Đó là nhận định của ông Nguyễn Anh Sơn, ĐBQH khóa XIII trước thông tin Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ấn Độ vừa ngỏ ý muốn cùng Việt Nam hướng đến việc xây dựng các nhà máy của Ấn Độ tại Việt Nam với mục tiêu là chế tạo khí tài quốc phòng và có thể xuất khẩu sang các nước thứ ba.

110645-1.jpgThủy phi cơ DHC-6 mã hiệu N869VK của Việt Nam bay thử nghiệm ở Canada được sử dụng kết hợp hai hệ thống radar giám sát hàng hải ELM-2022A và hệ thống cảm biến quan sát ngày/đêm MiniPOP do Tổng công ty quốc phòng Israel Aerospace Industries (IAI) của Israel cung cấp.

Theo ông Sơn, mối quan hệ, hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng giữa Việt Nam với Ấn Độ trong nhiều năm qua luôn có nền tảng, tiến triển rất tốt. Đặc biệt về phía Ấn Độ, theo ông, Việt Nam đã nhận được nhiều sự quan tâm, ưu ái của quốc gia này đối với công tác huấn luyện, trao đổi trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng.

Nhắc tới thiện chí muốn tăng cường mở rộng hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng an ninh của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ấn Độ, trong đó có đề cập tới việc xây dựng các nhà máy liên doanh sản xuất khí tài quốc phòng của Ấn Độ tại Việt Nam, ông Sơn hoàn toàn đồng tình, ủng hộ.

Cũng giống trong triển vọng hợp tác sản xuất vũ khí cũng như lĩnh vực quân sự, quốc phòng giữa Việt Nam và Israel, nguyên Ủy viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội khẳng định đây là một hướng đi hoàn toàn đúng đắn.

Tuy nhiên, từng là một ĐBQH làm việc tại Ủy ban an ninh Quốc phòng của Quốc hội nhiều năm, ông Nguyễn Anh Sơn muốn làm rõ định hướng trong hợp tác sản xuất vũ khí sẽ đi theo phân khúc nào?.

"Ấn Độ muốn hợp tác sản xuất vũ khí bộ binh, vũ khí sát thương hay sẽ hướng tới sản xuất các loại vũ khí công nghệ cao, đặc biệt là những loại công nghệ điện tử?.

Nếu, đề xuất trên hướng tới sản xuất vũ khí công nghệ điện tử cao, không liên quan trực tiếp tới vũ khí sát thương là rất tốt. Việt Nam đang có ưu thế và cũng đạt được nhiều thành tựu lớn về khoa học công nghệ như: vũ khí điện tử, tác chiến điện tử, những vũ khí kỹ thuật cao.

Nếu chúng ta tập trung vào lĩnh vực này, đây sẽ là cơ hội để Việt Nam phát huy được thế mạnh của mình.

Hơn nữa, khi tập trung vào lĩnh vực điện tử công nghệ cao, Việt Nam sẽ có cơ hội được tiếp cận với các loại kiến thức, thiết bị hiện đại, tạo cơ hội cho Việt Nam phát triển.

Biết đâu, trong tương lai có thể những thiết bị kỹ thuật quân sự liên quan tới điện tử, điện điện tử viễn thông của Việt Nam sẽ khẳng định được vị thế và tìm kiếm được chỗ đứng trên thị trường quốc tế", ông Sơn kỳ vọng.

Ông Nguyễn Anh Sơn cho rằng, lựa chọn theo phân khúc công nghiệp điện tử hiện đại sẽ tạo sự tác động không chỉ trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng mà còn có tác động lớn tới phát triển kinh tế, hạn chế những tác động rủi ro về môi trường.

Đặc biệt, ông Sơn nhấn mạnh, để phát triển tiềm lực quốc phòng thì từ xưa đến giờ, nhiều khi chúng ta không chủ động được về vũ khí. Do đó việc đẩy mạnh, mở ra quan hệ hợp tác với một đối tác mới, đặc biệt là Ấn Độ sẽ giúp Việt Nam chủ động hơn.

Ông Nguyễn Anh Sơn cũng nhắc đến việc hiện nay Việt Nam đã tự chủ một số thiết bị quân sự. Ông kỳ vọng sự hợp tác sâu rộng, bền chặt có nền tảng truyền thống lâu năm giữa Việt Nam với Ấn Độ sẽ mở ra hướng đi mới cho Việt Nam trong lĩnh vực này.

Đặt giả thiết Việt Nam có trở thành công xưởng sản xuất vũ khí của thế giới, ông Sơn cho rằng, điều quan trọng nhất đó là Việt Nam phải nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, kỹ thuật cũng như cần đầu tư thêm những khoản kinh phí khác để hỗ trợ.

"Về mặt kỹ thuật, dù chúng ta đã đạt được ở mức nhất định nhưng để có một quy mô đủ lớn đối với ngành công nghiệp quốc phòng, đáp ứng được yêu cầu hợp tác cũng là một việc chúng ta cần phải tích lũy và có sự đầu tư không nhỏ.

Việc này chúng ta phải định hướng và tìm cách khắc phục. Nếu không đến thời điểm mở ra được cơ hội hợp tác mà Việt Nam không thực hiện được hay nắm bắt được thì rất đáng tiếc", ông Sơn nhấn mạnh.

Bình luận thêm về vấn đề này, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an) cho rằng, mong muốn của Bộ Quốc phòng Ấn Độ trong hợp tác, phát triển quân sự, quốc phòng là hoàn toàn phù hợp với thông lệ hợp tác quốc phòng giữa hai nước.

"Đây là điều kiện rất tốt giúp Việt Nam tăng cường năng lực quốc phòng, đảm bảo hòa bình, giữ toàn vẹn lãnh thổ chứ không vì mục đích gì khác. Vì thế, tôi cho rằng, Việt Nam nên hưởng ứng", Thiếu tướng Lê Văn Cương nhấn mạnh.