Sau 9 ngày xét xử ‘bầu’ Kiên và đồng phạm, hôm nay (ngày 30/5), VKS vẫn tiếp tục giữ nguyên quan điểm truy tố việc kinh doanh vàng của bị cáo Kiên tại Công ty Thiên Nam là trái phép.
Tại tòa, ông Kiên và luật sư của mình đều cho rằng, pháp luật không cấm kinh doanh vàng.
Đối đáp lại phần bào chữa của các luật sư và bị cáo ,VKS tiếp tục nêu quan điểm: Đối với tội kinh doanh trái phép, việc mua cổ phần và cổ phiếu tại các doanh nghiệp, theo một số điều trong luật doanh nghiệp, theo khái niệm, việc mua cổ phần cổ phiếu, góp vốn vào doanh nghiệp khác là hoạt động kinh doanh. Do vậy, 5 công ty (trừ công ty Thiên Nam) do Kiên góp vốn, cổ phần, cổ phiếu thì phải có đăng ký kinh doanh. Theo giấy phép kinh doanh của 5 công ty trên thì không đăng ký kinh doanh cổ phần cổ phiếu, và không đăng ký kê khai bổ sung.
Hoạt động kinh doanh cổ phần, cổ phiếu có mã số cấp 4 và cấp 5. Căn cứ vào phân tích nêu trên, 5 công ty trên đã mua cổ phần cổ phiếu đa thuộc mã ngành 6499 (cáp 4), mã ngành 64990 (cấp 5) nhưng không đăng ký kinh doanh. Do vậy hành vi này trái với điều 9 trong Luật Doanh nghiệp…
Với căn cứ nêu trên, VKS giữ nguyên quan điểm truy tố các bị cáo tội kinh doanh trái phép là có căn cứ.
Đối với việc kinh doanh trái phép vàng thông qua Công ty Thiên Nam. Theo VKS, Công ty Thiên Nam được kinh doanh vàng phái sinh từ Ngân hàng ACB – Kiên chỉ chịu trách nhiệm kết nối lệnh các giao dịch vàng, còn trách nhiệm thuộc ông TGĐ Lê Quang Trung. Đối với vấn đề này, VKS đưa ra 4 quan điểm và kết luận rằng, căn cứ vào những luận điểm nêu trong cáo trạng, Kiên đã chỉ đạo Công ty Thiên Nam giao dịch mua bán vàng ở nước ngoài.
Do đó, VKS giữ nguyên quan điểm việc kinh doanh vàng của Kiên tại Công ty Thiên Nam là trái phép.
Trước đó, tại phiên tòa xét xử ‘bầu’ Kiên và đồng phạm ngày 27/5 đại diện Viện kiểm sát đã đề nghị mức án 30 năm tù giam đối với ông Nguyễn Đức Kiên.
Cụ thể đề nghị của đại diện VKS đối với các bị cáo: Nguyễn Đức Kiên (nguyên chủ tịch hội đồng đầu tư Ngân hàng ACB, nguyên phó chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng ACB, nguyên phó chủ tịch hội đồng sáng lập ACB): 18-24 tháng tù về tội kinh doanh trái phép, phạt tiền 25-30 triệu đồng sung công quỹ, đề nghị tịch thu sung quỹ số tiền đã sử dụng vào việc kinh doanh trái phép; 4-5 năm tù về tội trốn thuế, truy thu gần 25 tỉ đồng số thuế đã trốn, tuyên phạt từ 2-3 lần số thuế đã trốn để sung công quỹ Nhà nước; 16-18 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; 14-15 năm tù về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Cấm điều hành quản lý chức vụ ở các tổ tức tín dụng từ 3-5 năm.
Còn ông Phạm Trung Cang bị đề nghị 3 năm tù cho hưởng án treo.
Đối với nhóm bị cáo bị truy tố về tội Cố ý làm trái thì bị cáo Lê Vũ Kỳ bị đề nghị 7-8 năm tù giam; bị cáo Trịnh Kim Quang bị đề 6-7 năm tù; bị cáo Phạm Trung Cang bị đề nghị 3 năm tù cho hưởng án treo; bị cáo Lý Xuân Hải bị đề nghị 12-14 năm tù; bị cáo Huỳnh Quang Tuấn bị đề 3 năm tù cho hưởng án treo.
Đối với nhóm bị cáo bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản có bị cáo Trần Ngọc Thanh bị đề nghị 9-10 năm tù; bị cáo Nguyễn Thị Hải Yến bị đề 7-8 năm tù.
Theo Seatimes