Kỳ tích và thành tích

Người viết xin bắt đầu câu chuyện từ cuộc gặp của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với ĐT Việt Nam sau chức vô địch AFF Cup 2018. Khi Thủ tướng bắt tay gần hết ban huấn luyện và cầu thủ một vòng thì bất ngờ hỏi tên "bầu" Đức (ông Đoàn Nguyên Đức) sao không có mặt.

"Hôm nay có đông đủ mọi người, có cả "bầu" Hiển (ông Đỗ Quang Hiển) mà sao lại không có "bầu" Đức?" - Thủ tướng nói. Sau khi biểu dương ĐT Việt Nam, Thủ tướng nói về vai trò của những người như "bầu" Hiển, "bầu" Đức. Thủ tướng cũng khẳng định "bầu" Đức, "bầu" Hiển đều là những người tâm huyết và đóng góp nhiều cho bóng đá Việt Nam. Thủ tướng đánh giá cao các câu lạc bộ đã đào tạo được lứa cầu thủ chất lượng chuyên môn cao, đóng góp nhiều cầu thủ tài năng cho Đội tuyển, trong đó có công lớn của "bầu" Đức, "bầu" Hiển…

***

Công bằng mà nói, thành công của bóng đá Việt Nam thời gian qua là có hệ thống, mang đậm những đóng góp và nỗ lực thầm lặng của “bầu” Đức và “bầu Hiển”. Và nòng cốt ĐTQG trong những năm qua được cấu thành chính từ hai lò đào tạo HAGL và Hà Nội, cùng với những lò đào tạo khác như SLNA, Viettel, PVF…

Bắt đầu từ việc ĐT U19 Việt Nam với những Quang Hải, Tiến Dũng, Văn Hậu… thắng lớn tại VCK U19 châu Á năm 2016, làm nên kỳ tích khi lần đầu giành vé tham dự một kỳ World Cup. Tại VCK U23 châu Á, là một kỳ tích nữa khi chúng ta thắng kịch tích những đội tuyển mạnh, vào đến trận đấu cuối cùng. Các chuyên gia gọi đây là kỳ tích vì nó hội tụ đầy đủ yếu tố may mắn, thiên thời, địa lợi, nhân hòa và gần như chỉ đến một lần, rất khó lặp lại. Không lâu sau, ĐT Olympic Việt Nam tiếp tục gây ấn tượng, lần đầu tiên lọt vào một kỳ bán kết một kỳ Asiad, chơi ngang ngửa với Nhật Bản, Hàn Quốc.

bna_tuong51598066_16122018.jpgĐT Việt Nam lên ngôi tại AFF Cup 2018. Thời khắc 10 năm chờ đợi của cả dân tộc Việt Nam. Ảnh: Trung Kiên

ĐT Việt Nam bước vào chiến dịch AFF Cup 2018 với áp lực vô địch xen lẫn sự tự tin có được từ những thành công trên đấu trường châu lục trước đó. Với một lứa cầu thủ tài năng, được cả Đông Nam Á đánh giá là thế hệ vàng thì chức vô địch sau 10 năm là vô cùng ấn tượng, từ việc đánh bại Malaysia tại vòng bảng, thắng Philippines tại bán kết lẫn hạ đo ván Malaysia hai trận chung kết đi và về. Tất cả đều diễn ra một cách thuận lợi và nằm trong những tính toán của HLV Park Hang-seo.

Không thể phủ nhận tài cầm quân lão làng và linh hoạt, thực dụng của ông Park, nhưng cũng phải nhấn mạnh, ông thầy người Hàn Quốc đến Việt Nam trong thời điểm nền bóng đá này vừa trải qua hàng loạt thất bại. Sau SEA Games 29, sau AFF Cup 2016, các cầu thủ trẻ đạt đến độ chín và được rèn dũa từ những thất bại cay đắng, những bài học đắt giá. Và HLV Park là người vừa thừa hưởng, vừa dày công dọn dẹp. Mà về mặt chuyên môn, HLV Park đã khai thác triệt để sức mạnh của đội tuyển, dẫn đến những thành công liên tiếp. Đó là khả năng chơi phòng ngự - phản công biến hóa với sơ đồ chiến thuật 3 trung vệ, 2 hậu vệ biên, 2 tiền vệ trung tâm và 1 trung phong.

Khoảng lặng sau đỉnh vinh quang

Tại AFF Cup 2018, Thái Lan mang đến một nỗi thất vọng khi dừng bước tại bán kết trước Malaysia. Tuy nhiên, chính truyền thông Malaysia cũng đánh giá đội tuyển này mới là số 1 tại Đông Nam Á. Mọi chuyện sẽ hoàn toàn khác nếu Thái Lan có đủ bộ tứ ngôi sao Chanathip Songkrasin, Teerasil Dangda, Kawin Thamsatchanan và Theerathon Bunmathan tại giải đấu vừa rồi.

