Việt Nam hiện có hơn 200 website giải trí "bẩn", trong đó có 40 địa chỉ bị đánh giá "cực kỳ nguy hiểm".
Từ nhiều năm nay, bản quyền điện ảnh luôn là vấn đề nóng. Đặc biệt khi tại Việt Nam, doanh thu chủ yếu của các nhà sản xuất vẫn chủ yếu đến từ rạp chiếu phim.
Phim Lô tô, Tấm Cám chuyện chưa kể, cùng nhiều bộ phim khác của Việt Nam cũng như nước ngoài khi vừa ra mắt khán giả ngoài rạp chiếu đã ngay lập tức bị sao chép và đưa lên các website để xem trực tuyến. Thậm chí, nhiều bộ phim còn được livestream trên facebook từ một khán giả. Từ đó, lượng tiền bản quyền bị thất thoát rất lớn, gây thiệt hại cho các hãng phim.
Theo nhóm các chủ sở hữu quyền gồm 7 thành viên chính, trong đó bao gồm: VTV, Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ (MPA), Công ty BHD, Việt Nam hiện có hơn 200 website giải trí "bẩn", trong đó có 40 địa chỉ bị đánh giá "cực kỳ nguy hiểm" bởi có lượng truy cập cao và nội dung vi phạm bản quyền nghiêm trọng. Cuộc chiến chống vi phạm bản quyền lại khó khăn đối với chính những người sở hữu khi họ muốn đưa những vụ việc này ra pháp luật.
Tuy nhiên, theo luật sư Trần Mạnh Hùng - thành viên hãng luật đa quốc gia Baker&McKenzie, luật pháp vẫn chỉ là con chữ, còn chính thói quen dùng miễn phí vẫn là rào cản lớn nhất để các dịch vụ xem trả tiền bản quyền phát triển. Vì thế, để thay đổi tình trạng này, điều cần nhất là chính khán giả, những người sử dụng tại Việt Nam cần thay đổi về nhận thức, và có ý thức tôn trọng sự sáng tạo.
Theo VTV