Dường như số phận V.League 2021 khó sẽ thay đổi, phải lùi sang năm sau. Chắc chắn ông bầu mới của SLNA phải tính đến đường đi riêng cho mình để trụ hạng thành công.
Phương án khả dĩ
Mặc dù phương án lùi V-League sang tháng 2/2022 phải chờ BCH VFF quyết định nhưng thực tình khó có một quyết định khác. Người ta không thể tìm đâu ra khoảng trống tối thiểu 23 ngày đến đá nốt tối đa 8 vòng đấu. Còn việc chia nhỏ ra các gói để đá kiểu “du kích” thì không phù hợp vì vòng đấu thứ 13 thì phải đồng loạt thi đấu cùng giờ, tính chất sinh tử của giai đoạn 2 cũng không thể mạo hiểm tổ chức như thế.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, trong khi lịch thi đấu của U23 và tuyển Việt Nam gần như kín hoặc đóng binh bất động hoặc dời lịch.Tại thời điểm này bất cứ quyết định nào về tổ chức thi đấu, dù sân không khán giả đều được cho là không phù hợp.
Ngay cả đề xuất của VPF đến VFF cho phép vòng 13 V-League 2021 tổ chức vào ngày 12/2/202; giai đoạn 2 của LS V-League 2021 đá từ ngày 16/2 – 12/3/2022 với 2 nhóm đua vô địch (6 đội) và nhóm đua trụ hạng (8 đội) cũng chỉ là dự báo xa. Lúc này thẩm quyền tổ chức các hoạt động thể thao không còn phụ thuộc VPF và VFF, theo luật nó thuộc chính quyền các địa phương.
Lúc này nói đến chức vô địch hay cuộc đua trụ hạng V.League 2021 vẫn đang còn là quá sớm, dù HAGL đội đang đầu BXH và SLNA, đội đứng chót đều cách đội gần nhất 3 điểm. Nhưng câu chuyện SLNA phải đi dự cuộc đua trụ hạng là điều không thể bàn cãi nữa. Vấn đề làm thế nào để 7 tháng tiếp theo SLNA trụ hạng thành công?
Bốn vấn đề của SLNA
Vấn đề đầu tiên, phải tránh lạc quan tếu cho rằng sự “cứu viện” kịp thời của Tân Long đã đảm bảo cho SLNA trụ hạng thành công. Tân Long đã có mặt kịp thời, bằng nguồn tài chính mới SLNA mới đỡ được cú sút trực diện mang tên “tài chính”, tiền đề để SLNA có thể trụ hạng thành công.
Tiếp theo, không được chủ quan cho rằng việc SLNA là đội có lợi thế khi V.League 2021 bị lùi lại. “Dễ ta, dễ người” và quá trình chuẩn bị của các đội là đối thủ trực tiếp trong cuộc đua trụ hạng của Hải Phòng, Sài Gòn, TP.HCM thì họ cũng không để lãng phí thời gian.
7 tháng là quãng thời gian chuẩn bị hoàn toàn khác mà BHL SLNA phải chuẩn bị giáo án mới. Câu chuyện ngoại binh cũng phải tính toán lại bởi chắc chắn các đối thủ đều biết tận dụng cơ hội này để tuyển các cầu thủ có chất lượng cho cuộc đua trụ hạng. Nhìn danh sách các ngoại binh, kể cả Olaha cũng chỉ được đánh giá mức độ trung bình khá tại V.League, không ở mức độ “gánh team” như sự kỳ vọng của nhiều người. Được biết, các đội dự cuộc đua trụ hạng đều đã tính đến việc thay đổi ngoại binh, xem đây là giải pháp quan trọng.
Sau cuộc tuyển quân của Hải Phòng sử dụng khá nhiều cầu thủ HAGL cho cuộc đua trụ hạng chắc chắn sẽ có nhiều cuộc “vay, mượn” cầu thủ bất ngờ, bí mật. Vấn đề của SLNA là lực lượng nội binh sau khi đôn 5 cầu thủ U21 lên đội 1 đã đủ sức cho cuộc đua nước rút chưa? SLNA có nhất thiết phải tham gia cuộc chơi chỉ dùng cầu thủ do mình đào tạo hay không?
Vấn đề cuối cùng, BHL SLNA phải có giáo án để đảm bảo sự hưng phấn cho các cầu thủ trẻ trong điều kiện phải tập chay suốt 7 tháng trời. Từ khi Tân Long xuất hiện đã tạo ra một luồng không khí mới cho BHL, cầu thủ SLNA theo hướng tích cực và họ cần phải duy trì cảm xúc này trong thời gian dài sắp tới.