Ngày 16/9, Bộ Tư pháp Việt Nam chính thức trao giấy phép hoạt động cho hai tổ chức của Hoa Kỳ là Dillon International và Holt International Children’s Services để hoạt động trong lĩnh vực con nuôi nước ngoài tại Việt Nam. Chương trình hợp tác con nuôi giữa hai nước được nối lại sau khi bị ngừng từ năm 2008.
 
images1049221_con_nuoi.jpgChương trình hợp tác con nuôi giữa hai nước được nối lại sau khi bị ngừng từ năm 2008.Ảnh minh họa
 
Hai bên sẽ tiến hành chương trình con nuôi đặc biệt đối với trẻ em có nhu cầu đặc biệt, trẻ từ 5 tuổi trở lên và nhóm trẻ em là anh chị em ruột. Đây là điểm khác biệt giữa việc hợp tác con nuôi hai nước so với thời điểm trước năm 2008.
 
Bà Tiffany Murphy - Trưởng phòng lãnh sự Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội - giải thích, đối tượng con nuôi trong chương trình hợp tác lần này hẹp hơn. Cụ thể, nếu như “danh sách 1” theo phân loại của Bộ Tư pháp là những trẻ em bình thường cần được chăm sóc, nuôi dưỡng và giải quyết làm con nuôi, đối tượng của chương trình con nuôi đặc biệt thuộc “danh sách 2” là những em thuộc nhóm thiệt thòi nhất mà không còn bất kỳ sự lựa chọn nào khác trong nước. Ngoài các trường hợp này, Hoa Kỳ sẽ không giải quyết các trường hợp nhận con nuôi nào khác không thuộc tiêu chí của chương trình con nuôi đặc biệt. 
 
Bà Murphy cho biết, chương trình hợp tác con nuôi được nối lại sau khi Việt Nam tăng cường cam kết cải thiện hệ thống cho nhận con nuôi. Công ước La Hay về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực con nuôi quốc tế (Công ước La Hay) bắt đầu có hiệu lực tại Việt Nam từ 1.2.2012. Đến nay, Chính phủ Việt Nam đã triển khai hàng loạt các bước nhằm cải tiến việc thực thi Công ước, đặc biệt là đối với nhóm trẻ em có nhu cầu đặc biệt, trẻ lớn tuổi và nhóm trẻ em là anh chị em ruột. Luật Con nuôi, nghị định thi hành và các thông tư liên quan đã lần lượt được thông qua và đang được triển khai. Hoa Kỳ hoan nghênh những nỗ lực của Việt Nam nhằm tăng cường hệ thống phúc lợi trẻ em và con nuôi nước ngoài, đồng thời xác định rằng, thông qua chương trình con nuôi đặc biệt, việc nhận con nuôi từ Việt Nam có thể được bắt đầu giải quyết.
 
 “Bộ Tư pháp nắm quyền kiểm soát toàn bộ danh sách, ghép trẻ với danh sách bố mẹ nuôi. Chúng tôi tin Việt Nam có thể giải quyết minh bạch, đạo đức và nhân văn thông qua hệ thống quy trình cho con nuôi chặt chẽ” - bà Murphy nói.
 
Năm 2013, Việt Nam đã giải quyết 334 trường hợp cho trẻ em làm con nuôi ở nước ngoài, trong đó 200 thuộc trường hợp trẻ đặc biệt. Từ đầu năm đến tháng 7 vừa qua, Việt Nam đã giải quyết 274 trường hợp cho làm con nuôi quốc tế. Thống kê cũng cho thấy, Pháp là quốc gia nhận nhiều trẻ làm con nuôi từ Việt Nam nhất, tiếp sau là Italia, Canada và Tây Ban Nha.
 
Theo LĐO