(Baonghean) - Mạng lưới Internet đã phát triển rộng khắp đến cả vùng miền núi cao. Internet đã làm thay đổi mọi mặt đời sống người dân. Song song với những lợi ích mà internet mang lại, là những mặt trái..., Tuy nhiên, hiện nay việc quản lý đang gặp không ít khó khăn, bất cập... 
 
images1049112_internet.jpgChơi game online tại một điểm internet công cộng (TP. Vinh).
 
“Con dao hai lưỡi” 
 
Xã Lượng Minh, một trong những xã vùng sâu, vùng xa huyện rẻo cao Tương Dương nay đã nhiều đổi khác, có điện, đường, trường, trạm và đặc biệt là  “internet đã về  bản”. Chủ tịch UBND  xã Cụt Xuân Minh phấn khởi cho biết: Xã Lượng Minh là 1 trong 5 xã của huyện  Tương Dương tiếp nhận Dự án “Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy cập Internet công cộng tại Việt Nam”. Có internet dân bản mình vui lắm. Người dân được làm quen với việc sử dụng máy tính và internet phục vụ cho cuộc sống, như tìm kiếm thông tin về chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả, các chính sách mới, tình hình thời sự, tìm kiếm tài liệu học tập…”.
 
Như đã biết, sự phát triển như vũ bão của Internet là minh chứng cho thấy những tiện lợi, hữu ích mà Internet mang lại đối với mọi mặt đời sống. Internet hình thành ra các ứng dụng, các trang mạng xã hội như Yahoo, Facebook, Blog... kết nối mọi người với nhau, thực hiện vô số các chức năng giáo dục, nhận thức, thẩm mỹ, giải trí, thông tin...; phục vụ đa dạng các hoạt động của con người, từ học tập, nghiên cứu, kinh doanh, giao lưu gặp gỡ... Trong đó, đáng chú ý là Internet mở ra nhiều cơ hội học tập, phát triển các năng lực bản thân của các cá nhân trong xã hội. Tại các gia đình, các trường học, Internet vừa như người thầy, người bạn, là thư viện, là từ điển, là môi trường học tập, thi đua... giúp ích tích cực cho việc học tập đối với nhiều em học sinh. Từ mạng internet, học sinh từ cấp tiểu học đến cấp phổ thông trung học trên địa bàn tỉnh có thể giao lưu, học hỏi, tham gia thi thố tài năng với các bạn đồng trang lứa trên toàn quốc. Đơn cử năm 2014, em Trần Võ Khôi Nguyên học sinh Trường Tiểu học Thị trấn Dùng (Thanh Chương) tham gia giải Toán qua mạng đã xuất sắc giành Huy chương Vàng, mang lại niềm tự hào cho ngành Giáo dục tỉnh. Internet đem đến môi trường học tập và phương pháp học tập hiện đại, tiện lợi. Trong đó, việc học và thi tiếng Anh qua mạng đang mở ra nhiều cơ hội học tập và tiến bộ của học sinh ở nhiều vùng, miền. Tiêu biểu như em Nguyễn Khánh Huyền, lớp 9C, Trường THCS Lê Hồng Phong (xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên), đã thi đạt giải Ba cấp quốc gia môn thi tiếng Anh qua mạng năm học 2013 - 2014.
 
Anh Phạm Văn Hà (phường Hưng Bình, TP. Vinh) đi lao động ở Anggola – một quốc gia ở miền nam châu Phi, hôm nào cũng trao đổi với con trai là Phạm Phong (học sinh Trường Hermann Gmeiner Vinh, TP. Vinh) qua facebook. Hai bố con anh Hà không chỉ trao đổi tình cảm hằng ngày, mà anh Hà còn căn dặn, hướng dẫn con trai từng môn học, bài học. Nhờ có Internet mà anh Hà giữ được liên hệ với gia đình hàng ngày, giúp cho anh yên tâm chí thú làm ăn, vừa giúp anh quan tâm chăm sóc con cái chuyên tâm học hành tốt.  
 