Khi mà Việt Nam nâng chiếc Cúp vô địch AFF mà Thái Lan đã 5 lần lên ngôi và 3 lần giành ngôi Á quân thì Chanathip Songkrasin lọt vào đội hình tiêu biểu gồm 11 cầu thủ xuất sắc nhất của J.League (giải đấu cao nhất của bóng đá Nhật Bản). Hiện tại, Messi Thái Lan đang khoác áo CLB Sapporo, đội bóng cũ của cựu tiền đạo ĐT Việt Nam Lê Công Vinh. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, một cầu thủ thuộc Đông Nam Á được tôn vinh trong ở đội hình xuất sắc nhất mùa giải ở J.League.

Thái Lan vẫn đi trước cả bóng đá khu vực một bước và đã thành công với kế hoạch đưa cầu thủ “xuất ngoại” thi đấu tại châu Âu lẫn châu Á. Tại sân chơi châu Á lẫn vòng loại World Cup, Thái Lan chưa thành công nhưng nhìn vào hệ thống đào tạo trẻ, mô hình hoạt động của các CLB và chất lượng giải VĐQG thì đó vẫn là một giấc mơ với bóng đá Việt Nam. Với bất kỳ nền bóng đá nào, chất lượng giải quốc nội là xương sống của một đội tuyển.

Lại nhắc đến cuộc gặp của Thủ tướng với ĐT Việt Nam, Thủ tướng cũng lưu ý, phải liêm chính trong các công việc của VFF, ai làm điều gì ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của bóng đá Việt Nam sẽ xử lý.

 “Không có điều gì mà Thủ tướng không biết ở VFF. Để xây dựng, phải có tính chuyên nghiệp. Đề nghị VFF phải có chính sách tốt, cầu thủ, HLV tốt để bóng đá Việt Nam phát triển bền vững”.

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Thành tích của Hà Nội tại AFC Champions League sẽ là bộ mặt của bóng đá Việt Nam trong năm 2019. Ảnh: VPF

Khán giả Việt Nam vốn đã quen với những lùm xùm tại các giải VĐQG như trọng tài, các trận đấu bạo lực, những tranh cãi trong nội bộ VFF, VPF hoặc giữa những ông bầu. Cách tổ chức của Liên đoàn bóng đá Việt Nam và hướng đi của nền bóng đá vẫn còn mông lung và còn mang nặng tính “thời vụ”. Không còn cách làm “xây nhà từ nóc” và kỳ tích tại VCK U23 châu Á, thành tích tại Asiad và chức vô địch AFF Cup 2018 chính là quả ngọt sau một thời gian dài bóng đá Việt Nam chú trọng vào công tác đào tạo trẻ.

Đó có thể xem là kết quả của một cuộc thử nghiệm rằng chúng ta có thể làm được nếu chúng ta thực sự đầu tư một cách nghiêm túc, có chiến lược. Không có ngọn lửa nào cháy mãi, muốn bóng đá thăng hoa, chúng ta cần phải có nguồn nhiên liệu. Giống như bài học của Myanmar, họ cũng nhào nặn nên một lứa cầu thủ chất lượng từng lọt vào VCK U20 World Cup như Việt Nam nhưng đã không thể duy trì, không làm nên trò trống gì.

Khi mà Anh Đức, Văn Quyết và Trọng Hoàng sẽ phải lui về nhường lại đất diễn cho các đàn em, chúng ta cần một lứa cầu thủ kế cận. Tại VCK U19 châu Á 2018, thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn thất bại và sau lứa Quang Hải, những tân binh được HLV Park gọi tập trung ĐTQG lần này có bao nhiêu nhân tố mới đáng kỳ vọng. Học viện HAGL JMG mới chỉ cho ra lò 1 lứa cầu thủ xuất chúng như Công Phượng, Văn Thanh và đây là một bài toán không mới. Những tài năng bóng đá Việt Nam vẫn lẩn khuất ở đâu đó, nơi các vùng quê xa xôi.

“Được mùa lúa, úa mùa cau”. Sẽ có những ngôi sao sa sút phong độ, sẽ có những cầu thủ quá tuổi và SEA Games cần thêm những nhân tố mới. Tất cả đều trông vào các lò đào tạo và nhìn từ giải VĐQG. Những mặt cỏ tại V.League vẫn còn nham nhở, những đội bóng giàu truyền thống như SLNA, Nam Định, Đồng Tháp... vẫn chật vật tìm đường sống. Một ĐTQG, một nền bóng đá tồn tại nhiều bất cập không thể chỉ trông cậy mãi vào sự tâm huyết của các ông bầu.

Lứa Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường... là lứa cầu thủ tốt nhất mà HAGL JMG sản sinh ra. Ảnh: ST

Bây giờ hay đến bao giờ?

