Trong bối cảnh nhiều quốc gia lớn thời gian qua, đặc biệt là Mỹ liên tục nhấn mạnh đến tầm nhìn chiến lược Ấn Độ- Thái Bình Dương, sự sắp xếp của ban tổ chức được đánh giá là mang tính chiến lược.

Ấn Độ với “phía Đông đang nổi lên”

Trong bài phát biểu, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã nhấn mạnh tầm quan trọng của khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương - không chỉ với Ấn Độ mà với cả thế giới.

my__an_1__japan_times1245632_362018.jpgThủ tướng Ấn Độ Narendra Modi phát biểu đề dẫn tại Đối thoại Shangri-La 2018, nhấn mạnh đến tầm nhìn Ấn Độ - Thái Bình Dương. Ảnh: Japan Times
Nhấn mạnh “con người đang hướng đến một phía Đông đang nổi lên”, Thủ tướng Narendra Modi một lần nữa khẳng định chính sách hướng Đông của Ấn Độ trong tầm nhìn về khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, một khu vực mà nước này cho rằng cần có sự liên kết chặt chẽ giữa các quốc gia để có thể nắm bắt cơ hội, đối phó thách thức trong bối cảnh địa chính trị khu vực có nhiều thay đổi.

Khái niệm Ấn Độ - Thái Bình Dương bắt đầu được chú ý đặc biệt từ sau Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Đà Nẵng hồi cuối năm ngoái khi Tổng thống Mỹ Donald Trump gọi Việt Nam là “trái tim của khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương”.

Rồi trong chuyến công du châu Á gần hai tuần ở thời điểm đó, ông Donald Trump đã liên tục sử dụng thuật ngữ này, hàm ý về một chiến lược mới của Mỹ ở khu vực mà trước đó vẫn được biết tới là châu Á - Thái Bình Dương.

Khi khái niệm Ấn Độ - Thái Bình Dương được biết đến ngày một nhiều hơn, Ấn Độ đã nổi lên là quốc gia không thể thiếu trong tầm nhìn khu vực này, thậm chí được đánh giá là một siêu cường khu vực trong tương lai. 

Với tiềm lực cả về kinh tế và quân sự, nước này đã có những bước đi tích cực nhằm gia tăng vai trò an ninh và chính trị tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, từng bước mở rộng ảnh hưởng thông qua chính sách “Hành động phía Đông”. 

Quốc gia Nam Á này được dự đoán sẽ vượt Trung Quốc, trở thành nước đông dân nhất thế giới vào năm 2024 và vượt Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vào năm 2030. Về quân sự, Ấn Độ là một trong chín quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân và có lực lượng quân đội đông thứ hai thế giới. 


Theo đó, Ấn Độ tìm cách cạnh tranh một cách có chọn lọc trong các dự án cơ sở hạ tầng để tăng cường kết nối khu vực; đảm bảo sẽ là một trong những nước đóng góp đầu tiên cho các hoạt động cứu trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai trong khu vực; mở rộng hợp tác an ninh hàng hải song phương và nâng cấp đáng kể quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ, Nhật Bản và Australia.
Trong tầm nhìn về khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, Thủ tướng Narendra Modi đặc biệt quan tâm đến cấu trúc an ninh khu vực với nhiều thách thức đang nổi lên, đồng thời nhấn mạnh an ninh và ổn định trong khu vực có thể được thực hiện nếu dựa trên các nguyên tắc công bằng, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, cùng theo đuổi mục tiêu hướng đến phát triển thịnh vượng và tiến bộ.

Mỹ sát cánh cùng Ấn Độ

Một ngày sau bài phát biểu của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cũng “đăng đàn” trong phiên họp có chủ đề “Sự lãnh đạo của Mỹ và những thách thức an ninh tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương”.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ một lần nữa khẳng định giá trị của khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương không chỉ với an ninh, ổn định của Mỹ mà còn nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, từ đó cam kết tăng cường hợp tác với trụ cột ASEAN, Ấn Độ để xây dựng một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và thịnh vượng cho tất cả. 

Ông James Mattis cũng giải thích việc Mỹ đổi tên Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ thành Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương là phản ánh sự thay đổi về trọng tâm chiến lược của Mỹ với sự đánh giá ngày càng cao đối với khu vực Ấn Độ Dương, tiểu lục địa Ấn Độ và đất nước Ấn Độ.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis gặp nhau bên lề Đối thoại Shangri-La. Ảnh: PIB
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis còn có cuộc gặp song phương với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi bên lề Đối thoại Shangri-La. Dù đây là một cuộc họp kín, song một số nguồn tin tiết lộ hai bên không thể không đề cập tới mối quan tâm chung là chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương. 

Theo giới phân tích, Mỹ và Ấn Độ có những điểm chung để có thể cùng chia sẻ tầm nhìn về khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Sau chuyến công du Châu Á hồi cuối năm ngoái của Tổng thống Donald Trump, Nhà Trắng và Lầu Năm Góc đã công bố lần lượt “Chiến lược An ninh Quốc gia” và “Chiến lược Quốc phòng" trong đó khẳng định sự ưu tiên của Mỹ với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Hai yếu tố chính được Mỹ nhấn mạnh trong chiến lược tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương là “tự do” và “mở rộng”. Mỹ đánh giá Ấn Độ là một quốc gia phát triển theo hướng tự do và mở cửa, vì vậy chính sách của Mỹ là bảo đảm Ấn Độ có thể trở thành quốc gia với tầm ảnh hưởng lớn hơn trong khu vực.

Alex Wong - Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á - Thái Bình Dương.

Dù vậy, có một nhân tố cực kỳ quan trọng khác thúc đẩy Mỹ và Ấn Độ sát cánh với nhau, đó là Trung Quốc. Khi chia sẻ về chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ tại Đối thoại Shangri-La năm nay, ông James Mattis đã không ngần ngại lên án các hành động có thể ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định trong khu vực, trong đó có những hành động đơn phương của Trung Quốc gần đây trên Biển Đông.
Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis khẳng định, Mỹ sẵn sàng hợp tác nhưng cũng sẽ hành động nếu cần thiết, bởi những việc làm của Trung Quốc thời gian gần đây là đi ngược lại những gì mà Mỹ cam kết, đó là mang lại hòa bình, ổn định và cởi mở cho khu vực.
Với Ấn Độ, những nguy cơ từ sự trỗi dậy của Trung Quốc còn “sát sườn” hơn. Các dự án cơ sở hạ tầng ngày một mở rộng của Trung Quốc ở Nam Á đang thách thức vị thế địa chính trị của nước này trong khu vực, thậm chí là ngay tại tiểu lục địa Ấn Độ. Bởi vậy, khi đề cập tới yêu cầu liên kết trong khu vực, Mỹ chắc chắn là một “mắt xích” quá phù hợp cho Ấn Độ để đối trọng với Trung Quốc.