Hẳn nhiều người vẫn còn nhớ về hiệp sĩ công nghệ thông tin Nguyễn Công Hùng (xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc), bị liệt toàn thân từ nhỏ, chỉ còn cử động được 1 ngón tay. Nhưng Nguyễn Công Hùng vẫn tự học để đến năm 21 tuổi (2003), anh mở Trung tâm tin học dành cho người khuyết tật, sáng lập website mang tên www.nghilucsong.net với nội dung hỗ trợ người khuyết tật tìm kiếm thông tin về việc làm và học tập với hơn 30.000 thành viên khắp thế giới, 100.000 bài viết được sẻ chia. Năm 2005, Nguyễn Công Hùng được Tạp chí Công nghệ - Thông tin eChip trao tặng danh hiệu Hiệp sỹ công nghệ thông tin; từng được trao Giải thưởng “Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu”, Trung tâm Nghị lực sống của anh đoạt giải thưởng đặc biệt về “Cơ sở đào tạo công nghệ thông tin cho người khuyết tật tốt nhất” trong cuộc thi Victa Awards 2010 của Bộ Thông tin và Truyền thông. Vì bệnh tật hiểm nghèo, hiệp sỹ Nguyễn Công Hùng qua đời ngày 31/12/2012 và anh đã để lại tấm gương sáng cho đời về nghị lực sống, đồng thời cũng là để lại bài học quý giá cho thế hệ trẻ rằng khi con người ta biết phát huy, vận dụng tính ưu việt của mạng Internet vào việc phục vụ cuộc sống cho mình và cho mọi người, cho hoạt động khoa học, xã hội và nhân văn thì bất kỳ ai cũng có thể trở thành người hữu ích.
 
Song song với những lợi ích mà internet mang lại, thì Internet cũng là “con dao hai lưỡi” chứa đựng nhiều mặt trái: Do có mâu thuẫn trong khi “chát” trên mạng, Nguyễn Văn Trường (SN 1991), trú tại xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương đã tìm Hoàng Văn Giang (SN 1996), trú tại xã Võ Liệt để nói chuyện. Hai bên xảy ra ẩu đả, Trường đã dùng dao đâm chết Giang. Ngày 13/8/2013, cái giá phải trả, Hoàng bị HĐXX tuyên phạt 15 năm tù và bồi thường cho gia đình bị hại 105 triệu đồng. Hoặc có những vụ án kinh hoàng gây rúng động do các đối tượng nghiện games thực hiện. Vì nghiện games trên mạng Internet, để có tiền trả nợ và tiếp tục chơi games, học lớp 10 Trần Ngọc Quân (SN 1997), trú tại Thị xã Thái Hòa đã giết bà Tô Thị Loan (SN 1957), là bác dâu của Quân, bằng hành vi tàn nhẫn để cướp vàng. Ngày 14/3/2014, TAND tỉnh Nghệ An đã mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử vụ án giết người, cướp tài sản đối với Trần Ngọc Quân. Sau khi xem xét toàn diện các chứng cứ, HĐXX tuyên phạt Trần Ngọc Quân 10 năm tù giam...
 
Ngoài ra, bọn tội phạm công nghệ cao lợi dụng các website để tán phát virus, thu thập thông tin cá nhân nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nguy hiểm nhất là các thế lực thù địch và bọn phản động trong và ngoài nước đang tận dụng các website, blog, mạng xã hội, để tăng cường chống phá, tuyên truyền xuyên tạc các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta, triệt để lợi dụng các vấn đề thời sự, nhạy cảm, được dư luận quan tâm để lôi kéo, kích động nhân dân biểu tình, tụ tập đông người chống đối chính quyền... 
 
Khó trong quản lý
 
TP. Vinh là đơn vị có số lượng cơ sở kinh doanh cao internet nhất tỉnh, hiện có 230 điểm truy cập internet công cộng có giấy phép đăng ký. Các quán “net”, quán games nằm rải khắp trên các đường tại thành phố. Khi được hỏi về nội quy, văn bản quy định về hoạt động internet, các chủ quán “nét” này hầu hết đều trả lời qua loa, không nắm rõ các nội quy, quy định. Theo kết quả thanh tra đột xuất của Sở Thông tin & Truyền thông (TT &TT) tại 88 đại lý trên địa bàn TP. Vinh vào năm 2013, có đến 66/88 đại lý không niêm yết hoặc niêm yết nội quy không đúng quy định tại Nghị định số 97/2008/NĐ-CP của Chính phủ. Những bản nội quy niêm yết phần lớn để đối phó với công tác kiểm tra, không nhằm mục đích cho khách hàng đọc và thực hiện. Về tuân thủ giờ hoạt động có đến 21/88 cơ sở hoạt động quá giờ quy định, để khách hàng chơi trò chơi trực tuyến quá 23h. Các cơ sở kinh doanh này chủ yếu tập trung xung quanh các trường học, trường dạy nghề, trung cấp chuyên nghiệp. 46/88 cơ sở không niêm yết nội quy, tiêu lệnh phòng cháy, chữa cháy và hầu hết các chủ đại lý đều không có chứng chỉ tập huấn về công tác phòng cháy, chữa cháy...       
 
