(Baonghean) - Báo Nghệ An cuối tuần, số 9802 (ra ngày 13/4/2014) có in phóng sự: “Một cựu binh mong về quê mẹ” của nhóm tác giả Vinh - Khánh - Hoàng.
 
Bài báo ra đời đã gây xúc động mạnh trong lòng bạn đọc. Có những người, như ông Trần Duy Phúc, nguyên Chủ tịch Công đoàn Trường CĐSP Nghệ An, người biết rõ về hoàn cảnh gia đình thầy giáo Đào Lương Thiện, còn mong mỏi báo sẽ viết sâu hơn nữa về cá nhân ông giáo Thiện cũng như những trầm luân mà ông phải gánh chịu. Người khác, như NGƯT Đinh Văn Thông, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, người cùng với vợ mình là nhà giáo Nguyễn Thị Han - nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh, từng có những tháng năm đồng cam, cộng khổ với nhà giáo Đào Lương Thiện, có thông tin đến với tòa soạn và cả gia đình bày tỏ sự cảm thông, chia sẻ...
 
Sau khi bài báo ra đời và nhận được những thông tin trên,  tôi mừng quá, đi ngay đến nhà thầy Thiện. Thật không may, cửa khóa, người con gái chăm sóc ông đi vắng. Tôi đứng bên cửa sổ, nói to lên những chuyện vừa rồi. Hình như ông nghe được, cất lên những tiếng trả lời run rẩy vì cảm động. Còn có thông tin là những cựu giáo viên công tác với ông Thiện  thuở hàn vi bàn tập hợp nhau lại, ra thăm ông. Thế nhưng, mọi người đã không kịp gặp ông lần cuối. Ông đã ra đi vào lúc 2 giờ sáng, ngày 10/5/2014, hưởng thọ 88 tuổi! 
 
Cùng với cụ Trần Long, nhà giáo Đào Lương Thiện là bậc túc nho của làng Vĩnh Tuy (Vĩnh Thành, Yên Thành), tầm văn hóa của ông đã vượt qua “lũy tre làng”.  Hai con người ấy đều có một cuộc đời giông tố và những nỗ lực phi thường, mà lớp hậu thế chúng tôi, khi nghĩ tới cũng phải ngậm ngùi, kính trọng.
Sinh thời, Đào Lương Thiện nổi tiếng là người tự học, sức học của ông thật kỳ lạ, ông học thầy, học bạn, đi công nhân, vào bộ đội, làm thầy giáo cấp 1, cấp 2, cấp 3, dạy học sinh phổ thông, dạy học sinh năng khiếu. Ông là người sành cả: cầm, kỳ, thi họa. Hồi trẻ có tiếng hào hoa, nhưng vẫn cẩn trọng với vợ con, trong đời ông may mắn là có mấy lần được gặp Bác, được nghe Bác nói chuyện. Và cũng thật lạ, là 2 ngôi trường nổi tiếng ở Vĩnh Thành là Trường Tiểu học Vĩnh Thành (nằm dưới chân rú Tháp, nơi Bác Hồ về thăm và nói chuyện ngày 10/12/1961) và Trường THCS Vĩnh Thành (ngôi trường nổi tiếng là Cẩm Bình, Bắc Lý của Nghệ An, giai đoạn 1972 - 1982) đều là do ông lấy đất, động thổ, mở trường.
 
Người ta về hưu là để được nghỉ hưu, còn ông về hưu là để tự học. Cảnh đời buồn, con đi bộ đội rồi mất tích, lại bị tin đồn theo giặc, đến mức vợ ông khóc thê thảm cho tới lúc chẳng thấy gì trước mắt, ông ngồi lặng lẽ bên người vợ mù lòa, mắt hướng ra phía ngõ nhà... Ông trút hết những u uất, những bực dọc, vào công việc tự học... Bắt đầu từ những cuốn từ điển: Tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Trung. Sau này về hưu ở tuổi 60, ông vẫn cặm cụi miệt mài và sau cả chục năm dùi mài, ông đã đọc thạo cả 4 loại ngôn ngữ. Rồi ông tập làm thơ Đường, điếu văn, câu đối, nghiên cứu tử vi, phong thủy, đông y, văn hóa phương Đông. Ông chép lại những kiến thức ấy, cho vào một cái tủ, làm vốn cho con cháu sau này. Hơn 20 năm sau khi về hưu và tự học, ông đã chép cả nghìn trang giấy...
 
Quý thay tấm lòng, trí tuệ của ông giáo Đào Lương Thiện! Viết những dòng này, tôi lại nhớ ngày nào dưới chân Rú Lẻ, dáng ông tiên phong đạo cốt, cặm cụi sách đèn, lòng vững như bàn thạch giữa chốn ba động cuộc đời. Bởi đằng sau cái phong thái đó là giá trị được đúc kết bằng truyền thống, bằng tâm thức văn hóa, mà “những người muôn năm cũ” như ông ra sức bồi đắp cho thế hệ chúng tôi có điểm tựa để vững bước đi lên, dám sống và chịu trách nhiệm trước quê hương, làng xóm!
 
Trần Ngọc Khánh 
(Giáo viên Trường THCS Vĩnh Thành - Yên Thành)