Những bất cập
Xóm 22, xã Quỳnh Vinh là địa phương có nhiều diện tích đất lâm nghiệp, trong đó có một phần được quy hoạch cho rừng phòng hộ. Ở đây, có thể thấy rõ sự bất hợp lý, bởi hầu hết diện tích đất rừng phòng hộ được quy hoạch từ năm 2007, nhưng đến nay không có rừng đảm bảo đúng tính chất phòng hộ, mà trên đó là những vùng đồi rừng keo, bạch đàn của người dân; xen lẫn những khu vực trồng cây ăn quả năm, sản xuất nông nghiệp; thậm chí trên đường vào Nhà máy xi măng Tân Thắng còn có không ít nhà ở dân cư được xây dựng kiên cố.
Xóm 22, xã Quỳnh Vinh là địa phương có nhiều diện tích đất lâm nghiệp, trong đó có một phần được quy hoạch cho rừng phòng hộ. Ở đây, có thể thấy rõ sự bất hợp lý, bởi hầu hết diện tích đất rừng phòng hộ được quy hoạch từ năm 2007, nhưng đến nay không có rừng đảm bảo đúng tính chất phòng hộ, mà trên đó là những vùng đồi rừng keo, bạch đàn của người dân; xen lẫn những khu vực trồng cây ăn quả năm, sản xuất nông nghiệp; thậm chí trên đường vào Nhà máy xi măng Tân Thắng còn có không ít nhà ở dân cư được xây dựng kiên cố.
Dịp này, người dân xóm 22 mới khai thác rừng trồng và đang thực hiện cải tạo lại đất, nên trên phần diện tích dành cho rừng phòng hộ còn xuất hiện không ít những quả đồi trọc.
Về mốc thời gian định cư, từ khoảng năm 1966 cho đến năm 1996, nhưng đến năm 2001, xóm 22 mới chính thức được ra đời, có tên trên bản đồ hành chính của xã Quỳnh Vinh.
Về đất đai của xóm 22, theo ông Sơn, hầu hết là đất lâm nghiệp, kể cả nơi người dân đang sản xuất nông nghiệp và làm nhà ở. Những diện tích đất đai này, giai đoạn năm 2004 - 2005, Nhà nước đã giao cho người dân quản lý sử dụng theo Nghị định 163/1999/NĐ-CP.
Năm 2007, qua rà soát 3 loại rừng, quy hoạch rừng phòng hộ ra đời (tại Quyết định số 482/QĐ-UBND.NN ngày 02/02/2007). Bởi quy hoạch này, một phần diện tích đất đai mà cư dân nơi đây đang sử dụng vào mục đích làm nhà ở, vườn tược, sản xuất nông nghiệp đã trở thành đất rừng phòng hộ.
Vì vậy, những năm gần đây, khi Nhà nước có chủ trương đẩy mạnh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân, thì xóm 22 không thể thực hiện, gây nên những băn khoăn, lo lắng.
Ông Phùng Văn Sơn nói: “Chúng tôi rất mong các cấp ngành có thẩm quyền cho thực hiện rà soát, kiểm tra lại thực tế sử dụng đất lâm nghiệp, bao gồm cả đất rừng phòng hộ và đất rừng sản xuất ở xóm 22, để qua đó cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhân dân. Đây là một nội dung đã được kiến nghị nhiều lần nhưng vẫn chưa được xem xét giải quyết...”.
Ở xã Quỳnh Vinh, các cán bộ có liên quan xác nhận về những bất cập phát sinh từ việc quy hoạch đất lâm nghiệp cho rừng phòng hộ. Và bất cập này không chỉ xảy ra đối với xóm 22, mà còn đối với một số xóm khác trên địa bàn.
Cán bộ địa chính - nông nghiệp xã Quỳnh Vinh là anh Lê Đăng Hiệp cho biết, toàn xã có trên 2.192 ha đất lâm nghiệp; trong đó, có 1.381 ha đất rừng sản xuất Nhà nước giao cho người dân theo Nghị định 163 và 811ha đất rừng phòng hộ.
Trên diện tích 811 ha đất rừng phòng hộ, chỉ có 48 ha rừng khoanh nuôi tự nhiên, đảm bảo tính chất phòng hộ; có hơn 30 ha đất rừng phòng hộ nhưng người dân đang sử dụng vào mục đích đất ở, đất sản xuất trồng cây hàng năm và lâu năm; diện tích còn lại trên 700 ha là rừng trồng của người dân.
