(Baonghean) - Khi bày tỏ ý định tìm hiểu những nhà nghiên cứu về cụ Phan Bội Châu, tôi được nhà thơ Vân Anh “chỉ dẫn”: Hãy đến gặp tác giả - thầy giáo Chu Văn Thông.
Không chỉ bởi ông đã có sách về cụ Phan được tặng giải Đồng Giải Sách hay năm 2012 do Hội đồng giải thưởng sách Việt Nam (Hội Xuất bản Việt Nam) trao tặng, mà còn bởi ông là một người có thể nói cả ngày về Phan Bội Châu với nguyên nỗi hứng khởi. Bên bàn nước trong căn nhà im lìm nơi con hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Khánh Toàn (TP. Vinh) tôi chờ nhà giáo Chu Văn Thông rời mắt khỏi những trang bản thảo về cụ Phan, để say mê nói với tôi về con người “cả một đời tôi ngưỡng vọng, cả một đời tôi khao khát được viết, như thể một bổn phận của mình”. Cuộc trò chuyện với nhà giáo Chu Văn Thông đã khiến tôi đi hết từ thú vị này đến thú vị khác, bởi không chỉ niềm say mê của ông đã cuốn tôi theo, mà còn bởi tôi nhận ra lịch sử, những góc khuất của nó vẫn tiếp tục được sáng tỏ và những con người đã ghi dấu ấn trong những năm tháng đã qua không bao giờ bị quên lãng…
Nhà giáo Chu Văn Thông. Ảnh: T.V
- Thưa nhà giáo Chu Văn Thông, điều gì đã khiến ông tìm đến và rồi mãi đắm đuối với nhân vật Phan Bội Châu?
- Tôi nguyên là một giáo viên Lịch sử. Ngay từ thời còn là sinh viên trên ghế Trường đại học Tổng hợp Hà Nội, tôi đã được tiếp thu những bài giảng tâm huyết của các thầy giáo về nhà yêu nước - chí sỹ Phan Bội Châu. Trong lòng tôi đã ngưỡng mộ cụ Phan từ những ngày ấy và nuôi khao khát được tìm hiểu kỹ hơn về nhân vật lịch sử đặc biệt này. Năm 1997, luận văn thạc sỹ “Tư tưởng dân chủ của Phan Bội Châu” của tôi được đánh giá xuất sắc, tôi được chuyển tiếp làm luận án tiến sỹ. Thế rồi, vì hoàn cảnh riêng lúc bấy giờ, tôi đành bỏ dở luận án tiến sỹ dù đã viết xong: “Phan Bội Châu ở Nhật”, đó thực sự là một điều đáng tiếc cho riêng tôi, nhưng cũng vì đề tài ấy mà tôi đã viết được sách, cuốn “Phan Bội Châu ở Nhật (1905 - 1909)” do NXB Nghệ An ấn hành và được giải Đồng Giải Sách hay năm 2012.
Nói tôi “đắm đuối” với nhân vật cụ Phan, quả thực cũng không sai. Nhưng có những nhà sử học, nhà nghiên cứu mà tôi vô cùng khâm phục như Giáo sư Chương Thâu còn bỏ ra hơn 50 năm nghiên cứu về cụ Phan, những mong tìm lại, trả lại hết những gì thuộc về giá trị của một con người mà hậu thế chưa thật sự hiểu hết về cụ.
- Vậy theo ông, điều “đặc biệt” ở con người cụ Phan là gì?
- Tôi đã suy ngẫm rất nhiều về những điều “đặc biệt” ở con người đó, con người mà đương thời xem là “người hay chữ nhất nước Nam”, người mà đã gửi lại sau lũy tre làng những gì riêng tư khi kịp hiểu “Trời sinh ra ta không phải ở chốn này” bởi tình yêu nhân quần, yêu nước vẫy gọi…
Có mấy ai “đặc biệt” như cụ Phan, 3 tuổi, nghe mẹ ru bằng bài thơ dài bằng tiếng Tàu, khi mẹ vừa dừng lời, liền đọc lại không thiếu một chữ cho mẹ nghe. 6 tuổi, đến trường, còn chưa biết gì về chữ Hán mà chỉ 2 năm sau, trên 1 vạn chữ đã ở trong đầu, đến mức những thầy đồ nổi tiếng cũng phải thán phục. Sau này, khi phải mở trường học mưu sinh, ngay buổi đầu tiên đã có tới 200 học trò đến đăng ký theo học. Giá như, cứ cam phận vậy, cuộc sống tất sẽ êm đềm hơn. Nhưng có điều gì đó đã mách bảo cụ, sứ mạng của mình không phải ở nơi này. Quyết dứt áo ra đi, viết giấy để 2 người vợ “tự do”, Phan lên đường mà biết mình đi sẽ khó có ngày trở lại. Phan quan niệm “con người ta tôn trọng cái thể sống”. Vậy nên nhìn thấy dân lầm than, thấy nước nô lệ, cụ nóng lòng muốn phải đổi thay kiếp sống cho họ. Cái nỗi nhục, nỗi đau ấy đã bóp nghẹt trái tim cụ mỗi ngày. Cụ quyết đánh Pháp tới cùng để cứu nước, cứu dân. Có thể thấy ở cụ Phan tình yêu thương con người, cụ thể hơn là thương dân cao hơn tất thảy. Quan điểm của cụ cũng rất mở, cụ rất quý trọng đội ngũ trí thức, bao nhiêu người bạn của cụ cũng đều là trí thức của nhà nước phong kiến.
