Người bạn đồng niên Trần Hữu Phước (85 tuổi) chia sẻ, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải xuất thân trong gia đình có truyền thống cách mạng, trong đó người tác động lớn nhất là ông ngoại, vốn là một chiến sĩ tham gia kháng chiến chống Pháp từ những năm đầu của thế kỷ 20.
Thời ấy phong trào Thiên địa hội phát triển rất mạnh, ông ngoại của Sáu Khải tham gia, với mong muốn giúp dân Nam kỳ thoát khỏi ách nô lệ của Pháp, Nhật.
Người ta nói ông Sáu Khải tham gia cách mạng từ năm 14 tuổi, ở Đội Thiếu nhi cứu quốc của xã Tân Thông Hội - nơi ông sinh ra, điều đó là không sai, nhưng chưa thực chính xác. Đúng ra ông Sáu Khải tham gia hoạt động yêu nước từ năm 7 tuổi.
Trước thời điểm Nam Kỳ khởi nghĩa, ông ngoại của Sáu Khải tham gia rèn đúc vũ khí, luyện tập võ nghệ. Khi bị giặc phát hiện, ông ngoại cùng nghĩa quân Nam Kỳ khởi nghĩa phải trốn ở đồng hoang, tránh bị truy kích.
Ông Sáu Khải hàng ngày mang cơm cho và làm nhiệm vụ báo tin cho nghĩa quân – ông Phước nhớ lại.
Ông Phước cũng nói rằng tư tưởng, tình cảm của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải chịu tác động rất lớn đến từ nền văn học Xô Viết, đặc biệt là cuốn tiểu thuyết “Thép đã tôi thế đấy”.
"Ông ấy không những rất mê, mà là tôn thờ cuốn tiểu thuyết ấy. Thời ấy, ông luôn để cuốn tiểu thuyết ở đầu giường, coi đó như ngọn đèn pha tư tưởng, kim chỉ nam hành động của bản thân" – người bạn đồng niên nhớ lại.
Theo ông Phước, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải xuất thân từ gia đình nông dân ở Củ Chi đất thép thành đồng, nên dù có chức trọng quyền cao, ông luôn sống bình dân, giản dị, hòa mình vào quần chúng.
"Khoai trồng chưa có củ nhưng người dân có thể hái rau để ăn, miễn là vượt qua cái đói" - ông Phước nhắc lại câu nói của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải khi ấy.
Việc làm của ông Khải đã làm người dân xã Cát Lại rất cảm động, yêu mến. Đoàn ủy ban cải cách ruộng đất lúc đó đề nghị trao tặng huân chương lao động hạng 3 cho ông.
Cũng nhờ cách sống gần dân, mà dù có đi đâu, nhận nhiệm vụ gì ông Sáu Khải cũng được người dân ở đó quý mến. Ông Phước nói nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã được gia đình nông dân ở huyện Phúc Thọ, Sơn Tây nhận làm con nuôi khi tới làm công tác giảm tô ở đây.
"Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải khi lấy vợ đã tới gia đình cha mẹ nuôi ở vùng nông thôn huyện Phúc Thọ - nơi ông coi như quê hương thứ 2, để tổ chức đám cưới" - lời ông Trần Hữu Phước.