“Chạy đua” để làm sáng kiến kinh nghiệm
Nhận được thông tin trên, đa phần giáo viên đều bất ngờ và lo lắng bởi đây đã là thời điểm nghỉ hè, thủ tục hồ sơ để công nhận chiến sỹ thi đua cơ sở đã hoàn thành trước đó. Nay phải bổ sung hồ sơ, mà lại là một sáng kiến kinh nghiệm, thực sự là điều vô cùng khó khăn.
Nói về điều này, một giáo viên đã có thành tích bồi dưỡng học sinh giỏi tỉnh ở Trường THCS Hưng Dũng cho biết: Trong hướng dẫn xét các danh hiệu thi đua cuối năm học, văn bản hướng dẫn của thành phố thì những giáo viên có thành tích bồi dưỡng học sinh giỏi tỉnh (giải nhất, nhì, ba) được miễn sáng kiến kinh nghiệm. Nay, buộc chúng tôi bổ sung trong điều kiện gấp rút này thực sự là đánh đố giáo viên. Hơn thế, sáng kiến chỉ được viết trong ba ngày thì cũng khó đạt chất lượng như kỳ vọng và khó thực chất.
Được biết, năm học 2017 – 2018, Trường THCS Hưng Dũng có 5 học sinh được công nhận học sinh giỏi tỉnh và là một trong những năm nhà trường có tỷ lệ đậu học sinh giỏi tỉnh khá cao. Vì thế, việc tập thể nhà trường bình bầu những giáo viên có thành tích bồi dưỡng học sinh giỏi để nhận danh hiệu chiến sỹ thi đua cơ sở được ghi nhận là xứng đáng.
Ngoài đối tượng giáo viên giỏi tỉnh, giáo viên từng được công nhận giáo viên giỏi thành phố cũng phải bổ sung sáng kiến kinh nghiệm. Nói về điều này, cô giáo Phan Thị Thanh – Hiệu trưởng Trường THCS Cửa Nam cho biết: "Để đạt được danh hiệu Chiến sỹ thi đua cơ sở rất khó khăn. Ở trường tôi, xét về các tiêu chí chỉ có 3 giáo viên đạt (chưa đủ chỉ tiêu 15%) và trong đó có một giáo viên được công nhận giáo viên giỏi thành phố năm 2017 – 2018. Sau khi biết được thông tin bổ sung, tôi cũng đã động viên giáo viên và đề nghị giáo viên bổ sung sáng kiến kinh nghiệm từng đi dự giáo viên dạy giỏi thành phố để đủ hồ sơ theo yêu cầu."
Ở Trường THCS Hà Huy Tập, cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Anh – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Ngoài trường THCS Đặng Thai Mai thì các trường THCS còn lại để có một học sinh giỏi tỉnh rất khó khăn và đó là cả sự nỗ lực không ngừng nghỉ của cô và trò. Chính vì thế, tôi cho rằng việc thay thế sáng kiến kinh nghiệm bằng thành tích học sinh giỏi là hoàn toàn xứng đáng và nhiều năm nay thành phố cũng thực hiện như vậy. Điều đó, cũng giúp các giáo viên có thêm động lực để cố gắng và phát huy năng lực của mình..."
Trước đó, với cương vị hiệu trưởng, cô giáo Ngọc Anh cũng đã nhắn tin cho những giáo viên phải bổ sung hồ sơ. Dù qua điện thoại, các giáo viên không có nhiều thắc mắc nhưng cô cho rằng, việc xét hồ sơ theo quy trình cũ là hợp lý hơn vì thực tế để làm được sáng kiến kinh nghiệm không thể một sớm, một chiều là hoàn thành.
“Nặng” thành tích
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Bé – Trưởng phòng Chính trị tư tưởng – Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Sở cũng đã nhận được thông tin trên. Trên cương vị là người làm công tác thi đua khen thưởng của ngành giáo dục, ông cũng nói rằng cách thực hiện của thành phố Vinh chưa sát với hướng dẫn của ngành và các văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Cụ thể, từ năm 2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 35/2015/TT-BGDĐT (31/12/2015) Hướng dẫn công tác thi đua khen thưởng.
Theo đó, với Thông tư này, để xét thi đua khen thưởng cấp cơ sở, sẽ có nhiều tiêu chí được sử dụng để thay thế tiêu chí về sáng kiến kinh nghiệm. Chẳng hạn, với giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở cần đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện trở lên; giáo viên trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh cần đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp trường trở lên;
Ngoài ra, những giáo viên trực tiếp giảng dạy, bồi dưỡng được 01 học sinh đạt giải nhất, nhì, ba trong các kỳ thi cấp tỉnh cũng được công nhận tương đương với các sáng kiến kinh nghiệm...
Tại Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An, sau khi Thông tư 35 chính thức có hiệu lực, Sở cũng đã có văn bản gửi các Phòng Giáo dục và Đào tạo cùng các đơn vị trực thuộc thực hiện. Qua 2 năm triển khai, tất cả giáo viên đều đồng tình bởi việc thay thế này là hợp lý, vừa khuyến khích sự cố gắng của giáo viên nhưng cũng hạn chế tình trạng chạy theo thành tích và hình thức trong việc viết sáng kiến kinh nghiệm.
Ông Nguyễn Trọng Bé cũng cho biết: Thông tư 35 là một văn bản "đặc thù” của ngành giáo dục và trước khi ban hành đã có sự hiệp thương giữa các Bộ, ban, ngành liên quan. Về cá nhân tôi cũng cho rằng, việc thay thế sáng kiến kinh nghiệm bằng thành tích của giáo viên là đúng và hợp lý, hợp tình. Thực tế, để có được một học sinh giỏi, và thành tích giáo viên dạy giỏi các cấp các giáo viên phải nỗ lực, cố gắng rất nhiều. Thành tích này là "người thật, việc thật”.
Trao đổi với Báo Nghệ An về vấn đề trên, ông Hồ Sỹ Tân – Trưởng phòng Nội vụ - UBND thành phố Vinh cũng cho biết: Việc thay đổi này của UBND thành phố là nhằm thực hiện theo hướng dẫn của Ban Thi đua Khen thưởng tỉnh. Trong đó, để được công nhận chiến sỹ thi đua cơ sở, cá nhân cần phải có “ sáng kiến, cải tiến kỹ thuật hoặc áp dụng công nghệ mới để tăng năng suất lao động” (điều 23, Luật Thi đua Khen thưởng). Ngoài ra ông cũng nói rằng: Thông tư 35 của Bộ Giáo dục và Đào tạo là văn bản dưới Luật nên khi xét danh hiệu CSTĐ chúng tôi phải thực hiện đúng theo quy định của pháp luật.
Rõ ràng, với những ý kiến trái chiều này thì để xét chiến sỹ thi đua cơ sở ở ngành giáo dục cần phải có sự thống nhất và chỉ đạo đồng bộ trên toàn tỉnh và để tránh thiệt thòi cho giáo viên. Bên cạnh đó, nếu áp dụng, nên chăng cần phải có lộ trình, hướng dẫn cụ thể từ đầu năm học để các giáo viên chuẩn bị, tránh tình trạng “chạy đua” thời gian để viết sáng kiến kinh nghiệm như hiện nay. Điều đó, vô hình chung cổ vũ cho bệnh thành tích trong ngành giáo dục và gây áp lực cho giáo viên.