Tôi cũng đã dày công để tìm hiểu, cắt nghĩa tình yêu dân của cụ Phan. Nó bắt nguồn từ hoàn cảnh bấy giờ, nhưng không thể không nhắc đến vai trò của người mẹ tuyệt vời đã sinh ra Phan Bội Châu. Thuở Phan Bội Châu còn nằm trong nôi, thì bà đã kể cho con trai mình nghe những câu chuyện về anh hùng nghĩa khí, những câu chuyện về cha mẹ mình, về quê hương. Cụ Phan lớn lên trong những bài học về đạo lý được mẹ mình truyền dạy qua ca dao, tục ngữ, và tâm hồn cụ được tưới tắm trong dân ca, đặc biệt là ví phường vải. Tình thương dân ấy bắt đầu từ lời mẹ dặn con “còn một bát gạo cũng chia đôi cho người nghèo khổ”…
- Có thể thấy rằng, ông nói và viết về cụ Phan như thể ông được trực tiếp chứng kiến cuộc đời cụ vậy! Ông tiếp cận và nghiên cứu về Phan Bội Châu từ những nguồn nào ạ?
- Khác với nhiều nhân vật lịch sử khác, khác với những cách tiếp cận khác, tôi tìm hiểu về cụ Phan không qua “kênh” thực tế gặp người biết về cụ mà nghe họ kể lại. Tôi không tham khảo bất cứ một quan điểm lịch sử nào trong đánh giá cụ Phan, mà độc lập suy nghĩ, cảm nhận. Trong tay tôi, khi nghiên cứu về cụ chính là 10 tập sách dịch từ chữ Hán của GS Chương Thâu là những tác phẩm của cụ Phan. Đó thực sự là cuộc trò chuyện, tâm sự của tôi với cụ Phan, tôi và cụ Phan, tôi và cụ Phan, thế thôi. Cũng có thể hiểu như đó là tôi đang độc thoại cùng những trang giấy.
- Ngoài cuốn sách được giải Sách hay năm 2012 “Phan Bội Châu ở Nhật (1905 - 1909), được biết ông đã hoàn thành được các tập sách tiếp theo viết về cụ Phan, đó là những cuốn nào ạ? Ông có mong mỏi gì không trong việc nghiên cứu của mình?
- Sau cuốn sách kể trên, tôi đã hoàn thành quyển thứ 2 “Tư tưởng dân chủ của Phan Bội Châu” nạp cho nhà xuất bản Nghệ An bấy lâu, đã duyệt xong nhưng chưa in được vì chưa có kinh phí tỉnh cấp cho in (đây là sách đặt hàng). Thú thực, tôi mong mỏi cuốn sách được in từng ngày. Tôi cũng đang hoàn thành cuốn “Tư tưởng quân sự của Phan Bội Châu”, hình thành đề cương cho các cuốn tiếp theo là: “Tư tưởng triết học của Phan Bội Châu”, “Tư tưởng tôn giáo của Phan Bội Châu”. Hơn 3.000 trang sách sẽ ra đời, giúp cho chính mình được “nhẹ lòng” và cũng để cho bạn đọc ngày nay hiểu hơn về một nhân vật kiệt xuất của quê hương, đất nước. Tôi biết, việc được tài trợ in sách của tỉnh cũng không phải việc dễ, thế nhưng tôi vẫn quyết tâm viết và in, dù được hay không được tài trợ, bởi viết về cụ Phan là niềm đau đáu cả cuộc đời tôi. Tôi sẽ dành quỹ thời gian còn lại của đời mình để tiếp tục nghiên cứu và viết về cụ.
- Cảm ơn nhà giáo Chu Văn Thông về cuộc trò chuyện này!
Thùy Vinh
(Thực hiện)