Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã công bố tiêu chuẩn quốc gia TCVN 12429:2018 về thịt mát đối với thịt lợn.

Theo quy định, thân thịt lợn ngay sau khi giết mổ ở dạng nguyên con hoặc xẻ đôi được đưa vào làm mát bảo quản đảm bảo tâm thịt ở phần dày nhất đạt nhiệt độ từ 0 - 4 độ C trong thời gian không quá 24h sau giết mổ.

Ông Tống Xuân Chinh - Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng, theo tiêu chuẩn này người tiêu dùng sẽ được sử dụng sản phẩm thịt chất lượng ngon, an toàn do được bảo quản đúng quy trình và nhiệt độ ngay sau khi giết mổ, sẽ kìm hãm sự phát triển của vi sinh vật, tăng chất lượng dinh dưỡng, cảm quan của miếng thịt.

15108882_19102018.jpgViệc áp dụng tiêu chuẩn với quy trình giữ mát nhanh, lạnh, sạch tránh ô nhiễm vi sinh và giữ nguyên chất lượng tươi ngon cần 7 - 15 ngày.
Lợn được giết mổ, sơ chế đưa vào làm mát đúng quy trình sẽ giảm sự mất nước bề mặt, không bị hao về cân nặng.

Với doanh nghiệp nếu áp dụng theo tiêu chuẩn này, ông Chinh khuyến cáo cần dán nhãn mác hàng hóa để người tiêu dùng có sự phân biệt với những sản phẩm giết mổ thông thường, tăng giá trị sản phẩm.

Ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản cho biết, ngành chăn nuôi lợn hiện chiếm khoảng 60% giá trị ngành chăn nuôi Việt Nam. Hiện thịt lợn chiếm tỷ trọng cao nhất (gần 70%) so với các loại thịt khác trong bữa ăn hàng ngày của người tiêu dùng.

Việt Nam cũng là một trong số ít quốc gia còn sử dụng dạng thịt ấm (warm meat) ngay sau giết mổ. Thịt này bị giảm chất lượng do không kìm hãm được hoạt động của vi sinh vật, enzyme và rất khó để kiểm soát tình trạng an toàn vệ sinh.

Nhiều mẫu kiểm tra cho thấy các chỉ tiêu vi sinh như nhiễm E.Coli vượt mức cho phép, nhiễm Salmonella (khuẩn gây bệnh thương hàn) còn ở mức cao. Nguyên nhân là khâu giết mổ, bảo quản, bày bán chưa được áp dụng chuỗi lạnh.

Việc áp dụng tiêu chuẩn với quy trình giữ mát nhanh, lạnh, sạch tránh ô nhiễm vi sinh và giữ nguyên chất lượng tươi ngon cần 7 - 15 ngày.

Theo đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, thịt trâu, bò, ngựa, gà, vịt, ngan ngỗng sẽ tiếp tục được xây dựng tiêu chuẩn trong giai đoạn tiếp theo.

Tiêu chuẩn TCVN 12429:2018 do Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản biên soạn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị, Tổng cục Tiêu chuẩn, Đo lường và chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định.