Trao đổi, nhằm góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, bài viết ngắn này chủ yếu nêu lên cơ sở thực tiễn để khẳng định Điều 4 và một số điểm cần được lưu ý thêm.
Có thể khẳng định vai trò duy nhất cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam được tạo lập không phải bởi Hiến pháp mà bởi những thành tựu to lớn nhân dân ta đạt được dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng duy nhất lãnh đạo, đảng duy nhất cầm quyền, là một sản phẩm khách quan của lịch sử dân tộc ta.
Thực tiễn cách mạng nước ta từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời cho thấy chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam mới đủ khả năng lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác:
Một là, Đảng Cộng sản Việt Nam đã giải quyết thành công cuộc khủng hoảng đường lối cứu nước, giải phóng dân tộc ở cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Trong thời kỳ này, các phong trào yêu nước đã đi theo nhiều hướng khác nhau: Phong trào Cần Vương đấu tranh giành độc lập dân tộc theo ý thức hệ phong kiến; Nguyễn Thái Học và đảng do ông thành lập chủ trương cứu nước theo ý thức hệ tư sản; cụ Phan Bội Châu đã thực hiện "Đông du" với ý nguyện dựa vào Nhật Bản để giành độc lập dân tộc; cụ Phan Châu Trinh định dựa vào Pháp để canh tân đất nước; Phan Văn Trường chủ trương dựa vào con đường nghị viện; một số nhà yêu nước theo ý thức hệ phong kiến đã nghĩ tới con đường bạo lực, như Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Hữu Huân, Trương Quyền, Trương Định, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám... Mặc dù không thiếu lòng dũng cảm và quyết tâm, tất cả các phong trào này đều thất bại. Nguyên nhân cơ bản là không có đường lối cứu nước nào đương thời có thể chỉ ra đúng con đường và cách thức giải quyết vấn đề cấp bách của dân tộc: Độc lập và dân chủ. Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam đã tìm ra con đường cho phép giải quyết đòi hỏi đó của lịch sử dân tộc. Nhờ vậy, cuộc khủng hoảng đường lối cứu nước, giải phóng dân tộc đã được giải quyết. Thành công đó tạo thành cơ sở thực tiễn quan trọng nhất xác lập vai trò lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc.
Hai là, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo kháng chiến giữ vững nền độc lập dân tộc, đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đưa sự nghiệp đó đến thắng lợi hoàn toàn.
Ba là, Đảng Cộng sản Việt Nam đã giải quyết thành công cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội vào những năm 80 của thế kỷ trước, đưa đất nước vững bước trên con đường đẩy mạnh CNH, HĐH với mục tiêu đến năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Như vậy, với những thành tựu to lớn mà nhân dân ta đạt được dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đảng Cộng sản Việt Nam được nhân dân suy tôn là người duy nhất có đủ phẩm chất và năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền ở Việt Nam. Điều 4 của Hiến pháp ghi nhận thực tế lịch sử ấy. Từ đó, cũng có thể rút ra một điều sau đây: Do được thực tiễn lịch sử xác lập, Điều 4 của Hiến pháp sẽ được nhân dân ta, Quốc hội ta thống nhất, ủng hộ. Tuy nhiên vai trò lãnh đạo duy nhất của Đảng ta có vững bền hay không được quyết định bởi việc Đảng ta nói chung, các cấp ủy Đảng, tổ chức Đảng các cấp, cán bộ - đảng viên có giữ vững phẩm chất, nâng cao năng lực lãnh đạo của mình để đáp ứng được nhu cầu của nhân dân hay không; Đảng có thực sự là biểu tượng về danh dự, lương tâm, trí tuệ của dân tộc hay không. Nếu cứ để tình trạng như hiện nay (một bộ phận không nhỏ cán bộ - đảng viên thoái hóa biến chất không chỉ về phẩm chất đạo đức mà cả tư tưởng chính trị; một số tổ chức Đảng không giữ được vị trí lãnh đạo của mình...) ngày một trầm trọng thêm, thì những suy thoái đó sẽ làm xói mòn nghiêm trọng niềm tin của nhân dân vào Đảng, thế lực khác sẽ xuất hiện để lấp chỗ trống đó. Khi ấy đặt trước Đảng ta một sự lựa chọn nghiệt ngã: Một là, mất tất cả; hai là, phải chia sẻ quyền lãnh đạo với các đảng đối lập.
Thực tế thời kỳ năm 1945-1946 là một minh chứng. Khi đó, vấn đề không phát sinh từ sự thoái hóa của Đảng mà từ tương quan lực lượng trên vũ đài chính trị. Một bên là Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa non trẻ, thiếu thốn đủ điều với bao khó khăn chồng chất mà chế độ cũ để lại; một bên là 20 vạn quân Tàu - Tưởng, mấy nghìn quân Ấn, mấy nghìn quân Anh chưa rút khỏi nước ta, Chính phủ Trần Trọng Kim chưa tan rã hoàn toàn, đế quốc Pháp đang lăm le ngoài biên giới. Nhà nước cách mạng trong tình trạng "ngàn cân treo sợi tóc" như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra. Khi ấy, không thừa nhận một số đảng đối lập và cho phép họ tham gia chính quyền thì chế độ mới do cách mạng lập ra sẽ rơi vào nguy cơ lớn. Trong bối cảnh đó, Đảng ta đã chấp nhận sự tồn tại của hai đảng chính trị đối lập: Việt Nam quốc dân Đảng (Việt Quốc), Việt Nam cách mạng Đảng (Việt Cách). Quốc hội khóa I có trên 70 ghế thuộc hai đảng đó không cần thông qua bầu cử. Tuy nhiên, khi quân Tưởng rút chạy khỏi Việt Nam, hai đảng trên cũng cuốn gói chạy theo.
Với những lý do nêu trên, có thể khẳng định sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là tất yếu khách quan trong tiến trình phát triển của cách mạng Việt Nam. Sự cần thiết duy trì Điều 4 của Hiến pháp năm 1992 là không thể phủ nhận. Về hình thức diễn đạt của Điều 4 trong Dự thảo: Hiến pháp phải là một văn bản cô đọng, súc tích. Càng ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ càng tốt.
Điều 4 trong Hiến pháp được xác lập bởi hiện thực lịch sử
Theo HNMO-TH