(Baonghean) - Người dân trú tại xã Diễn Kỷ (Diễn Châu) phản ánh: Nhiều năm nay, hàng trăm hộ dân sống gần Xí nghiệp chế biến khoáng sản Diễn Châu phải chịu cảnh sống chung với ô nhiễm bụi đá, tiếng ồn. Người dân đã nhiều lần phản ánh lên các ngành chức năng, song đến nay vẫn chưa được cải thiện...
 
images1029909_4a.jpgXí nghiệp chế biến khoáng sản Diễn Châu đóng tại xã Diễn Kỷ.
 
Từ phản ánh của người dân, chúng tôi tìm về địa phương để xác minh thực tế. Bà Ngô Thị Hoa, trú tại thôn 7, có nhà cách xí nghiệp chế biến khoáng sản 500m, bức xúc cho biết: Nhà máy hoạt động khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn bởi bụi bặm. Mỗi lần lấy quần áo phơi khô đưa vào xếp, chỉ cần rũ nhẹ thì bụi đã tung trắng xóa, bàn ghế mỗi ngày lau mấy lần cũng không sao hết bụi; rồi tiếng ồn phát ra mỗi khi nhà máy xay đá…”. Anh Trần Quốc Toản, gần nhà bà Hoa, bức xúc: Tiếng ồn phát ra mỗi khi nhà máy cho đá vào xay, người lớn buộc phải quen thì đã đành, nhưng tội nhất là trẻ nhỏ thường xuyên giật mình. Nhiều hôm, vừa ẵm cháu đặt xuống giường cho ngủ thì bên nhà máy đổ đá vào xay, lại giật mình, khóc thét... Để xác thực sự việc, bà Phan Thị Nam, nhà cách xí nghiệp không xa dẫn phóng viên xuống bếp chứng kiến. Bà Nam cho biết sáng ra đã lau chùi một lần, nhưng mới 9 giờ thì bụi đã bám đầy xung quanh tủ lạnh, bàn, bếp. Nếu trước khi ăn cơm không tráng lại bát đĩa thì chỉ còn nước ăn cả... bụi. Không chỉ các hộ dân, giáo viên và học sinh Trường THPT Dân lập Quang Trung, gần xí nghiệp này cũng thể hiện rõ bức xúc. Thầy Nguyễn Văn Nam, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Việc xay đá chủ yếu diễn ra vào ban đêm nên nhà trường ít bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn, nhưng bụi đá thì không tránh khỏi. Mặc dù trường cách nhà máy một khoảng đất trống, có cây xanh bao quanh, nhưng bụi thì không sao cản nổi, bàn, ghế phủ một lớp bụi dày dù được lau chùi thường xuyên; nhiều hôm gió nam, nước rót ra uống không kịp thì đã đầy bụi… 
 
Xí nghiệp chế biến khoáng sản Diễn Châu đóng trên địa bàn thôn 7, xã Diễn Kỷ là đơn vị trực thuộc Công ty CP Khoáng sản Nghệ An hoạt động từ hơn chục năm nay. Xí nghiệp chuyên khai thác, chế biến đá vôi trắng. Vì nằm ngay trong khu dân cư nên việc sản xuất ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống người dân xung quanh. Trao đổi về vấn đề này, ông Ngô Văn Tý - Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Kỷ, cho biết: Việc tồn tại xí nghiệp chế biến khoáng sản tại đây là do chuyển giao từ Nhà máy xay Cầu Bùng trước đây. Vì xí nghiệp nằm ngay trong khu dân cư nên việc người dân phản ánh ô nhiễm bởi tiếng ồn, bụi đá là có cơ sở. Ngay trụ sở UBND xã (tại thôn 3 - P.V) cũng bị ảnh hưởng. Vấn đề này, xã cũng như các đoàn liên ngành đã làm việc, kiểm tra tại xí nghiệp và yêu cầu có các biện pháp nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm từ bụi đá. Địa phương đã tạo điều kiện cho xí nghiệp mượn đất xung quanh để trồng cây xanh hạn chế bụi, xí nghiệp cũng đã xử lý bằng biện pháp phun nước xung quanh khu vực sản xuất, nhưng thực tế không tránh khỏi bụi.
 
Trao đổi với phóng viên, ông Sự, Giám đốc Xí nghiệp Chế biến khoáng sản Diễn Châu, cho biết: Xí nghiệp đã nhận được phản ánh của người dân cũng như chính quyền địa phương về vấn đề ô nhiễm do bụi và tiếng ồn trong quá trình sản xuất. Với trách nhiệm của mình, xí nghiệp đã thực hiện các biện pháp khắc phục tại chỗ, từ việc trồng thêm cây xanh, tưới nước... tuy nhiên, để hạn chế tối đa là khó. Hiện nay chúng tôi đang gấp rút việc xây dựng nhà máy ở Khu công nghiệp Nam Cấm, dự kiến vào giữa năm 2015 sẽ di dời.
 
Như vậy, có thể thấy việc người dân xã Diễn Kỷ phản ánh Xí nghiệp Chế biến khoáng sản Diễn Châu trong quá trình sản xuất đã gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân là có. Vì vậy, cùng với việc đẩy nhanh tiến độ hoàn thành nhà máy ở Khu công nghiệp Nam Cấm để sớm di dời, trước mắt, Xí nghiệp Chế biến khoáng sản Diễn Châu cần thường xuyên thực hiện các biện pháp nhằm hạn chế bụi đá, bố trí thời điểm thích hợp để xay đá nhằm hạn chế tiếng ồn, nhất là về ban đêm, cùng với đó các đơn vị chức năng cần tăng cường kiểm tra, nhắc nhở, không để việc sản xuất của nhà máy ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, dẫn đến bức xúc như hiện nay. 
 
 
Quảng An