Thượng tá Nguyễn Ngọc Hà: "Muốn thi đua giỏi cần làm tốt những điều bình dị nhất"
Đặc biệt, với suy nghĩ, mỗi ngư dân bám biển, vươn khơi cũng chính là một chiến sỹ trên tuyến đầu đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo và lá cờ đỏ sao vàng trên mỗi con thuyền của ngư dân là niềm tự hào, cũng là một cột mốc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, anh đã chỉ đạo thành lập Đội xung kích thanh niên đi vận động quyên góp để rồi hàng tháng phối hợp với các địa phương ven biển tổ chức tặng cờ Tổ quốc và trao quà cho ngư dân.
Kết quả đã có nhiều doanh nghiệp, nhà trường, tổ chức, cá nhân,…đã tham gia đăng ký hàng tháng tặng cờ cho ngư dân.
“Đến nay, chúng tôi đã tặng được gần 10.000 lá cờ Tổ quốc và hàng trăm suất quà cho bà con ngư dân. Tôi thiết nghĩ, ý nghĩa của việc làm này không chỉ dừng lại ở những con số thống kê vật chất đơn thuần mà quan trọng hơn, đó chính là xây dựng được ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc”, Thượng tá Hà chia sẻ.
Với những nỗ lực trong công tác, Thượng tá Nguyễn Ngọc Hà đã vinh dự được công nhận là Chiến sỹ thi đua toàn quân và 6 năm liên tục là Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở. Anh tâm sự: "Mỗi chúng ta phải học Bác từ những việc làm nhỏ nhất, bình dị nhất; có cơ hội là làm ngay không chờ đến chủ trương hay việc lớn mới làm. Việc làm đó phải thường xuyên như ăn cơm, uống nước hàng ngày. Như thế mới là thi đua yêu nước".
Thiếu tá Nguyễn Văn Đạo - Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an tỉnh: "Phong trào thi đua phải có nội dung cụ thể gắn với công việc hàng ngày"
Đồng chí cũng là người đi đầu trong tham mưu cho lãnh đạo Công an tỉnh chỉ đạo quyết liệt công tác cải cách hành chính (CCHC) trên tất cả các lĩnh vực công tác, xem đây là một trong những nhiệm vụ có tính đột phá trong chương trình công tác hàng năm của Công an tỉnh và Công an các đơn vị, địa phương.
Trong công tác tham mưu, đồng chí luôn hướng đến mục tiêu vì nhân dân phục vụ và tạo điều kiện thuận lợi nhất để Công an các đơn vị, địa phương thực hiện hiệu quả nhiệm vụ được giao. Đồng chí đã chỉ đạo thành lập Tổ nghiên cứu tất cả các quy trình, thủ tục về hành chính cả trong nội bộ và ngoài xã hội; trực tiếp khảo sát tại các Phòng và Công an cấp huyện để làm rõ những tồn tại, bất cập trong công tác CCHC; tham mưu cho lãnh đạo Công an tỉnh tổ chức hội nghị đối thoại với tất cả các lực lượng trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính và hội thảo bàn giải pháp về đẩy mạnh công tác CCHC; tổ chức 03 đường dây nóng để tiếp nhận, tham mưu giải quyết kịp thời các kiến nghị, phản ánh của người dân.
Nhờ công tác tham mưu triển khai đồng bộ, quyết liệt của đồng chí mà công tác CCHC trong Công an Nghệ An đã có nhiều điểm đột phá, thiết thực phục vụ nhân dân.
Thấm nhuần lời dạy của Bác "Thi đua là yêu nước, yêu nước là phải thi đua", hàng năm đồng chí luôn là người tiên phong trong mọi nhiệm vụ. Thiếu tá Nguyễn Văn Đạo chia sẻ: "Phong trào thi đua phải có nội dung cụ thể gắn với công việc hằng ngày thì mới tạo được hiệu quả mới có tính thuyết phục cao”.
Ông Trương Đình Thống: Làm giàu được trên chính mảnh đất quê hương chính là yêu nước
Năm 1992, sau khi rời quân ngũ trở về địa phương, nhờ có chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chuyển đổi cơ cấu kinh tế về cây trồng, vật nuôi, chủ trương giao đất giao rừng cho hộ nông dân và các chính sách xóa đói, giảm nghèo, ông Thống quyết định làm kinh tế gia đình bằng mô hình kinh tế trang trại, để thực hiện được mô hình đạt hiệu quả cao, người đàn ông dân tộc Thổ đã mày mò tìm tòi học hỏi ở nhiều nơi và bằng nhiều cách về các mô hình trồng rừng kết hợp nuôi cá và chăn nuôi gia súc gia cầm.
“Tôi mạnh dạn nhận 11 ha đất trống đồi trọc để trồng được 10 ha rừng cây bạch đàn, keo và 1 ha đất trồng cây ăn quả; thầu 3 ha hồ đập của HTX Nông nghiệp để nuôi cá với vốn đầu tư ban đầu là 20 triệu đồng, trong đó đi vay ngân hàng 10 triệu, vay bạn bè, anh em 8 triệu, gia đình tôi tích lũy được 2 triệu”, ông Thống cho biết
Những ngày đầu lập nghiệp đầy khó khăn, khi vừa phải lo trả lãi suất ngân hàng, vừa phải chống chọi với dịch bệnh và thiên tai mưa lũ làm cho những thành quả ban đầu của ông "trôi sông đổ bể". Thế nhưng bằng ý chí vươn lên, ông đã không quản ngại khó khăn để tiếp tục xây dựng mô hình.
“Năm 2005, trong một chuyến đi tham quan ở Tỉnh Đồng Nai tôi thấy người ta chăn nuôi lợn siêu nạc theo hướng công nghiệp. Tôi đã tự mình đặt ra câu hỏi “Tại sao người ta làm được mà mình không làm được?”. Từ đó tôi mạnh dạn xin phép với Đảng ủy, UBND xã xây dựng trang trại chăn nuôi lợn nái, lợn thịt siêu nạc theo hướng công nghiệp hóa”, ông Thống kể.
Giờ đây, với mô hình chăn nuôi lợn thịt siêu nạc, mỗi năm gia đình ông xuất chuồng được từ 1.200 - 1.400 con lợn thịt, bình quân mỗi con là 95kg, giá bình quân 50.000đ/kg, tổng thu nhập khoảng 12 tỷ đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí gia đình ông thu lãi khoảng 750 triệu đồng. Ông còn tận dụng được nguồn phân cho việc chăn nuôi cá, chăm bón cho cây ăn quả thu nhập mỗi năm từ nuôi cá và cây ăn quả là 300 triệu đồng.
Đến nay, hàng năm gia đình ông Thống thu nhập từ trang trại, sau khi trừ các khoản chi phí, cho lãi hơn 1 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 20 lao động thường xuyên với mức lương ổn định 3,5 triệu đồng/tháng/người và lao động thời vụ từ 50 người.
Ông cũng là người trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật và cung cấp con giống cho 5 hộ gia đình xây dựng mô hình trang trại VAC và một số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.
Ông Thống cho rằng mỗi người nông dân cố gắng lao động sản xuất, có ý chí làm giàu trên chính mảnh đất quê hương là thể hiện tinh thần yêu nước rõ nét nhất.