Anh Lê Đăng Hiệp trao đổi: “Nguyện vọng của người dân là muốn cấp thẩm quyền cho rà soát, đánh giá đúng thực trạng sử dụng đất để có phân loại đất đai chính xác. Đâu là đất sử dụng vào mục đích đất ở, đất vườn, đất sản xuất nông nghiệp; đâu là đất lâm nghiệp dành cho rừng sản xuất, rừng phòng hộ. Từ đó, đo đạc cấp quyền sử dụng đất cho người dân. Chính quyền xã Quỳnh Vinh cũng mong muốn cấp trên giải quyết nội dung này”.
Rà soát, xử lý tồn tại
Ở UBND TX. Hoàng Mai, khi trao đổi về vấn đề quy hoạch đất lâm nghiệp cho rừng phòng hộ, các cán bộ Phòng TN&MT đã chỉ ra rằng, Ban Quản lý rừng phòng hộ Quỳnh Lưu (đơn vị quản lý rừng phòng hộ trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu và TX.Hoàng Mai) hiện nay hầu như chỉ quản lý về mặt quy hoạch chứ không quản lý được đất đai và tài sản trên đất.
Bởi về đất đai, Nhà nước đã giao quyền sử dụng đất cho dân từ những năm trước khi có quy hoạch rừng phòng hộ; bên cạnh đó, tài sản trên đất, cũng là do người dân đầu tư.
Theo ông Phạm Văn Hào - Trưởng phòng TN&MT: Những bất cập phát sinh từ quy hoạch rừng phòng hộ ở xã Quỳnh Vinh cũng tồn tại ở xã Quỳnh Trang, Quỳnh Lộc, Quỳnh Lập...
Theo ông Phạm Văn Hào - Trưởng phòng TN&MT: Những bất cập phát sinh từ quy hoạch rừng phòng hộ ở xã Quỳnh Vinh cũng tồn tại ở xã Quỳnh Trang, Quỳnh Lộc, Quỳnh Lập...
Trước thực tế đất lâm nghiệp nói chung và đất rừng phòng hộ nói riêng, có tình trạng xen lẫn đất sản xuất nông nghiệp; hoặc trên hồ sơ là đất lâm nghiệp, nhưng thực tế người dân sản xuất nông nghiệp từ nhiều năm qua, UBND thị xã đang có kế hoạch giao phòng chuyên môn phối hợp chính quyền các xã và các cơ quan liên quan thực hiện rà soát lại hiện trạng sử dụng đất lâm nghiệp trên toàn địa bàn, sau đó sẽ tổng hợp báo cáo cấp thẩm quyền để có sự chỉ đạo xử lý.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Anh Văn - Trưởng ban Tuyên giáo Thị ủy Hoàng Mai cho biết, Ban Thường vụ Thị ủy Hoàng Mai đã thống nhất ban hành Chỉ thị về việc tăng cường công tác quản lý đất đai. Theo chỉ thị, giao cho UBND thị xã xây dựng kế hoạch cụ thể giai đoạn 2018 - 2021, rà soát, thống kê các loại đất, đặc biệt quan tâm đất nông nghiệp, lâm nghiệp, đánh giá chính xác hiện trạng sử dụng đất; để từ đó đề ra các giải pháp, kiến nghị lên cấp trên chỉ đạo xử lý các tồn tại, hạn chế.
Theo một cán bộ kỹ thuật của Ban Quản lý rừng phòng hộ Quỳnh Lưu, việc không trực tiếp nắm giữ được quỹ đất lâm nghiệp đã quy hoạch cho rừng phòng hộ là một hạn chế lớn của Ban.Cán bộ này trao đổi: “Lý ra thời điểm thành lập Ban năm 2007, cần phải thực hiện thu hồi được quỹ đất quy hoạch rừng phòng hộ đã giao cho người dân quản lý sử dụng. Vì đất đai đến nay vẫn do người dân quản lý sử dụng nên việc bảo vệ, phát triển rừng phòng hộ gặp rất nhiều khó khăn...”.
Còn với Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Quỳnh Lưu, ông Dương Minh Ngọc, chủ trương rà soát đánh giá lại thực trạng sử dụng đất lâm nghiệp để xử lý các tồn tại, bất cập của TX. Hoàng Mai là cần thiết.
Ông Ngọc nói: “Không chỉ TX. Hoàng Mai mà cả huyện Quỳnh Lưu cũng cần rà soát đánh giá lại tiêu chí phòng hộ. Những khu vực xung yếu cần xác định phát triển rừng phòng hộ thì Nhà nước có sự đầu tư, quản lý; còn đối với những khu vực quy hoạch rừng phòng hộ nhưng không phù hợp, đang do người dân quản lý sử dụng thì đưa ra khỏi quy hoạch...”.