(Baonghean) - Quan hệ Mỹ - Saudi Arabia lại có nguy cơ “dậy sóng” khi Thượng viện Mỹ thông qua dự luật cho phép những người sống sót và thân nhân của gần 3.000 người thiệt mạng trong vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 kiện chính phủ Saudi Arabia đòi bồi thường tổn thất.
Nếu Tổng thống Barack Obama không thể ngăn cản việc Quốc hội thông qua dự luật như đã cam kết trong chuyến thăm Saudi Arabia hồi tháng 4, viễn cảnh đổ vỡ mối quan hệ với đồng minh tại Trung Đông là rất rõ.
Thông tin rò rỉ
Ngay thời điểm Tổng thống Obama thăm Saudi Arabia, báo chí Mỹ rộ lên thông tin về 28 trang báo cáo bị thất lạc của Ủy ban điều tra vụ 11/9, tập trung vào vai trò của các quốc gia có liên quan. Dù chính quyền Mỹ vẫn chưa chính thức công bố nội dung tài liệu này, song một số nguồn tin cho rằng việc giữ kín 28 trang báo cáo này trong tầng hầm của tòa nhà Quốc hội là “nhằm bảo vệ mối quan hệ Mỹ - Saudi Arabia”.
Bởi vậy, dư luận Mỹ còn sôi sục vì nghi vấn liệu có hay không chuyện chính phủ Mỹ cản trở điều tra hành động bảo trợ của nước ngoài trong vụ 11/9 nhằm bảo vệ các nhân vật cấp cao của đồng minh chiến lược tại Trung Đông.
Một số báo Mỹ, như New York Post, Fox News đã tiến hành khai thác nhiều nguồn tin khác nhau, từ các điều tra viên thuộc Lực lượng đặc nhiệm chống khủng bố hỗn hợp (JTTF) ở Washington D.C cũng như các điều tra viên tại Văn phòng cảnh sát hạt Fairfax - những người từng tham gia điều tra vụ 11/9.
Thông tin mà các cơ quan báo chí điều tra được đều dẫn đến đầu mối là Đại sứ quán Saudi Arabia ở Washington D.C cũng như Lãnh sự quán nước này ở thành phố Los Angeles. Thậm chí tờ New York Post còn nắm được thông tin về những cuộc liên lạc bằng điện thoại giữa một người huấn luyện 2 kẻ không tặc ở San Diego và cơ quan đại diện ngoại giao Saudi Arabia ở Washington D.C.
Những cáo buộc về sự liên quan của Saudi Arabia không phải là mới, nhất là khi có tới 15 trong số 19 tên không tặc tham gia khủng bố mang quốc tịch Saudi Arabia. Tuy nhiên, Saudi Arabia luôn phủ nhận những cáo buộc này, đồng thời khẳng định không có bằng chứng về sự dính líu của chính phủ trong vụ việc.
Bởi vậy, việc Thượng viện Mỹ thông qua dự luật cho phép kiện chính phủ Saudi Arabia đòi bồi thường tổn thất được xem là một đòn mạnh giáng vào lớp bảo vệ mà Saudi Arabia dựng lên từ hơn 10 năm.
Thế khó của nước Mỹ
Dự luật mang tên “Công lý xử phạt phần tử hỗ trợ khủng bố” được đề xuất hồi tháng 9/2015 và nhận được sử ủng hộ từ cả hai đảng tại lưỡng viện, trong đó có cả ứng viên Tổng thống Hillary Clinton và Bernie Sanders. Dự luật đã được Ủy ban Tư pháp Thượng viện thông qua hồi đầu năm nay, và hôm 17/5 lại tiếp tục được Thượng viện thông qua.
Theo quy trình, bản dự luật vẫn cần sự chấp thuận của Hạ viện, và cuối cùng phải được Tổng thống ký ban hành. Dù vậy, ông Obama đã dọa phủ quyết dự luật nếu nó được Hạ viện thông qua vì những rủi ro cho nước Mỹ cũng như công dân. Ngoại trưởng John Kerry cũng từng cảnh báo: “Việc ban hành đạo luật sẽ đẩy Mỹ vào kiện cáo, tước đi quyền miễn trừ chủ quyền quốc gia và tạo ra tiền lệ khủng khiếp”.
Theo luật pháp hiện hành, các quốc gia khác có thể miễn bị kiện ra các tòa án Mỹ ở một mức độ nhất định. Dự luật mới nếu được thông qua sẽ tạo ra một ngoại lệ, đồng thời thúc đẩy các nước khác áp dụng các dự luật tương tự, vì vậy có thể gây nguy hiểm cho nước Mỹ cũng như người dân, các thành viên chính phủ và nhân viên ngoại giao ở nước ngoài.
Bên cạnh rủi ro cho nước Mỹ cũng như công dân, hệ lụy trước mắt của việc lưỡng viện thông qua dự luật là sự đổ vỡ mối quan hệ với đồng minh Saudi Arabia. Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel al-Jubeir từng phát biểu trước giới lập pháp Mỹ tại Washington rằng quốc gia này sẽ bán 750 tỷ USD công trái cùng nhiều tài sản khác tại Mỹ nếu thông qua dự luật.
Động thái này có thể tạo ra một cuộc tháo chạy của hàng loạt nhà đầu tư nước ngoài khỏi thị trường Mỹ. Không những vậy, mối quan hệ đồng minh vốn không còn mặn nồng cũng bị đẩy đến bờ vực đổ vỡ. Với kết cục này, Mỹ sẽ “mất” nhiều hơn “được” khi vẫn rất cần Saudi Arabia trong hàng loạt vấn đề như cuộc chiến chống Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, can thiệp vào thị trường dầu mỏ thế giới…
Vì thế các chuyên gia cho rằng, Tổng thống Barack Obama sẽ tìm mọi cách để ngăn cản việc Quốc hội thông qua dự luật “Công lý xử phạt phần tử hỗ trợ khủng bố”, hoặc chí ít là cũng tìm cách … “hoãn binh”, không để vụ việc ảnh hưởng tới hơn nửa năm cuối cùng của nhiệm kỳ Tổng thống - một nhiệm kỳ đang được đánh dấu bởi hàng loạt “mốc son” như bình thường hóa quan hệ với Cuba, đạt thỏa thuận hạt nhân Iran…
Thúy Ngọc