mot_khu_nghi_duong_o_da_nang5112351_922019.jpgMột khu nghỉ dưỡng ở Đà Nẵng. Ảnh minh họa (Zing.vn)
Tuần qua Việt Nam được đề cập đến thường xuyên nhất trong các bài viết dành cho cuộc gặp thứ hai sắp tới của Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Tờ Washington Times cho biết, vào ngày 5 tháng 2, trong bài diễn văn Tình trạng Liên bang thường niên, Tổng thống Trump đã tuyên bố, cuộc gặp thượng đỉnh được chờ đợi từ lâu sẽ được tổ chức tại Việt Nam vào cuối tháng 2. Mặc dù Tổng thống không nêu địa điểm cụ thể, nhưng các nguồn tin đều nói về thành phố du lịch ven biển Đà Nẵng. Sự lựa chọn này là dễ hiểu. Đà Nẵng là địa phương có nhiều lợi thế về phát triển công nghiệp và có uy tín hàng đầu thế giới trong lĩnh vực dịch vụ khách sạn và nghỉ dưỡng cao cấp, ở đây có nhiều biệt thự và bãi biển. Ý tưởng là giới thiệu với Kim Jong-un thành phố này và nói: Ông cũng có thể có tất cả những thứ này tại nước mình, tờ báo ghi chú.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Washington Post viết: Lựa chọn Việt Nam, một quốc gia Đông Nam Á, cho cuộc gặp vào những ngày 27-28 tháng 2 cho thấy rõ rằng, thế giới đã thay đổi như thế nào trong mấy thập kỷ qua. Con đường của Việt Nam từ kẻ thù đến đối tác an ninh mới của Mỹ có thể đề xuất với Kim Jong-un một lộ trình thiết lập hòa bình với quốc gia hùng mạnh nhất thế giới. Ngoài ra, Time lưu ý rằng, Việt Nam duy trì quan hệ ngoại giao với Bình Nhưỡng từ năm 1950 và với Washington từ năm 1995, Việt Nam có đại sứ quán ở cả hai nước. Việt Nam trung lập về chính trị, có kinh nghiệm tổ chức những diễn đàn quốc tế lớn, đội ngũ an ninh Việt Nam có thể đảm bảo an toàn cho các lãnh đạo quốc tế.
Mục tiêu của Washington tại cuộc đàm phán ngày 27-28/2 là để Triều Tiên đồng ý từ bỏ vũ khí hạt nhân. Triều Tiên xem xét vấn đề này theo cách khác, tìm cách loại bỏ "mối đe dọa hạt nhân" từ phía quân đội Mỹ ở Hàn Quốc.

Nhưng, theo tờ báo uy tín của Nga Kommersant, hầu như không có khả năng ép buộc Bình Nhưỡng phải đi trước trong tiến trình phi hạt nhân hóa. Vào giữa năm ngoái Trung Quốc đã dỡ bỏ lệnh phong tỏa thương mại của Triều Tiên. Và Bình Nhưỡng không có nhu cầu lớn đến mức phải từ bỏ vũ khí hạt nhân đổi lấy việc phương Tây dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt. Tờ báo trích dẫn lời của một chuyên gia nổi tiếng về Triều Tiên - Giáo sư Andrei Lankov: Kim Jong-un không có ý định giải giáp vũ khí, mục tiêu của ông là đứng vững cho đến khi kết thúc nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump. Ông Trump là một vị tổng thống khó lường, trong một số điều kiện nhất định, ông sẵn sàng bắt đầu cuộc chiến chống CHDCND Triều Tiên, không đếm xỉa gì tới tổn thất của Hàn Quốc và Nhật Bản là hai nước đầu tiên sẽ phải hứng chịu đòn trả đũa của Bình Nhưỡng. Và chính Việt Nam lợi gì khi tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều? Sự chú ý của báo chí quốc tế đối với một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới, Việt Nam sẽ thu hút đầu tư nước ngoài và đóng góp cho sự phát triển của ngành khách sạn, Washington Post trả lời câu hỏi này...