Mới đây, HLV Park tự tin phát biểu, ông và bóng đá Việt Nam đặt mục tiêu vô địch châu Á. Chiến lược gia người Hàn Quốc dựa vào cơ sở nào để mơ về điều đó? ĐT Việt Nam đã thăng một mạch vào Top 100 trên BXH FIFA nhưng có vẻ như chúng ta vẫn chưa vượt qua người Thái. Và nếu như đã vượt Thái, Asian Cup 2019 tới đây, thành tích của đội tuyển sẽ là minh chứng rõ nhất.

Tuy nhiên tại Asian Cup 2019, HLV Park không còn có Anh Đức, Văn Quyết, thậm chí là cả Trọng Hoàng. ĐT Việt Nam đã bổ sung những tân binh như Minh Vương, Tấn Tài, Văn Đại, Thanh Bình… Có vẻ như HLV Park đang nhen nhóm muốn trẻ hóa lực lượng, tiến đến SEA Games vào năm 2019, mặt khác đặt mục tiêu lọt qua vòng bảng giải đấu tầm châu lục.

Đến thời điểm này, tương lai của HLV Park vẫn là một dấu hỏi. Nếu thầy Park được gia hạn hợp đồng, ông sẽ vẫn dẫn dắt Việt Nam tại SEA Games. Còn không, Asian Cup 2019 sẽ là canh bạc tất tay của chiến lược gia này bất chấp chuyện tương lai và mối lương duyên của ông với bóng đá Việt Nam.

Bơi ra biển lớn, vươn tầm châu lục không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Những ĐTQG hàng đầu như Hàn Quốc, Nhật Bản, Iran… có đẳng cấp và khoảng cách lớn khác biệt các đội tuyển trẻ của họ. Và sau Asian Cup 2019, bóng đá Việt Nam cần được làm mới dựa trên những thành công sẵn có.  

Lần đầu tiên chúng ta đặt mục tiêu vươn tầm châu lục và con người là yếu tố quyết định. Chẳng thế mà khi Hà Nội chuẩn bị tham dự đấu trường AFC Champions League, VPF ngay lập tức gia tăng số lượng ngoại binh đăng ký V.League lên thành 3 cầu thủ ngoại + 1 nhập tịch. CLB Hà Nội là hình mẫu, vượt trội so với phần còn lại của V.League và là niềm hy vọng của bóng đá Việt Nam. Thành tích của CLB Hà Nội cũng chính là một phần câu trả lời cho tham vọng vươn tầm châu lục của chúng ta.

Hậu vệ Đoàn Văn Hậu - cầu thủ hiếm hoi của đội tuyển Việt Nam cao trên 1m85. Ảnh: Trung Kiên

Muốn vươn tầm châu lục, thế giới thì các cầu thủ Việt Nam còn cần phải cải thiện, nâng cao rất nhiều về thể hình, thể lực. Nói cách khác là cải thiện nòi giống. Người Việt Nam ta nói riêng, người Đông Nam Á nói chung vốn rất thiệt thòi về thể hình, thể lực so với các cầu thủ Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Phi, thậm chí so với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước Tây Á. Đó cũng là một phần nguyên nhân thất bại của bóng đá Thái Lan, dù các cầu thủ Thái Lan có kỹ, chiến thuật tốt, tinh thần thi đấu tốt nhưng vẫn thua thiệt khi va chạm đua sức hay đua tốc độ. Ngay cả Hàn Quốc, Nhật Bản vẫn thua thiệt so với các cầu thủ Châu Âu trong tì đè, còn Việt Nam với các đội tuyển trong châu Á vẫn còn một trời một vực.

Bài toán thứ 2 là nguồn kinh tế để đầu tư vào bóng đá. Thành công của đội tuyển vừa qua không khiến người hâm mộ Nam Định khỏi trăn trở về bóng đá tỉnh nhà. FLC Thanh Hóa cũng vừa chứng kiến một cuộc chuyển giao không nhiều kỳ vọng. SLNA - đội bóng đóng góp 3 tuyển thủ Trọng Hoàng, Ngọc Hải, Văn Đức đang thấp thỏm đợi nhà tài trợ mới. Năm 2018 chứng kiến một năm thành công của bóng đá Việt Nam và không thể phủ nhận vai trò của VFF. Tuy nhiên, nếu nhìn vào bộ mặt chung của các CLB tại V.League, khoảng cách vẫn còn quá lớn.

Muốn bóng đá phát triển, cần có nguồn tài trợ đầu tư vào bóng đá trẻ, và muốn có tài trợ, cần phải có thành tích. Nếu một công đoạn trên bị gãy, quy trình buộc phải thực hiện lại. Đội tuyển đang sở hữu nhiều thành tích châu lục lẫn khu vực là cơ hội cho V.League 2019 có một luồng sinh khí mới. Và những bài toán nói trên, đặt ra cho VFF - cơ quan đầu não của bóng đá Việt Nam những nhiệm vụ cụ thể, trong đó có nhiệm vụ dẫn dắt những thành viên cùng nhìn về một hướng./.