Ngày 20/3, đoàn đại biểu Việt Nam do Đại sứ Dương Văn Quảng, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO và Đại diện Chủ tịch nước bên cạnh Tổ chức Pháp ngữ (OIF) dẫn đầu đã tham dự Diễn đàn phụ nữ Pháp ngữ thế giới lần thứ nhất tại Paris, nhân Ngày Quốc tế Pháp ngữ (20/3).
Đại biểu xem phim tài liệu về nhân chứng từng là nạn nhân của nạn bạo lực phụ nữ. (Ảnh: Lê Hà/Vietnam+)
Diễn đàn được tổ chức theo sáng kiến của bà Yamina Benguigui, Bộ trưởng Đặc trách Pháp ngữ-Bộ Ngoại giao Pháp.
Diễn đàn là sự cụ thể hóa tuyên bố của Tổng thống Pháp F. Hollande tại Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 14 họp tại Kinshasa, Cộng hòa Dân chủ Congo vào tháng 10/2012, về việc sẽ tổ chức diễn đàn phụ nữ pháp ngữ lần đầu tiên tại Paris.
Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Yamina Benguigui nhấn mạnh mục đích của sự kiện này là bày tỏ sự phẫn nộ trước tình trạng quyền cơ bản của phụ nữ trên thế giới cũng như tại khu vực Pháp ngữ bị suy giảm. Thêm vào đó, tình trạng xâm hại tình dục và bạo lực thân thể đối với phụ nữ và trẻ em gái đang trở thành vấn đề bức xúc và nhức nhối tại nhiều nước thành viên OIF, nhất là các nước châu Phi.
Theo bà, đây là tình trạng khẩn cấp cần phải đấu tranh để thay đổi. Vì vậy, Ngày Quốc tế Pháp ngữ năm nay mang mục tiêu đấu tranh nhằm đảm bảo sự bình đẳng giới và bảo vệ quyền cơ bản của người phụ nữ.
Bộ trưởng Đặc trách Pháp ngữ-Bộ Ngoại giao Pháp bày tỏ mong muốn diễn đàn này tạo nền móng cho việc xây dựng quy chế mới đối với việc bảo vệ quyền của phụ nữ, vốn đang bị đe dọa ở mọi nơi trong cộng đồng pháp ngữ.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Pháp, Đại sứ Dương Văn Quảng cho rằng diễn đàn là “hồi chuông cảnh tỉnh” mọi người trước vấn đề bức xúc hiện nay là bạo lực đối với phụ nữ (bạo lực thân thể và tinh thần tại gia đình, đây đó tại một số nơi công sở và trong xã hội), tư tưởng “trọng nam kinh nữ”... Diễn đàn còn giúp nâng cao nhận thức của mọi người trong việc đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống lại những vấn đề nóng bỏng này.
Đại sứ cũng nêu lên những nỗ lực đáng kể của Việt Nam trong việc cùng với OIF đưa ra các biện pháp và sáng kiến phòng chống các vấn nạn này.
Theo ông, Việt Nam đã đạt nhiều tiến bộ trong thực hiện bình đẳng giới và đặc biệt là trong cuộc đấu tranh chống lại bạo lực đối với phụ nữ. Những thành quả, kinh nghiệm, và chính sách của Việt Nam là những đóng góp quý báu với OIF. Việt Nam luôn có nhận thức đúng đắn trong cuộc đấu tranh này, nhất là về vấn đề bình đẳng giới, tôn trọng phụ nữ, giáo dục bắt buộc với tất cả mọi người, đặc biệt là phụ nữ.
Việt Nam luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền và coi đây là những điều quan trọng nên làm. Việt Nam có trình độ phát triển khá giống với số đông các thành viên của OIF, nhưng thành quả mà Việt Nam đã đạt được trong lĩnh vực này luôn đứng ở vị trí hàng đầu.
Tại hội thảo, các đại biểu đã bày tỏ quan điểm làm sao để quyền cơ bản của phụ nữ phải được tôn trọng. Trẻ em gái và phụ nữ trên toàn thế giới, nhất là tại các nước thành viên OIF, phải được tiếp cận nhiều dịch vụ xã hội và y tế như chăm sóc sức khỏe, giáo dục sức khỏe sinh sản, các biện pháp phòng chống các bệnh sốt rét, HIV/AIDS, ung thư... Đặc biệt phụ nữ phải được đại diện trong một số lĩnh vực kinh tế và chính trị.
Các đại biểu cũng chia xẻ những ý kiến, kinh nghiệm, các biện pháp lâu dài phòng chống xâm hại tình dục, nhân phẩm và cơ thể đối với phụ nữ và trẻ em gái từ 2 tuổi trở lên...
Trong khuôn khổ diễn đàn, ba hội nghị bàn tròn “Bảo vệ người phụ nữ: làm sao để ngăn chặn nạn bạo hành và đảm bảo quyền cơ bản của phụ nữ"; “Xây dựng tương lai: làm thế nào để các trẻ em gái và phụ nữ đều được đi học, từ xóa nạn mù chữ đến tiếp cận với giáo dục đại học?” và “Phụ nữ - người chủ chốt đối với sự phát triển” đã được tổ chức.
Ngoài ra, các đại biểu còn được tiếp cận với các nhân chứng, từng là nạn nhân của các vấn nạn với phụ nữ.
Tối 20/3, Tổng thống Pháp F. Hollande đã tiếp các đại biểu nữ tham dự diễn đàn.
Tổng thống Pháp cho biết từ nay “Chính phủ Pháp sẽ ưu tiên chú trọng đến phụ nữ.”
Chia sẻ ý kiến này, Thủ tướng Pháp Jean-Marc Ayrault cho biết Chính phủ Pháp hiện nay có 19 nữ và 19 nam - hiện tượng chưa từng thấy trong đời sống chính trị của Pháp./.