Trong điều kiện nền kinh tế nước ta còn hạn chế, trình độ khoa học công nghệ còn thấp so với thế giới thì việc khai thác, làm chủ và đảm bảo kỹ thuật cho vũ khí kỹ thuật hiện đại là một yêu cầu bắt buộc và không thể thiếu, nhằm nâng cao sức chiến đấu cho quân đội, nâng cao tiềm lực quốc phòng, chủ động sẵn sàng cho mọi tình huống.
Trên tinh thần đó, Viện Radar thuộc Viện KHCNQS đã phát huy tính sáng tạo và cho ra đời các sản phẩm chuyên ngành đặc thù hữu ích, phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu cho quân đội.
Trên tinh thần đó, trong những năm qua, Viện đã chế tạo thành công hàng trăm đề tài nghiên cứu về các lĩnh vực radar và siêu cao tần. Trong đó có mô hình radar mạng pha điều khiển số BR-12 do Phòng Thí nghiệm Radar thuộc Viện Radar nghiên cứu, thiết kế và chế tạo.
Với sản phẩm là mẫu đài radar BR-12 - là hệ thống radar cảnh giới biển 2 tọa độ tầm gần dùng để phát hiện xác định tọa độ, bám sát quỹ đạo mục tiêu trên mặt nước biển như xuồng cao su, tàu cá, tàu chiến. Và các mục tiêu trên không tốc độ chậm trong vùng phủ sóng của đài như trực thăng, máy bay cánh quạt.
Đài radar này có sai số đo cự ly bằng hoặc nhỉ hơn 10m, sai số đo phương vị nhỏ hơn hoặc bằng 3 độ. Đài gồm hệ thống ăng ten, hệ thống thu phát và hệ thống xử lý hiển thị.
Theo Đại tá – TS Trần Văn Hùng, Viện trưởng Viện Radar, Viện KHCNQS: “Bước đầu Viện đã nắm bắt được công nghệ lõi, từ công nghệ này đảm bảo cho Viện có thể hợp tác tốt với các đối tác để thực hiện phát triển các radar biển cũng như chủ động trong việc thiết kế, chế tạo và đảm bảo khai thác, làm chủ trang bị vũ khí hiện đại”.
Trước khi sản xuất thành công mô hình radar biển BR-12, Việt Nam cũng đã sản xuất thành công và đưa vào trang bị đài radar điều khiển hỏa lực MP-123 dùng cho chiến hạm. Đây là trang bị cảm biến cơ bản trên hầu hết các tàu chiến mới của Hải quân Nhân dân Việt Nam hiện nay.
Radar MP-123 hay còn gọi là hệ thống điều khiển hỏa lực MP-123 được thiết kế để chỉ thị mục tiêu cho nhiều tổ hợp vũ khí trên hạm, ví dụ như pháo hạm AK-100, AK-176, AK-230, AK-630M, AK-726, A-190 và các hệ thống pháo phản lực 122-140mm HPO-MC.
Việc Việt Nam sản xuất thành công hệ thống điều khiển hỏa lực MP-123 đặc biệt ý nghĩa bởi hiện nay, các tàu chiến hiện đại của Hải quân Việt Nam đa số sử dụng pháo hạm AK-176, chỉ còn một ít tàu cũ thời Liên Xô dùng AK-726 hay AK-230.
Theo những thông tin được công khai, MP-123 là hệ thống điều khiển hỏa lực tích hợp nhiều thành phần làm nhiệm vụ phát hiện, theo dõi, chỉ thị mục tiêu để tác chiến. Trong điều kiện bị gây nhiễu điện tử mạnh, MP-123 được trang bị radar quang - điện tử (tích hợp kênh TV và chỉ thị mục tiêu laser) có tầm trinh sát đến 25km.
Việc kết hợp radar điều khiển hỏa lực tiên tiến MP-123, pháo hạm AK-176 vận hành tác chiến rất đơn giản, hiệu quả rất cao. Pháo thủ không cần thiết phải ngồi trong tháp pháo mà thay vào đó có thể ngồi trong phòng điều khiển của tàu chiến để tác xạ.