(Baonghean) - Đầu năm 2015, ông Hoàng Văn Nam, trú tại xóm 13, xã Thanh Hà, huyện Thanh Chương có đơn khiếu tố nội dung: Phòng NN&PTNT huyện tự ý nâng giá phân bón hỗ trợ hộ nghèo. Ngày 31/7/2015, UBND huyện Thanh Chương đã có kết luận nội dung khiếu tố, tuy nhiên, ông Hoàng Văn Nam chưa đồng tình và có đơn "tiếp tố" gửi cơ quan báo chí...

Ông Hoàng Văn Nam là Xóm trưởng xóm 13, xã Thanh Hà (Thanh Chương). Năm 2014, xóm 13 có một số hộ nghèo được cấp phân bón NPK 16:16:8 theo Quyết định Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình 135. Phân bón NPK 16:16:8 được cung ứng tại địa bàn có giá ổn định là 10.000 đồng/kg, trong khi, giá thông báo của Phòng NN&PTNT huyện là 13.000 đồng/kg (liên tục 2 năm 2014, 2015), vậy nên, ông Hoàng Văn Nam cho rằng có sự bất minh và viết đơn khiếu tố. Nội dung khiếu tố của ông Nam đã được giải quyết tại Kết luận số 1461/KL-UBND ngày 31/7/2015 của UBND huyện Thanh Chương. Tuy nhiên, theo ông Nam thì Kết luận số 1461 còn "chưa chuẩn xác và mang tính giải thích chứ chưa phải là kết luận thanh tra...".
images1203841_img_1086.jpgÔng Võ Hữu Hoan, Giám đốc Công ty CP Vật tư nông nghiệp Thanh Chương trao đổi với phóng viên.
Kết luận số 1461/KL-UBND của UBND huyện Thanh Chương có khá nhiều nội dung. Với nội dung tố cáo Phòng NN&PTNT tự ý nâng giá phân bón NPK 16:16:8 hỗ trợ hộ nghèo chênh lệch 3 triệu đồng/tấn được kiểm tra, xác minh như sau: Ngày 29/5/2014, UBND tỉnh có Quyết định số 2347/QĐ-UBND về việc phân bổ kinh phí sự nghiệp dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình 135 năm 2014. UBND huyện đã giao Phòng NN&PTNT triển khai hạng mục hỗ trợ bê lai sind và hỗ trợ phân bón NPK 16:16:8 ở 14 xã. Căn cứ Công văn số 1333/STC-QLG&CS ngày 13/5/2014 của Sở Tài chính về mức giá thực hiện Chương trình 135, trong đó giá phân NPK 16:16:8 là 13.000 đồng/kg; mặt khác, để đảm bảo quyền lợi của nhà cung ứng (vì nguồn kinh phí thực hiện các chính sách hỗ trợ thường chậm), trong khi, việc cung ứng phân bón phải đảm bảo đúng thời vụ nên ngày 3/7/2014, Phòng NN&PTNT huyện đã ký hợp đồng với Công ty CP vật tư nông nghiệp Thanh Chương để cung ứng phân bón với giá 13.000 đồng/kg. Thời điểm này, giá phân bón NPK 16:16:8 trên địa bàn là 10.000 đồng/kg.
Tờ trình, biên bản làm việc về giá phân bón NPK của Phòng NN&PTNT huyện và Công ty CP Vật tư nông nghiệp Thanh Chương.
 
Tuy nhiên, sau khi có nguồn kinh phí của tỉnh, ngày 20/8/2014, Phòng NN&PTNT đã thực hiện việc thanh toán cho Công ty CP vật tư nông nghiệp Thanh Chương. Bởi nguồn kinh phí của tỉnh kịp thời không ảnh hưởng đến quyền lợi của đơn vị cung ứng, ngày 10/9/2014, Phòng NN&PTNT đã có tờ trình đề nghị Tổng Công ty CP vật tư nông nghiệp Nghệ An và Công ty CP vật tư nông nghiệp Thanh Chương  điều chỉnh giá bán theo giá 10.000 đồng/kg. Đề nghị này được Giám đốc Tổng Công ty CP vật tư nông nghiệp Nghệ An đồng ý và giao Công ty CP vật tư nông nghiệp Thanh Chương thực hiện.
 
Ngày 15/9/2014, làm việc với Phòng NN&PTNT, Công ty CP Vật tư nông nghiệp Thanh Chương đã điều chỉnh giá phân bón NPK theo đúng giá 10.000 đồng/kg; đồng thời thống nhất chuyển trả số tiền chênh lệch 3.000 đồng/kg x 130.000 kg (số phân bón đã cung ứng theo chương trình hỗ trợ của dự án 135) = 339.000.000 đồng vào tài khoản của Phòng NN&PTNT sau 30 ngày (kể từ ngày 15/9/2014). Sau đó, Công ty CP vật tư nông nghiệp Thanh Chương có Tờ trình số 04/TTr.VTNN về việc xin hoãn thời gian trả nợ. Và đến ngày 17/7/2015, thì mới thực hiện chuyển trả 339.000.000 đồng vào tài khoản của Phòng NN&PTNT huyện Thanh Chương. 
 
