Trong một sự kiện của Trường sĩ quan Tăng - Thiết giáp vừa qua, lần đầu tiên hình ảnh tăng chỉ huy T-90S do Nga sản xuất được công bố.
Dù hình ảnh T-90S lần đầu tiên được xuất hiện tại nơi đào tạo sĩ quan tăng thiết giáp Việt Nam nhưng nguồn tin không cho biết cụ thể thời gian chúng ta được tiếp nhận loại tăng tối tân này phía nhà sản xuất Nga.
Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc FSMTC Nga Mikhail Petukhov hồi đầu tháng 11/2017, Nga bắt đầu chuyển giao T-90 cho Việt Nam, trong đó có cả phiên bản tăng chỉ huy T-90S. Tuyên bố được vị lãnh đạo này đưa ra khi tham dự Triển lãm Defense & Security, trong lô đầu tiên Nga giao cho khách hàng Việt Nam có đầy đủ cả 2 phiên bản T-90S và T-90SK.
"Kết quả thông qua một loạt các cuộc đàm phán giữa các chuyên gia Nga và Việt Nam, hợp đồng cung cấp xe tăng T-90S và T-90SK đã được ký kết. Hiện nay, các bên đã bắt đầu thực hiện hợp đồng", ông Petukhov tiết lộ.
Trước đó, trong bản báo cáo thường niên vừa được công bố bởi "Uralvagonzavod" đã ấn định năm 2017 cần bắt đầu quá trình thực hiện hợp đồng với khách hàng "704" (Việt Nam) về việc cung cấp 64 xe tăng T-90S/SK.
Được biết, ngay trước khi Nga công khai việc chuyển giao lô xe tăng T-90S/SK cho Việt Nam, các sĩ quan tăng thiết giáp Việt Nam đã được đào tạo trên những chiếc T-90 tại Ấn Độ.
Việc Ấn Độ đào tạo cho Việt Nam các sĩ quan xe tăng thiết giáp không chỉ giúp sĩ quan Việt Nam tiếp cận được với nhiều loại vũ khí trang bị mới, hiện đại có thể sẽ được trang bị trong tương lai, mà còn chia sẻ những kinh nghiệm thực tế chiến đấu và kinh nghiệm đảm bảo kỹ thuật.
Theo thông tin được Interfax-AVN tiết lộ, trong 2 phiên bản T-90 Nga bán cho Việt Nam có cả tăng chỉ huy. Cả 2 phiên bản Nga bán cho Việt Nam đều sở hữu những tính năng rất ưu việt hơn cả những dòng tăng chủ lực Abrams của Mỹ cũng chịu lép vế.
Theo nhận định này, T-90S có nhiều điểm ưu việt khi so sánh với Abrams như trọng lượng nhẹ hơn 10 tấn, độ linh hoạt cao... Đặc biệt ưu điểm lớn nhất của lô tăng T-90 này là sở hữu hệ thống giáp và phòng vệ nhiều tầng hàng đầu thế giới.
Đầu tiên là TShU-1-7 Shtora-1. Hệ thống này có tác dụng làm nhiễu quá trình điều khiển đường ngắm bán tự động của hệ thống định hướng lắp trên tên lửa chống tăng. Tiếp theo là hệ thống gây nhiễu máy dò laser và thiết bị chỉ thị mục tiêu của kẻ địch thông qua các cảm biến, đèn nhiễu OTShU-1-7 và 12 ống phóng đạn khói...
Cùng với hệ thống phòng vệ cực tốt là hệ thống hỏa lực khá ấn tượng của T-90S với vũ khí chính là khẩu pháo nòng trơn 2A46 cỡ 125 mm có hệ thống nạp đạn tự động với cơ số 22 viên đạn sẵn sàng.
Ngoài các loại đạn tiêu chuẩn, T-90S còn phóng được tên lửa chống tăng AT-11 Sniper qua nòng để tiêu diệt đối phương từ cự ly xa tới 5.000 m, mục tiêu bao gồm cả xe tăng mang giáp phản ứng nổ lẫn trực thăng bay thấp.
Để hệ thống phòng vệ và tấn công hoạt động hiệu quả cao nhất trên chiến trường, tăng T-90S được trang bị hệ thống điều khiển hỏa lực với kính ngắm ngày - đêm, thiết bị ổn định và kính ngắm ảnh nhiệt giúp nâng cao khả năng hoạt động vào ban đêm và trong tình trạng thời tiết xấu.
Cùng với đó là hệ thống giáp phức hợp composite đi kèm giáp phản ứng nổ... Tất cả những trang bị tối tân này tạo nên một dòng xe tăng có sức mạnh tấn công và phòng thủ hàng đầu hiện nay.
Theo Baodatviet