Mỗi quốc gia một hoàn cảnh, một thói quen và một kiểu kinh doanh nên cũng không lạ khi mùa World Cup nào Việt Nam cũng là một trong số những quốc gia có bản quyền muộn nhất.

Tuy nhiên, theo giới kinh doanh và theo các nhà đài từng có bản quyền World Cup thì việc chậm cũng có cái hay riêng nếu không muốn nói là ý đồ bởi “hàng càng khan hiếm thì giá càng cao”. Và việc “cao” ở đây chính là chuyện làm giá giữa bên bán và người mua (tất nhiên cũng có cả những phần khác trong mua bán). Ngoài ra còn là “cao” giá quảng cáo cho từng spot phút 89 bản quyền được công bố.

Thái Lan, Singapore, Lào mua bản quyền kiểu nào

Theo thông tin được Bangkok Post đăng tải, người dân Thái Lan sẽ được xem World Cup 2018 miễn phí khi 9 doanh nghiệp nước này chung tay chi 1,4 tỉ baht (hơn 1.000 tỉ đồng) để mua bản quyền truyền hình World Cup 2018 phát trên kênh TrueVisions và Amarin TV và kênh 5 của quân đội Thái Lan cũng có thể tiếp sóng.

Trong 9 doanh nghiệp đó có King Power Group (ông chủ đội Leicester City) và Carabao Dang (tài trợ cho giải bóng đá Anh). 9 doanh nghiệp trên sẽ thu lại từ doanh thu quảng cáo dựa trên phần trăm vốn.

062253-1.jpg

Còn với Singapore thì có ba đơn vị truyền thông lớn là Singtel, StarHub và Mediacorp cùng chung tay góp 25 triệu đôla Singapore (hơn 427 tỉ đồng) để lấy quyền phát sóng World Cup 2018.

Khác với Thái Lan, người hâm mộ được xem miễn phí World Cup hoàn toàn thì Singapore khán giả sẽ được xem miễn phí chín trận gồm trận khai mạc, năm trận vòng bảng, bán kết và chung kết.

Còn những ai muốn theo dõi toàn bộ các trận đấu của World Cup 2018 phải mua gói trả trước có giá 70 USD (sau ngày 22/5, gói này sẽ tăng lên thành 83 USD).

Điều khiến nhiều người hâm mộ Việt Nam ngạc nhiên là Lào cũng đã có bản quyền World Cup 2018 từ khá lâu và cũng do các doanh nghiệp hợp tác với nhà đài mang về.

Người hâm mộ Việt Nam sẽ đón nhận tin vui có bản quyền World Cup muộn nhất trong 11 quốc gia Đông Nam Á. Ảnh: GETTY IMAGES

Việt Nam sẽ công bố vào phút 89?

Ở Việt Nam, vấn đề bản quyền truyền hình World Cup 2018 chưa được giải quyết khi các nhà đài đánh giá mức phí đối tác đưa ra quá cao dù dân trong nghề phán chắc nịch: “Kiểu nào rồi cũng có, vấn đề là cách mua, cách thương thảo và cả làm giá” (!?).

Bình luận viên Quang Huy của Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC chia sẻ bản quyền truyền hình World Cup mang tính động viên và trấn an người hâm mộ thời gian qua thấy các quốc gia trong khu vực có mà Việt Nam chưa công bố như sau:

“World Cup 2018 sắp diễn ra nhưng tôi nghĩ đơn vị thương thảo của Việt Nam không có gì phải vội vàng vì người có hàng là đơn vị nắm giữ bản quyền truyền hình World Cup 2018 mà không bán được mới lo. Giá có cao và có đàm phán căng thẳng nhưng tôi tin đến khi World Cup 2018 diễn ra người hâm mộ Việt Nam sẽ được xem, không có gì phải lo lắng. Phút 89 phía Việt Nam sẽ công bố và bao giờ hàng ở phút 89 được tung ra thì cũng là hàng hiếm, hàng độc…”.

Rõ ràng là chỉ có VTV đủ tiềm lực và đủ “hệ thống” mua từ nhà cung cấp Infront Sports & Media. Với “lực” mạnh lại có cả “lực” thu, chắc chắn VTV sẽ phải tính toán và thương thảo để có bản quyền một cách lợi nhất.

Không làm theo kiểu Thái Lan, Singapore hay Lào, Campuchia được vì hệ thống truyền hình Việt Nam ở đặc thù khác nhưng hoàn toàn có thể nói Việt Nam không có bản quyền World Cup là không thể.

Chắc chắn Việt Nam không thể là quốc gia duy nhất trong khu vực Đông Nam Á không có bản quyền World Cup. Vấn đề là khi nào mới công bố. Điều đó có thể diễn ra trong tuần này mà đẹp nhất là sang đầu tháng 6, tháng World Cup.