vi sao uy ban kiem tra t.u lai xu ly vi pham cua can bo cap huyen? hinh anh 1

Kỳ họp thứ 29, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật nhiều cán bộ (ảnh ubkttw.vn).

Khi cần thiết thì kiểm tra đảng viên do tổ chức đảng cấp dưới quản lý

Tại kỳ họp mới đây (kỳ 29) của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cơ quan này đã thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức Phó Bí thư và Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy các nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020 đối với ông Diệp Văn Thạnh, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Trà Vinh và một số cá nhân có vi phạm.

Cũng trong kỳ họp này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Huyện ủy Hướng Hóa và cá nhân có vi phạm.

Tại sao Ủy ban Kiểm tra Trung ương lại phải xem xét cả dấu hiệu vi phạm của tổ chức và cá nhân không thuộc diện Trung ương quản lý?

Trao đổi với PV Dân Việt, một Ủy viên của Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho biết, theo điều 32 của Quy định 30 thi hành chương VII và chương VIII về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng có quy định đối tượng kiểm tra: Về kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới khi có dấu hiệu vi phạm, đối tượng kiểm tra là các tổ chức đảng cấp dưới, trước hết là cấp dưới trực tiếp. Khi kiểm tra tổ chức đảng có thể kết hợp kiểm tra đảng viên của tổ chức đảng đó.

Về kiểm tra đảng viên trong việc thực hiện nhiệm vụ đảng viên, điều 32 quy định đối tượng kiểm tra như sau: Đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm, trước hết là cấp ủy viên cùng cấp, đảng viên là cán bộ thuộc diện cấp ủy cùng cấp quản lý; khi cần thiết thì kiểm tra đảng viên do tổ chức đảng cấp dưới quản lý. Theo quy định nêu trên, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã vào cuộc kiểm tra dấu hiệu vi phạm của cán bộ, đảng viên cấp huyện.

Trách nhiệm của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy thế nào?

Nhìn nhận về việc vi phạm của Ban thường vụ Huyện ủy Hướng Hóa và thành ủy TP. Trà Vinh cũng như các cán bộ liên quan, ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng: Theo phân cấp đáng lẽ vi phạm của hai cơ quan trên thuộc thẩm quyền của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Trà Vinh và Quảng Trị phải vào cuộc làm rõ.

“Việc Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc làm rõ vi phạm của Ban thường vụ thành ủy TP. Trà Vinh và Ban thường vụ Huyện ủy Hướng Hóa và các cá nhân liên quan cho thấy có hai vấn đề. Thứ nhất là sự tích cực của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Điều thứ hai cho thấy dấu hiệu yếu kém, thiếu sức chiến đấu của tổ chức Đảng và Ủy ban Kiểm tra của tổ chức Đảng đó. Cụ thể Tỉnh ủy và Ủy ban Kiểm tra của hai tỉnh Trà Vinh và Quảng Trị”, ông Hùng nói.

Vẫn theo ông Vũ Quốc Hùng, vai trò của Ủy ban Kiểm tra tỉnh ủy là kiểm tra dấu hiệu vi phạm của những cấp ủy viên cùng cấp, kể cả trong trường hợp Bí thư Tỉnh ủy có dấu hiệu vi phạm, khuyết điểm, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy cũng phải nắm, nhưng không thuộc diện được xem xét, xử lý thì báo cáo cho Trung ương. Có như thế mới thể hiện vai trò và trách nhiệm của người làm công tác kiểm tra.

Ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Thanh Hóa cho rằng: Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc làm rõ vi phạm ở Ban thường vụ thành ủy TP. Trà Vinh và huyện Hướng Hóa là rất cần thiết, để tránh vụ việc trì trệ khiến người dân băn khoăn nghi ngờ, làm ảnh hưởng uy tín của Đảng. Ở góc độ khác cũng là sự cảnh báo, Ủy ban Kiểm tra Trung ương không chỉ vào cuộc xử lý những vi phạm của tổ chức, đảng viên diện Trung ương quản lý mà còn vào cuộc làm rõ sai phạm ở địa phương. “Sai phạm dù theo thẩm quyền địa phương làm rõ khi địa phương không làm Trung ương sẽ vào cuộc và sai phạm không thể “chìm xuồng”, ông Cuông nói.

Theo ông Cuông, qua vụ việc nêu trên, vấn đề đặt là vì lý do gì Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy của hai địa phương trên lại không vào cuộc thực hiện trách nhiệm của mình để Trung ương phải vào cuộc. “Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng rõ trách nhiệm của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Trà Vinh và Quảng Trị, tại sao lại không làm rõ được vi phạm của tổ chức Đảng và các đảng viên thuộc thẩm quyền; nguyên nhân là gì, có vấn đề gì đằng sau hay không?”, ông Cuông đặt vấn đề.