Lương y Vũ Quốc Trung, Hội Đông Y Hà Nội cho biết, đây vừa là gia vị vừa là vị thuốc rất tốt cho sức khỏe.
Tía tô là một loại cây dễ trồng, thậm chí mọc dại ở vùng nông thôn Việt Nam, lá được dùng để ăn sống hoặc nấu chín làm gia vị cho một số món ăn ngon. Xưa nay, mọi người đều nghĩ đây chỉ là một loại gia vị cho vào nấu canh nên thường không tận dụng.
Hiện nay, một số người hiểu được công dụng bất ngờ của loại cây này nên đã tìm, thu mua. Loại tía tô màu xanh được chọn lọc từng lá với kích cỡ bằng nhau, không rách nát khi xuất khẩu sang Nhật Bản có giá 500-700 đồng mỗi lá.
Đối với người Nhật, lá tía tô là một gia vị quan trọng, được dùng để ăn kèm giúp giảm bớt mùi tanh của hải sản tươi sống trong các món ăn truyền thống như sushi và sashimi. Còn với y học Nhật Bản, lá tía tô được coi là loại thảo dược rất tốt cho sức khỏe.
Trao đổi với phóng viên về công dụng của cây tía tô, lương y Vũ Quốc Trung, Hội Đông Y Hà Nội cho biết, tía tô vừa là gia vị vừa là vị thuốc.
“Tía tô có công dụng tuyệt vời. Từ lá đến cành, đến hạt đều rất tốt cho sức khỏe”, lương y Vũ Quốc Trung nói.
Theo lương y Vũ Quốc Trung, tía tô có mùi thơm, vị cay đặc trưng, tính ấm. Lá tía tô có tác dụng giải độc, trị cảm mạo, hạ sốt, nhức đầu, ho hen suyễn... Đặc biệt, lá tía tô bánh tẻ có công dụng nhiều nhất vì lúc này hoạt chất trong lá đầy đủ, lá già thì mất hoạt chất, lá con thì hoạt chất chưa đủ. Có thể dùng lá tía tô nấu cháo, nấu canh, hoặc sắc lấy nước uống.
Cháo tía tô: Nấu cháo gạo tẻ cho ra bát, trộn lá tía tô thái chỉ. Ăn nóng, để mồ hôi toát ra.
Uống nước tía tô: Tía tô tươi 15 - 20g giã nát, chế nước sôi rồi gạn nước trong để uống. Uống xong đi nằm đắp chăn. Cách này dùng cho trẻ em, người già yếu.
Xông, ngâm chân: Lấy lá tía tô cùng các lá thơm khác tạo thành nồi lá xông và lau rửa, ngoài ra có thể dùng nước này để ngâm chân. Nếu lá được rửa sạch thì có thể lấy ra một bát để uống trước hay sau khi xông.
Lương y Vũ Quốc Trung giới thiệu bài thuốc trị ho cho trẻ nhỏ: Trường hợp trẻ ho nhiều kèm theo dấu hiệu thở gấp, sắc mặt tím tái: Dùng 20g hạt tía tô tán cho mịn thành bột, hòa với nước ấm cho trẻ uống. Bạn cũng có thể lọc lấy nước cho trẻ uống dễ hơn hoặc hòa chung với cháo cũng được.
Bài thuốc từ tía tô chữa cảm lạnh: 1 nắm lá tía tô, 1 vỏ quả quýt cùng 3 lát gừng cho vào nồi đun sôi kỹ với 1 bát nước, sau đó, chắt nước uống nóng rồi đắp chăn ấm.
Bài thuốc từ tía tô chữa đầy bụng: Giã lá tía tô lấy 1 bát nước, hòa chút muối cho uống 1 lần….
Hạt tía tô (gọi là tô tử) có đến 40% là dầu béo. Dầu được ép từ hạt tía tô cũng có thể làm dầu ăn và làm thành một thứ thuốc trị mộng tinh: Mộng tinh do tâm thận suy mà sinh ra có thể dùng 100 g hạt tía tô tán nhỏ, mỗi lần uống 4 g với rượu trắng, ngày uống 2 lần.
Cành tía tô (tô ngạnh): Tô ngạnh là thân hình trụ vuông, bốn góc tù, dài ngắn không đều nhau, đường kính 0,5 - 1,5 cm. Cành tía tô có mùi thơm nhẹ, vị nhạt.
Tô ngạnh có tác dụng giải uất, chỉ thống (giảm đau), an thai, làm mạnh dạ dày, chống nôn mửa. Chủ trị ngực bụng đầy tức, thai động bất an.
Cách dùng, liều lượng: Ngày uống 5-9g, dạng thuốc sắc.
Bài thuốc có tô ngạnh: Chữa động thai: Tô ngạnh 12 -16g, sắn dây 12g. Sắc uống ngày 1 thang. Hoặc dùng tô ngạnh, trử ma căn khô, mỗi vị 14-16g. Sắc uống ngày 3 lần.
Theo Danviet