Với kết quả kiểm tra, xác minh, UBND huyện Thanh Chương kết luận: "Việc Phòng NN&PTNT năm 2014 ký hợp đồng cung ứng phân bón NPK 16:16:8 với Công ty CP vật tư nông nghiệp Thanh Chương giá 13.000 đồng/kg là đúng, song không phải tự ý nâng giá như tố cáo...". Đồng thời, chỉ đạo chuyển số tiền 339.000.000 đồng về tài khoản tạm giữ tại Kho bạc huyện và giao Trưởng phòng NN&PTNT tổ chức họp kiểm điểm lãnh đạo phụ trách và cá nhân có liên quan.
 
Nghiên cứu hồ sơ với các văn bản mà UBND huyện Thanh Chương đã nêu tại Kết luận 1461, thấy rõ: Phòng NN&PTNT chưa chặt chẽ công tác tài chính nên dẫn đến có sự hồ nghi là thiếu minh bạch. Thứ nhất, giá phân NPK 16:16:8 cung ứng trên địa bàn có sự chênh lệch lớn với giá của Sở Tài chính (ý kiến tại Công văn số 1333 của Sở Tài chính chỉ có giá trị tham khảo) đưa ra đến 3 triệu đồng/tấn. Vì vậy, dù là để "đảm bảo quyền lợi" cho đơn vị cung ứng, thì tại hợp đồng kinh tế Phòng NN&PTNT chỉ nên sử dụng cụm từ "tạm tính" chứ không phải "chốt" luôn giá 13.000 đồng/kg. Thứ hai, kinh phí của tỉnh thực hiện dự án hỗ trợ Chương trình 135 được chuyển về vào khoảng đầu tháng 8/2014 (theo lời cán bộ Phòng NN&PTNT), trong khi việc thanh lý hợp đồng giữa Phòng NN&PTNT với Công ty CP vật tư nông nghiệp Thanh Chương được thực hiện ngày 21/8/2014. Lý ra, Phòng NN&PTNT phải thực hiện điều chỉnh giá trước khi thanh lý hợp đồng. Chính vì thanh lý hợp đồng, sau đó thực hiện chuyển tiền trước khi điều chỉnh giá, thế nên, đã dẫn đến việc kéo dài nợ đọng của đơn vị cung ứng phân bón sau này. Thứ ba, thể hiện tại Kết luận 1461, Phòng NN&PTNT cho đơn vị cung ứng chậm trả tiền chênh lệch giá tới gần 1 năm trời; và Phòng NN&PTNT không báo cáo với UBND huyện về vấn đề này. Rõ ràng, với việc làm này, dù biện minh thế nào thì Phòng NN&PTNT cũng đã tự quyết một việc vượt quá thẩm quyền được giao.
 
Trao đổi với ông Võ Hữu Hoan, Giám đốc Công ty CP vật tư nông nghiệp Thanh Chương, được ông trình bày rằng, trong nhiều năm qua, giữa huyện và công ty luôn có sự hỗ trợ giúp đỡ nhau trong công việc. Năm 2014, do cán bộ vật tư của công ty lợi dụng chức vụ, gây thất thoát với số tiền rất lớn, đến vài tỷ đồng. Cán bộ vật tư này đã bị truy cứu trách nhiệm, chịu án tù 17 năm tù, tuy nhiên, là người đứng đầu nên ông Hoan phải chịu liên đới trách nhiệm và công ty lâm vào cảnh hết sức khó khăn. Trước tình cảnh đó, Công ty CP vật tư nông nghiệp Thanh Chương đã làm tờ trình đề nghị cho hoãn thời hạn hoàn số tiền chênh lệch 339.000.000 đồng. "Vì tình cảm nên Phòng NN&PTNT linh động chứ hoàn toàn không có gì khuất tất. Tôi xin cam đoan là như vậy..." - ông Võ Hữu Hoan khẳng định.
 
Với Phòng NN&PTNT huyện Thanh Chương, như lý giải của Trưởng phòng Lê Đình Thanh, do cán bộ thuần túy làm công tác chuyên môn, chủ yếu thực hiện tham mưu cho UBND huyện trong lĩnh vực nông nghiệp nên thiếu kinh nghiệm, dẫn đến thiếu chặt chẽ trong công tác tài chính. Với sự việc đã qua, thực sự là một bài học lớn. Trưởng phòng Lê Đình Thanh nói: "Sau khi có Kết luận 1461 của UBND huyện, tại cuộc họp chi bộ vừa qua, Phòng NN&PTNT đã họp kiểm điểm nghiêm túc đối với các cán bộ có liên quan, và rút ra bài học kinh nghiệm để công tác của thời gian tới được thực hiện tốt hơn...".  
 
Qua kiểm tra, xác minh cho thấy, với sự việc hỗ trợ phân bón theo Chương trình 135 năm 2014 ở Thanh Chương, dù không có thất thoát ngân sách, nhưng việc khiếu tố của ông Hoàng Văn Nam cũng có những giá trị đích thực. Đó là giúp huyện Thanh Chương thu hồi khoản tiền chênh lệch giá phân bón NPK 16:16:8 trị giá 339.000.000 đồng; và quan trọng hơn, qua đó chấn chỉnh, nâng cao nhận thức và trình độ của một số cán bộ. Vì vậy, cần rút ra bài học kinh nghiệm trong xử lý và trả lời đơn thư của công dân; đồng thời, cần ghi nhận sự đóng góp của người đã dũng cảm viết đơn khiếu tố...
 
Bài, ảnh: Nhật Lân