Gần tới ngày Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đặt chân đến Hà Nội, những dự đoán về việc Mỹ sẽ chính thức dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí áp đặt lên Việt Nam ngày càng xuất hiện nhiều trên các phương tiện thông tin truyền thông, khả năng rất lớn là điều đó sẽ trở thành hiện thực.
Ngoài ý nghĩa của một biểu tượng ngoại giao, đánh dấu việc bình thường hóa toàn diện quan hệ giữa hai nước, không thể phủ nhận rằng vũ khí Mỹ rất cần thiết cho quá trình tiến lên hiện đại của Quân đội Nhân dân Việt Nam, do không phải chủng loại nào của Nga cũng có sức mạnh vượt trội và thực sự phù hợp với điều kiện cũng như chiến thuật sử dụng của chúng ta.
Tuy nhiên, bên cạnh việc Việt Nam sẽ mua khí tài quân sự của Mỹ, với chính sách cân bằng cán cân thương mại cũng như để "đáp lễ", liệu phía Hoa Kỳ có tiến tới cấp phép để cho vũ khí do Việt Nam sản xuất tràn vào nước này?
Khả năng trên không phải là không có cơ sở, khi thị trường vũ khí cá nhân tại Mỹ vẫn tràn ngập các loại súng bộ binh có nguồn gốc từ những quốc gia không mấy "thân thiện" như Nga, Trung Quốc...
Dân chơi vũ khí Mỹ trong nhiều thập kỷ qua tỏ ra đặc biệt ưa thích súng trường tấn công AK-47 chế tạo tại Nga cũng như biến thể "anh em" của nó, trong hoàn cảnh các công ty Mỹ đang bị cấm nhập khẩu thêm AK từ Nga, đây có thể xem như một cơ hội để Việt Nam lấp chỗ trống.
Vậy nếu được xuất khẩu vũ khí cá nhân sang Mỹ, đâu sẽ là mặt hàng chủ lực của Việt Nam?
Kho vũ khí của Việt Nam còn rất nhiều súng AK chưa sử dụng, nhưng xuất khẩu số này đi có vẻ kém khả thi do sẽ phải can thiệp sâu vào bên trong cơ cấu. Hơn nữa theo xu thế mới, súng trường bán tại Mỹ cũng đang được người dùng yêu cầu khả năng gắn thêm các loại phụ kiện.
Vì vậy, phương án hiện thực nhất có lẽ là Việt Nam nên xúc tiến để đưa Galil ACE 31/32 nội địa sang bên kia đại dương.
Do là một biến thể sửa đổi từ AK, họ súng Galil giữ nguyên độ tin cậy cũng như sự tương đồng khi thao tác, trong khi sở hữu ưu thế là kiểu dáng "hợp thời trang" hơn và dễ dàng tích hợp thêm kính ngắm hay đèn pin chiến thuật... nhờ 2 đường ray picatinny có sẵn.
Nếu quyết định triển khai kế hoạch trên, Việt Nam cũng nên có thêm cải tiến trên khẩu Galil, đó là sửa đổi sang phiên bản ACE-N với đường ray picatinny kéo dài suốt thân trên cùng loại báng rút tương tự như của M4A1.
Khi đó súng trường tấn công do Việt Nam sản xuất sẽ có kiểu dáng bắt mắt và tính năng không thua kém bất cứ sản phẩm nào, kết hợp với lợi thế giá nhân công rẻ chính là ưu thế cạnh tranh lớn.
Ngoài ra nếu xuất khẩu được Galil ACE sang Mỹ, Việt Nam còn thu về ngoại tệ để đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa lục quân, hạn chế gánh nặng đè lên ngân sách, viễn cảnh trên rất đáng để trông đợi sẽ trở thành hiện thực.
Theo Thế giới trẻ