GS Hà Văn Tấn sinh ngày 16/8/1937, tại Tiên Điền, Nghi Xuân (Hà Tĩnh), trong một dòng họ có truyền thống khoa bảng. Dòng họ này có các danh nhân như TS. Hà Tôn Mục, Thượng thư TS. Hà Tông Trình, Phó bảng Hà Văn Đại... Năm 18 tuổi, khi tốt nghiệp lớp 9 (lúc bấy giờ), Hà Văn Tấn khăn gói ra Hà Nội. Sau 1 năm vừa học, vừa làm, Hà Văn Tấn quyết định vào học Khoa Sử, Đại học Sư phạm.
Năm 1957, tròn 20 tuổi, Hà Văn Tấn tốt nghiệp đại học (đứng thứ hai - Á nguyên) và được giữ lại trường làm cán bộ giảng day bộ môn Lịch sử cổ đại Việt Nam, Đại học Sư phạm. Trong thời gian tập sự, ông vừa giảng dạy, vừa tự học. Trong thời gian này, ông cũng sáng lập bộ môn Phương pháp luận sử học ở Khoa Sử, Trường Đại học Sư phạm.
Nhờ tự học, ông thông thạo chữ Hán, tiếng Pháp, Anh, Nga, Đức, Nhật và có phương pháp học ngoại ngữ độc đáo. Ông học tiếng Đức qua sách Nga, tiếng Nhật qua sách Trung Quốc. Đặc biệt, ông là một trong những nhà sử học đầu tiên của Việt Nam hiện đại có thể đọc được chữ Phạn – ngôn ngữ Ấn Độ cổ đại. Về khả năng ngoại ngữ của Giáo sư Hà Văn Tấn, có câu chuyện vui kể rằng, một hôm các thầy giáo đang đọc sách trong Thư viện Quốc gia, một người quen hỏi: Anh Tấn đã học chữ Tiệp à?. Thầy giật mình: Đâu!. Song khi nhìn lại thì đây là sách tiếng Séc. Thầy nói “do mình biết tiếng Nga… mà chữ Đông Âu (slave) gần nhau nên đọc được”.
Về các công trình của giáo sư Hà Văn Tấn, ngoài các công trình về Khảo cổ học, nổi bật là việc hiệu đính cuốn Dư địa chí của Nguyễn Trãi viết bằng chữ Hán. Khi đó, Hà Văn Tấn mới 23 tuổi. Về việc này, cố GS Phan Huy Lê cho biết, GS Đào Duy Anh đã tin tưởng giao công việc khó khăn này cho ông và nhận xét về công trình của Hà Văn Tấn: “Rất công phu, nghiêm túc, tôi rất hài lòng và tin cậy ở tác giả”. Cũng theo GS Phan Huy Lê, “Tài năng và phong cách khoa học của anh (tức Hà Văn Tấn) đã được bộc lộ ngay trong công trình đầu tay này. Anh rất coi trọng tư liệu, dày công tìm tòi, phát hiện tư liệu mới, giám định, xác minh từng chi tiết trước khi sử dụng”.
Từ năm 1960, Hà Văn Tấn bắt đầu nghiên cứu khảo cổ học, 1 năm sau cùng ông Trần Quốc Vượng viết Sơ yếu khảo cổ học nguyên thủy Việt Nam, trình bày những phát hiện mới về thời đại đồ đá. Ông còn cùng giáo sư Trần Quốc Vượng viết Lịch sử chế độ cộng sản nguyên thủy ở Việt Nam và Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam (tập 1).
Nhiều năm sau đó, một công trình khác của Hà Văn Tấn (viết chung với Phạm Thị Tâm) lại gây tiếng vang lớn. Đó là cuốn Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIIIxuất bản năm 1968. Để viết cuốn sách ấy, Hà Văn Tấn đã phải tham khảo kho tư liệu đồ sộ bằng từ nguồn sử liệu Ba Tư, Ả Rập. Khi đó, Giáo sư Hoàng Xuân Hãn khẳng định, những tư liệu này, trước Hà Văn Tấn, chưa có ai đọc nổi. Nhà phê bình Hoài Thanh khẳng định đây là công trình sử học nghiêm túc nhưng lại cuốn hút như một cuốn tiểu thuyết. Có người đánh giá, đây là “Một kiệt tác sử học”.Vinh dự thay cho 2 tác giả, cuốn Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII được Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc chẳng bao lâu trước khi Người qua đời. Người gửi lời thăm hỏi 2 tác giả Hà Văn Tấn và Phạm Thị Tâm…
Trong suốt cuộc đời làm khoa học, đã công bố gần 300 công trình trên các tạp chí khoa học chuyên ngành trong và ngoài nước, đồng thời hướng dẫn 20 NCS bảo vệ thành công luận án tiến sĩ sử học, khảo cổ học. Với những đóng góp lớn về nghiên cứu và giảng dạy cho nền sử học Việt Nam nói chung và ngành Khảo cổ học nói riêng, Hà Văn Tấn được phong hàm giáo sư (năm 1980), được tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân (năm 1997), Giải thưởng Hồ Chí Minh (năm 2000). Ông được các thế hệ cán bộ và sinh viên Khoa Lịch sử Đại học Tổng hợp Hà Nội phong là một trong tứ trụ (“Lâm, Lê, Tấn, Vượng”) của nền sử học Việt Nam.
Nói về thầy Hà Văn Tấn, bao thế hệ các nhà khoa học, giảng viên, giáo viên, học viên, sinh viên ngành sử và đồng nghiệp đều ngưỡng mộ về một nhà khoa học hàng đầu, một cốt cách, một con người thông tuệ, mẫn cán...
Đối với mảnh đất Nghệ An, Giáo sư Hà Văn Tấn có rất nhiều đóng góp. Khi Trường Đại học sư phạm Vinh còn đi sơ tán vì chiến tranh, Giáo sư Hà Văn Tấn đã được mời về dạy chuyên ngành khảo cổ học. Giáo sư Hà Văn Tấn cũng đã nhiều lần trực tiếp về khai quật các di chỉ khảo cổ học ở Nghệ An và có những phát hiện quý báu về con người, vùng đất đặc biệt này. Ông cũng là một trong những người tham gia viết cuốn Lịch sử Nghệ Tĩnh tập 1.
Với riêng tôi (tác giả bài viết) thật may mắn được Giáo sư Hà Văn Tấn trực tiếp dạy bảo, hướng dẫn môn Khảo cổ khi vừa được Trường Đại học Sư phạm Vinh giữ lại làm cán bộ giảng dạy. Những ngày tháng cơm nắm, cơm đùm cùng với các bạn sinh viên và thầy Hà Văn Tấn đi khai quật tại các di chỉ khảo cổ, được thầy chỉ bảo một cách tỉ mỉ, khoa học thật không thể nào quên.
Giáo sư Hà Văn Tấn, người cuối cùng trong nhóm “tứ trụ” của nền sử học Việt Nam hiện đại qua đời lúc 21h02 ngày 27/11 tại Hà Nội, hưởng thọ 82 tuổi. Xin thành kính thắp nén tâm hương dâng lên thầy - một người con ưu tú của xứ Nghệ.