng sự sự phối hợp của UBND xã Quang Phong, Ban quản lý Khu BTTN Pù Huống đã tổ chức kiểm tra, lập biên bản ngay tại hiện trường. Qua kiểm tra mở rộng phát hiện có thêm 3 cây pơ mu bị chặt hạ (có đường kính từ 50 - 70cm), xác định thời gian bị cắt hạ đã khoảng 3 ngày. Đồng thời qua kiểm tra hình ảnh, lực lượng kiểm tra còn xác định được 2 đối tượng chặt hạ cây là Lô Văn Quân và Lô Văn Tùng, cùng trú tại bản Cắm Cáng, xã Cắm Muộn.

Vùng rừng đặc dụng Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống thuộc địa bàn xã Quang Phong có diện tích hơn 4.400 ha, phân thành 4 tiểu khu 147, 148, 149, 150. Ở vùng rừng này, có nhiều gỗ quý như pơ mu, dổi, sến, táu mật, de… nên thường bị các đối tượng xấu rình rập. Vì vậy, ngày 15/9/2017, Ban quản lý Khu BTTN Pù Huống đã có báo cáo gửi UBND huyện Quế Phong và các đơn vị Công an, Kiểm lâm huyện. Trong đó, đề nghị huyện Quế Phong chỉ đạo các cơ quan liên quan trên địa bàn có sự phối hợp thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng; tổ chức điều tra làm rõ để xử lý các đối tượng đã có hành vi khai thác rừng trái phép.

Có hay không đầu nậu tổ chức phá rừng?

Lâm tặc đốn hạ pơ mu bị cán bộ Trạm Quản lý bảo vệ rừng Cắm Muộn bắt quả tang tại hiện trường ngày 10/9. Ảnh: Cơ quan chức năng cung cấp

Theo Hạt Kiểm lâm Quế Phong, lần thực nghiệm hiện trường trong ngày 26/10/2017, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Quế Phong và các lực lượng chức năng đã phát hiện tại Tiểu khu 148 có thêm 2 cây pơ mu bị lâm tặc đốn hạ, với khối lượng 1,627m3. Như vậy, đến thời điểm hiện tại xác định được Tiểu khu 148, Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống có 13 cây pơ mu bị chặt hạ với khối lượng trên 15,3m3

Ngày 27/10/2017, làm việc với chính quyền xã Quang Phong, Phó Chủ tịch UBND xã Quang Phong, ông Sầm Văn Minh cho biết, từ khi xảy ra vụ việc đến nay, xã đã không ít lần tham gia công tác kiểm tra hiện trường cùng với lực lượng chức năng. Trong đó, có hai lần do Công an huyện Quế Phong chủ trì (lần thứ nhất vào ngày 20/9/2017; lần thứ hai vào ngày 26/10/2017). 

Theo ông Minh, Quang Phong luôn là “điểm nóng”, bởi vùng rừng thuộc Tiểu khu 148 giàu gỗ quý, thường xuyên bị các đối tượng xấu dòm ngó. Năm 2015, cơ quan chức năng cũng từng phát hiện một vụ vận chuyển lâm sản gỗ pơ mu trên địa bàn xã Quang Phong, thu giữ trên 10m3 gỗ pơ mu, và khởi tố vụ án hình sự.

“Xã Quang Phong từng có một đối tượng bị pháp luật xử lý trong năm 2015. Tuy nhiên, sự phức tạp đến vùng rừng đặc dụng thường do các đối tượng ở 3 bản Cắm Nọc, Cắm Cáng, Cắm Pỏm của xã Cắm Muộn gây ra. Ở xã Cắm Muộn có đường do Công ty Tân Hồng làm có thể đi bằng xe máy vào lõi Tiểu khu 148. Thuận lợi đường đi nên các đối tượng dễ nảy sinh ý đồ xấu với rừng…” - ông Sầm Văn Minh trao đổi.

Nằm vắt ngang sườn núi là tuyến đường độc đạo do Công ty Tân Hồng mở trước đây. Tuyến đường nối từ xã Cắm Muộn vào vùng rừng thuộc tiểu khu 148. Các đối tượng lâm tặc thường sử dụng tuyến giao thông này phục vụ cho hành vi phá rừng.

Thông tin từ UBND huyện Quế Phong thì cho hay, sau lần kiểm tra hiện trường ngày 20/9/2017, xác định được tình trạng 11 cây gỗ pơ mu bị đốn hạ, ngày 26/9/2017, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện đã quyết định khởi tố vụ án hình sự số 78 về tội danh “Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng”; đồng thời đã báo cáo sự việc về tỉnh để có sự chỉ đạo.

Chủ tịch UBND huyện Quế Phong, ông Lê Văn Giáp khẳng định: “Để quản lý bảo vệ rừng, khi có vụ việc xảy ra, quan điểm của huyện là phải đấu tranh, làm rõ để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Đến thời điểm hiện tại, đã có một số đối tượng ra đầu thú, trong đó có người địa phương và người ngoài địa bàn. Vì vậy, cơ quan cảnh sát điều tra đang tiến hành phân loại đối tượng và mở rộng điều tra…”.

Từ vài năm gần đây, ở địa bàn Quế Phong cũng như nhiều các địa bàn có rừng nguyên sinh trong tỉnh vẫn xảy ra các vụ việc phá rừng. Đó là vụ 3 cây sa mu nhiều trăm năm tuổi trong vùng lõi Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt bị lâm tặc đốn hạ; là vụ việc chặt hạ gỗ pơ mu ở huyện biên giới Kỳ Sơn; hay vụ việc 189 cây pơ mu ở địa bàn xã biên giới Tam Hợp, huyện Tương Dương bị đốn hạ… 

Mỗi khi có những thông tin về những vụ việc phá rừng, bất kỳ ai, cũng đều hết sức căm phẫn, mong muốn các cơ quan chức năng truy tìm ra thủ phạm. Ở không ít vụ việc, đã tìm được thủ phạm xâm hại rừng. Nhưng đó mới chỉ là đối tượng trực tiếp phá rừng, hầu hết là người dân bản địa, trình độ nhận thức pháp luật còn thấp, đời sống kinh tế bản thân có nhiều khó khăn. Vì vậy, dư luận luôn băn khoăn, phải chăng phía sau những đối tượng phá rừng là người dân nghèo ấy, có đầu nậu, hoặc tổ chức cá nhân nào tiếp tay còn chưa được làm rõ? 

Qua xâu chuỗi các thông tin thu thập được, vụ việc lâm tặc đốn hạ 13 cây pơ mu được các cơ quan chức năng chủ động phát hiện, phối hợp kịp thời để đấu tranh làm rõ. Tuy nhiên, như Chủ tịch UBND huyện Quế Phong, ông Lê Văn Giáp đã thông tin, có hai nhóm đối tượng thực hiện hành vi đốn hạ 13 cây pơ mu, trong đó một nhóm có người ngoài địa bàn tham gia. Như vậy, rất cần làm rõ có hay không đối tượng đầu nậu, tổ chức cho các đối tượng ngoài địa bàn vào Tiểu khu 148, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống đốn hạ gỗ quý để trục lợi, để có thể xử lý tận gốc hành vi vi phạm pháp luật.

Nhật Lân - Đào Tuấn

TIN LIÊN QUAN