Trong vai người vào quán chơi games tại quán “net” được đặt kinh doanh tại tầng hầm dãy nhà B2 - khu tập thể Quang Trung (TP. Vinh), chọn một máy, chúng tôi thoải mái truy cập bất cứ vào games hay các trang web mà không có phần mềm giám sát. Ngoài ra, trong quán có không gian tối, không đảm bảo tiêu chuẩn về ánh sáng, phòng dưới tầng hầm trong nhà tập thể xây dựng lâu năm nên đã xuống cấp, vi phạm về quy định vệ sinh an toàn và sức khỏe cho người sử dụng dịch vụ. Xung quanh là các games thủ “cố thủ” từ sáng đến tối, đối tượng phần lớn là giới trẻ, luôn ở trạng thái đắm chìm trong “thể giới ảo”. Chủ cửa hàng cho biết: “Vì lợi nhuận, cạnh tranh lẫn nhau, chúng tôi chỉ chú trọng chăm sóc khách hàng về đường truyền chạy có tốt hay không, mà không chú ý khách hàng mình sử dụng games gì và truy cập vào các trang web nội dung xấu hay không”.
 
Đối với miền núi, công tác quản lý internet cũng gặp không ít khó khăn. Tại Bưu điện Văn hóa xã Thạch Giám, huyện Tương Dương, điểm internet công cộng mở cửa cho truy cập miễn phí từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần, buổi sáng từ 9 giờ - 10 giờ, buổi chiều từ 14giờ30 - 15giờ30. Đưa internet về vùng miền núi, bước đầu giúp cho bà con tìm kiếm thông tin trên mạng. Tuy nhiên, những người vào truy cập không hẳn là tìm kiếm thông tin, học sinh thường vào để chơi games, xem phim… Ông Moong Thái Nhi – Trưởng phòng Văn hóa huyện Kỳ Sơn cho biết, tại Thị trấn Mường Xén có 3 điểm kinh doanh dịch vụ internet, các điểm này luôn hoạt động sôi động. Cơ quan chức năng cũng quan tâm kiểm tra, giám sát, nhưng chủ yếu vẫn là quản lý về thực hiện quy định về giờ giấc, còn về nội dung thì rất khó, bởi không thể lúc nào cũng có mặt để kiểm tra, giám sát.
 
Hiện nay, theo thống kê của Sở TT&TT, trên địa bàn tỉnh ta có gần 700 điểm truy cập internet công cộng có đăng ký giấy phép kinh doanh. Mặc dù đã có Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng, Thông tư số 23/2013/TT-BTTTT quy định về quản lý điểm truy cập internet công cộng và điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng, Quyết định 44/2014/QĐ-UBND tỉnh về việc ban hành Quy định về quản lý điểm truy cập Internet công cộng và điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng trên địa bàn tỉnh... Tuy nhiên, công tác quản lý, giám sát thông tin còn gặp nhiều khó khăn do đặc thù internet là mạng lưới thông tin trải rộng khắp toàn cầu được kết nối bằng các thiết bị khoa học công nghệ cao như điện thoại di động, máy vi tính.
 
Theo ông Trần Anh Tuấn, Chánh Thanh tra Sở TT&TT, quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ internet còn có những hạn chế, bất cập. Nguyên nhân là do: Một số quy định còn chồng chéo giữa các văn bản, các đơn vị kinh doanh không kịp thời cập nhật các quy định pháp luật, hiểu biết pháp luật, ý thức chấp hành các quy định pháp luật của các chủ còn hạn chế, một số vì lợi nhuận nên đã vi phạm pháp luật; ý thức của một bộ phận người sử dụng internet về chấp hành pháp luật cũng như mục đích sử dụng internet còn hạn chế. 
 
Về những giải pháp tăng cường quản lý internet, ông Trần Anh Tuấn cho biết: Ngoài lập biên bản và xử phạt hành chính các điểm vi phạm, trong thời gian tới, Sở TT& TT sẽ rà soát và tiến hành hủy hợp đồng đối với các đại lý internet cung cấp trò chơi điện tử có khoảng cách dưới 200m. Tăng cường công tác thanh tra đột xuất, kịp thời ngăn chặn, xử lý khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật của các cơ sở kinh doanh. Tăng cường phổ biến các quy phạm pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng, duy trì chế độ báo cáo định kỳ về công tác phát triển, kiểm tra, giám sát hoạt động đại lý. Tại các điểm truy cập công cộng ở miền núi, để internet thực sự được sử dụng đúng mục đích, chúng tôi sẽ thường xuyên kiểm tra đánh giá hiệu quả sử dụng điểm internet. Đặc biệt, đối với giới trẻ, cần nâng cao nhận thức đúng đắn về internet, không nên chìm đắm trong “cám dỗ” thế giới ảo.
 
Phạm Ngân – Đức Dương