(Baonghean.vn) - Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, cựu Tri phủ Quỳ Châu Sầm Văn Viên có cuộc sống yên bình. Ông là vị tri phủ cuối cùng của dòng họ Sầm danh gia vọng tộc bậc nhất miền Tây xứ Nghệ.
» Linh mục Nguyễn Đình Thục kích động giáo dân
Dòng họ Sầm (còn gọi là Lo Căm) phát tích ở bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu. Đây là một danh gia vọng tộc người Thái quyền lực nhất miền Tây Nghệ An dưới thời phong kiến. Một số tài liệu nói rằng từ khi nắm quyền, dòng họ Sầm có 17 người làm tri phủ, trong có 3 vị được mọi người nhắc đến. Đặc biệt, câu chuyện về vị tri phủ cuối cùng Sầm Văn Viên còn được nhiều người kể lại. Người bản địa quen gọi là phủ Viên.
Ông Lô Đức Mậu, 60 tuổi, là trung tá quân đội nghỉ hưu kể lại: Suốt nhiều chục năm sau cách mạng tháng Tám, phủ Viên sống trong bình yên có phần lặng lẽ. Đến năm 1986 ông qua đời.
Hậu duệ của phủ Viên giờ không còn ai. Người nhớ được nhiều nhất về lai lịch dòng họ cũng như cuộc đời của các vị tri phủ họ Sầm ở bản Hoa Tiến chỉ còn ông Sầm Văn Cảm, gọi phủ Viên bằng bác. Gia đình ông Cảm hiện đảm đương việc thờ phụng, hương khói cho vợ chồng ông Sầm Văn Viên. Ngoài 2 bức di ảnh cũ kỹ, gia đình chẳng còn giữ được tư liệu gì về cuộc đời của vị tri phủ cuối cùng của dòng họ Sầm ở Quỳ Châu.
Theo ông Cảm thì phủ Viên có 3 con đều là trai. Hai người chết yểu khi còn ấu thơ. Con trai thứ 2 là Sầm Văn Đạo, năm lên 20 tuổi đi lính cho Pháp rồi tử trận ở đồn Sầm Tớ, tỉnh Hủa Phăn (Lào) vào năm 1946. Chính vì thế mà ông Cảm nghiễm nhiên trở thành người thờ phụng vợ chồng ông Viên.
Khi mất, ông Viên thọ 91 tuổi. Vợ phủ Viên là con gái của viên tri phủ tiền nhiệm - Sầm Văn Nguyên. Tri phủ trước ông Nguyên là ông Sầm Văn Phòng, cũng là bố của ông Sầm Văn Viên.
Những cao niên ở bản Hoa Tiến chia sẻ rằng phủ Viên là người giỏi chữ Quốc ngữ và tiếng Pháp. “Ông Sầm Văn Nguyên kế vị ông Sầm Văn Phòng được chừng 4 hay 5 năm gì đó thì buộc phải nghỉ hưu vì dân tình không còn tín nhiệm. Lúc đó ông Viên đang dạy học ở phủ Tương Dương được gọi về kế vị” - ông Sầm Văn Cảm cho biết. Cũng như dòng họ Lang Vi phủ Tương Dương, là hai thế lực lớn nhất miền núi Nghệ An lúc bấy giờ. Tước vị chỉ truyền trong nội tộc.
Trong họ cũng chẳng còn ai nhớ ông Sầm Văn Phòng sinh năm bao nhiêu, giữ chức tri phủ trong bao lâu. Con cháu chỉ nhớ là ông mất vào năm 1944 và được chôn cất trong một phần mộ nằm giữa bản Hoa Tiến. Trước khi mất từ rất lâu, Tri phủ Phòng đã chuẩn bị phần mộ cho mình. Nơi đây hiện nay thành nhà thờ họ của gia tộc họ Sầm.
Ông Lô Đức Mậu cho biết: Quan phủ Sầm Văn Phòng là người được lòng dân. Theo lời kể của các thế hệ trước đây, sau khi nhậm chức vụ ông đã khảo sát sông Nậm Hạt và các sông suối lớn nhỏ trên địa bàn, sau đó huy động người dân đào mương dẫn nước vào đồng ruộng. Hiện nay, nhiều tuyến kênh mương trên địa bàn các xã Châu Tiến, Châu Hạnh (Quỳ Châu) có từ thời phủ Phòng. Nó chỉ được khơi thông và bê tông hóa lại.
Theo truyền thuyết của gia tộc thì dòng họ Sầm ở bản Hoa Tiến vốn có nguồn gốc từ người Kinh ở huyện Diễn Châu ngày nay. Chẳng ai còn nhớ là vào thời nào có người đàn ông tên Lê Hồng Nam lên vùng Châu Tiến ngày nay làm nghề thợ rèn. Về sau ông lấy vợ và lấy họ Sầm người Thái. Tri phủ Phòng là là cháu nội của ông Lê Hồng Nam.
Dòng họ Sầm bản Hoa Tiến ngày nay có 15 hộ. Họ vẫn là một gia tộc nổi bật trong việc phát triển kinh tế trong vùng.
Hữu Vi – Hùng Cường