Để tăng cường phòng thủ và tự vệ, trong năm 2014, Quân đội Việt Nam đã được tiếp nhận tổng cộng 10 tàu chiến và máy bay quân sự các loại.
 
images1124219_1.jpgHồi tháng 7/2014, Lữ đoàn 167 đã được tiếp nhận 2 tàu tên lửa Molniya. Đây là 2 chiếc tiếp theo trong số 6 tàu do công ty Ba Son đóng cho Hải quân Việt Nam trên cơ sở giấy phép và dây chuyền công nghệ của Nga.
Tàu tên lửa Molniya được thiết kế để tiêu diệt tất cả các loại tàu chiến, tàu vận tải, cũng như tàu đổ bộ của đối phương. Molniya có lượng giãn nước toàn tải 550 tấn, dài 56,1m, rộng 10,20m, mớm nước (toàn tải) 2,14m, vận tốc 35 hải lý/h. Thủy thủ đoàn vận hành tàu khoảng 40 người.
Tuy tàu chỉ có kích cỡ nhỏ, nhưng hỏa lực con tàu đủ sức đánh chìm những chiến hạm lớn hơn nó gấp nhiều lần. Molniya được trang bị hệ thống tên lửa hành trình chống tàu Kh-35 Uran-E với 16 đạn tên lửa được bố trí ở 4 bệ phóng 2 bên sườn tàu.
Loại tên lửa này có khả năng đánh chìm chiến hạm có lượng giãn nước cỡ 5.000 tấn. Ngoài hệ thống tên lửa Uran-E, tàu Molniya trang bị một pháo hạm tự động AK-176M cỡ nòng 76,2mm, 2 pháo phòng không cao tốc Ak-630M và 12 tên lửa đối không tầm thấp Igla.
Về thiết bị điện tử, tàu Molniya được trang bị hệ thống radar mạng pha 3 chiều Pozitiv-ME1 trinh sát mục tiêu trên không và trên biển. Radar có một số tính năng gồm: phát hiện mục tiêu có diện tích phản xạ radar 1m2 bay ở độ cao 1km từ cự ly 110km; phát hiện tên lửa chống tàu có diện tích phản xạ radar 0,03m2 bay độ cao 15m ở cự ly 15km; theo dõi 15 mục tiêu đồng thời và khóa 3-5 mục tiêu cùng lúc.
Ngoài ra, tàu còn trang bị hệ thống radar trinh sát mặt nước, hệ thống điều khiển hỏa lực (pháo, tên lửa), hệ thống đối phó điện tử… Trong ảnh: Hai khẩu pháo ở phía sau của tàu HQ-377.
Cũng trong năm 2014, Hải quân Việt Nam đã được tiếp nhận 2 tàu pháo TT400TP vào tháng 5 và tháng 9. Đây là các tàu do Việt Nam tự đóng với lượng giãn nước 480 tấn khi toàn tải. Tàu có tốc độ tối đa 32 hải lý/h, tầm hoạt động 2500 hải lý và có khả năng tác chiến trong điều kiện sóng cấp 5.
Vũ khí trên tàu gồm pháo hạm tự động AK-176, súng máy phòng không 14,5mm và một pháo tự động 6 nòng 30mm AK-630 có radar dẫn bắn để tiêu diệt mục tiêu trên biển, trên không. Ngoài ra tàu cũng trang bị hệ thống tên lửa phòng không SA-N-14 với 2 ống phóng.
Cuối năm 2014 vừa qua, phía Nga cũng đã bàn giao chiếc tàu ngầm thứ 3 cho Hải quân Việt Nam và hiện con tàu này đã cập cảng Cam Ranh vào tối 28/1. Như vậy, đến hết năm 2014, Hải quân Việt Nam đã nhận thêm 4 tàu mặt nước và 1 tàu ngầm.
Ngoài lực lượng tàu nổi và tàu ngầm, cuối năm 2014, Không quân Việt Nam cũng đã được tiếp nhận chiếc vận tải cơ C-295M đầu tiên trong tổng số 3 chiếc Việt Nam đã đặt mua từ nhà sản xuất Airbus.
Máy bay C-295M có chiều dài 24,5m, sải cánh 26m với 2 động cơ cánh quạt. Nó có thể chở được 71 binh sỹ hoặc số lượng lớn hàng hóa. Như vậy, với tổng số 3 chiếc vận tải cơ C-295M này, năng lực không vận của Quân đội Việt Nam được tăng đáng kể.
Ngoài máy bay vận tải, cuối tháng 12/2014, Không quân Việt Nam đã nhận được thêm 2 chiếc tiêm kích đa năng Su-30MK2 theo hợp đồng 12 chiếc được ký kết hồi năm 2013.
Theo Interfax-AVN: “Hai trong số 12 chiếc Su-30MK2 trong hợp đồng năm 2013 đã được bàn giao cho Việt Nam vào đầu tháng 12/2014”. Nguồn tin cũng cho biết đến cuối tháng 12, Sukhoi sẽ tiếp tục bàn giao 2 chiếc Su-30MK2 tiếp theo còn lại 8 chiếc sẽ được bàn giao trong năm 2015. Như vậy trong năm 2014, Không quân Việt Nam cũng nhận được 5 máy bay gồm 4 tiêm kích đa năng và 1 máy bay vận tải.

Theo Baodatviet